Trước khi vào năm học mới, tập thể giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Liên (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) cùng góp tiền mua máy giặt để học sinh nội trú sử dụng.
Thầy Nguyễn Đăng Khoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với học sinh lớp 1, 2, 3, nhà trường hợp đồng nhân viên tạp vụ hỗ trợ các em lau dọn phòng ở, giặt áo quần, chăn màn… Các lớp trên thì học sinh tự làm những công việc này. Tuy nhiên, để hỗ trợ học sinh khi mùa Đông sắp đến, thầy cô bàn nhau trang bị cho khu nội trú một máy giặt dùng chung để quần áo, chăn màn nhanh khô hơn sau khi giặt”.
Mỗi phòng ở nội trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Liên đều được trang bị giỏ đựng áo quần bẩn. Trường còn lợp thêm mái tôn làm khu vực phơi phóng cho học sinh bởi mùa Đông có số ngày mưa kéo dài, mà phòng ở của học sinh nội trú phải được thông thoáng, tránh ẩm ướt.
Nhân viên y tế Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vừa rà soát danh mục thuốc để mua bổ sung trước khi thời tiết chuyển mùa.
Thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong buổi khám sức khỏe đầu năm học, tùy theo từng độ tuổi, học sinh được hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc bản thân phù hợp để phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh nơi ở. Các em còn được rèn thói quen mắc màn khi ngủ. Phòng ở được cấp phát đầy đủ dung dịch sát khuẩn, xà phòng diệt khuẩn, các dụng cụ cọ rửa nhà vệ sinh, phòng ở… ”.
Mỗi học sinh ở khu nội trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam đều được phát chăn, gối dùng riêng. Khu ở của học sinh có 2 máy giặt để bảo đảm áo quần của các em được giặt giũ, phơi phóng khô ráo, không bị ẩm mốc. Với điều kiện học sinh bán trú đến cuối tuần mới về gia đình, thầy Võ Đăng Chín cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh được nhà trường rất chú trọng.
“Để tăng sức đề kháng cho học sinh thì trước hết, khẩu phần ăn của các em phải bảo đảm, cân đối dinh dưỡng. Khâu tiếp phẩm, chế biến được nhà trường kiểm soát chặt chẽ. Trường đang xây dựng bếp ăn chế biến một chiều để bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ưu tiên tối đa để đến giờ ăn, thức ăn của học sinh vẫn nóng. Các em cũng được nhân viên y tế và thầy cô giáo phụ trách nội trú nhắc nhở phải uống nước ấm, giữ gìn vệ sinh thân thể khi vào mùa lạnh” - thầy Chín chia sẻ.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại phòng y tế. |
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Liên có gần 170 học sinh ở khu nội trú, cuối tuần các em mới trở về nhà. Trong đó, số học sinh có nhà ở thôn Đăk Doa và thôn Tang Tong phải di chuyển khá xa, với 12km.
Thầy Nguyễn Đăng Khoa cho biết: “Tùy theo tình hình thời tiết để nhà trường quyết định cho học sinh về hay giữ lại vào cuối tuần. Như thôn Đăk Doa và thôn Tang Tong là khu vực có nguy cơ sạt lở cao nên nhà trường thống nhất với phụ huynh, nếu thời tiết xấu, mưa lớn kéo dài thì không nên đến trường đón con vào cuối tuần để bảo đảm an toàn. Nhà trường sẽ lo ăn ở cho các em vào những ngày nghỉ”.
Với những điểm trường lẻ, dù quãng đường di chuyển của học sinh không quá xa, nhưng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn chủ động phương án bảo đảm an toàn cho học sinh trong những ngày thời tiết xấu.
“Chúng tôi liên hệ với nhà dân sống xung quanh điểm trường để có thể gửi học sinh ở lại qua đêm nếu cảm thấy đường về nhà không an toàn. Các em học 2 buổi/ngày nên 16 giờ chiều là tan học. Tuy nhiên, nếu có mưa lớn hoặc trời quá tối, những học sinh không có người nhà đón, giáo viên sẽ thông báo phụ huynh gửi các em ở lại” - thầy Hồ Văn Hạnh, Hiệu trưởng cho biết.
8 học sinh lớp 1 - 2 đang học tại điểm trường Ông Dũ (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân) cũng được giữ ở lại trường. Đây là những học sinh có nhà ở nóc Ông Cường. Do số lượng học sinh ít nên năm học này, nhà trường không mở điểm trường tại chỗ mà vận động phụ huynh đưa con sang học ở nóc Ông Dũ, cách đó khoảng 6km.
Để các em đi về hàng ngày thì quãng đường di chuyển quá xa, phải qua suối, nguy cơ học sinh nghỉ học buổi chiều rất cao. Nhà trường tìm mọi nguồn hỗ trợ để có thể tổ chức bán trú cho học sinh, như một cách để duy trì sĩ số cũng như bảo đảm sự chuyên cần.
23 học sinh ở điểm trường Ông Dũ được hỗ trợ bữa ăn trưa tại trường từ chương trình Bữa ăn trên núi của câu lạc bộ Bạn thương nhau (Đà Nẵng). Ngoài ra, 8 học sinh của nóc Ông Cường sẽ ở lại trường, được cô giáo chăm sóc thêm 2 bữa sáng, tối cũng từ nguồn ủng hộ nói trên.
Thầy Võ Đăng Chín cho biết: “Nhà trường có sẵn vườn cây thuốc nam nên mùa Đông, nhân viên y tế phối hợp với bộ phận cấp dưỡng nấu trà gừng, sả để học sinh uống vào một số ngày trong tuần. Đây là cách để nâng cao khả năng miễn dịch cho học sinh nhằm phòng, chống một số bệnh theo mùa”. Hiện có dịch đau mắt đỏ nên để phòng ngừa, nhà trường mua thêm dung dịch muối sinh lý 0,9%, hướng dẫn các em nhỏ mắt hàng ngày. Ngoài ra, học sinh được nhắc nhở phải vệ sinh tay, chân thường xuyên; không sử dụng chung các vật dụng cá nhân…