Thời sự

Trường Sa - Tiếng lòng thiêng liêng. Bài 2: Hối thúc khát vọng

25/05/2024 06:44

Có một dấu ấn ghim lại trong lòng tôi khi tham gia hải trình đến với quần đảo Trường Sa – nhà giàn DK1.

>>> Trường Sa - Tiếng lòng thiêng liêng!

Đó là sự hối thúc khát vọng được truyền từ tinh thần cống hiến tràn đầy sức xuân của cán bộ, chiến sĩ hải quân giữa trùng dương lộng gió…

Lần đầu được đặt chân đến cảng Cam Ranh, tôi thực sự choáng “ngợp” trước dáng vẻ hùng dũng của tàu Trường Sa - HQ 571 sẵn sàng chờ đón. Đang ngơ ngác chưa biết cần phải làm gì thì một thủy thủ tiến lại nở nụ cười trìu mến, kéo giúp vali cá nhân đi về phía cầu tàu.

Dán mảnh giấy nhỏ ghi chữ D13 lên vali, anh nói: “Xong rồi, vali sẽ được chuyển đến tận phòng chị ở. Chào mừng chị cùng đoàn công tác số 6 tham gia hải trình lần thứ n đến với Trường Sa, nhà giàn DK1 bằng HQ 571”.

Nắng buổi sớm lấp lóa đan vào ánh mắt dạn dày gió sương của người trai ấy như bừng lên niềm vui khi tiếp tục được đón những gương mặt lạ để trở thành quen cho bao lần vượt sóng biển Đông!

Nhịp cầu đất liền - biển đảo

Thiếu tá Phan Tiến Định, thuyền trưởng tàu HQ 571 (thứ 2, hàng trên, từ phải qua) đang chỉ huy tàu thả neo gần quần đảo Song Tử Tây. Ảnh: Bình Thanh.
Thiếu tá Phan Tiến Định, thuyền trưởng tàu HQ 571 (thứ 2, hàng trên, từ phải qua) đang chỉ huy tàu thả neo gần quần đảo Song Tử Tây. Ảnh: Bình Thanh.

“Mọi người trong đất liền cứ yên tâm, chúng tôi có trách nhiệm giữ gìn biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và có phần trách nhiệm đưa hơi ấm đất liền ra, gửi gắm niềm tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ngoài đảo gửi về đất liền” - Thiếu tá Phan Tiến Định, thuyền trưởng tàu HQ 571 (Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân).

“Với chúng tôi, được vận hành tàu Trường Sa – HQ 571 chở các đoàn đại biểu đi Trường Sa là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao. Cũng bởi, mỗi chuyến ra khơi chúng tôi cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng: Đưa hơi ấm từ đất liền ra với các cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1”, Thiếu tá Phan Tiến Định, thuyền trưởng tàu HQ 571 (Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân) bắt đầu câu chuyện khi bình minh trên biển vừa ló rạng.

Thiếu tá Định đã có 16 năm công tác, trong đó: 5 năm học tại Học viện Hải quân. Năm 2019, anh chính thức nhận nhiệm vụ là thuyền trưởng tàu Trường Sa 18 và từ tháng 3/2022 đến giờ là thuyền trưởng tàu HQ 571.

Giữa nhịp sóng nhẹ nghiêng, anh Định bảo, mỗi chuyến công tác như thế này luôn lưu lại trong anh nhiều ấn tượng, gắn liền với những màu sắc riêng biệt của từng đoàn đến từ nhiều vùng miền được thể hiện qua trang phục, âm nhạc, ẩm thực…

Người đến từ Tây Nguyên sẽ mang những âm thanh cồng chiêng trong vũ điệu núi ngàn còn người đến từ Tây Bắc lại là tiếng khèn, đàn tính đầy tình tứ, quyến rũ… Hay người phương Nam sẽ có đờn ca tài tử còn người phương Bắc sẽ là quan họ giao duyên hay làn điệu chèo ngọt ngào, đằm thắm.

Riêng các đoàn kiều bào, họ thường giao tiếp cởi mở và cách thể hiện cảm xúc với biển đảo quê hương rất mãnh liệt. Nhiều người đứng lặng trên boong tàu hàng giờ, như thể muốn ghi nhớ thật nhiều, thật kỹ vẻ đẹp của biển trời Việt Nam, từ con sóng bạc đầu rì rào đêm ngày đến cánh chim chao liệng và cả bóng đàn cá bất ngờ tung mình bay lên…

Say sưa kể về các đoàn như thế nhưng khi nói về công việc của mình, anh Định luôn đặc biệt nhấn mạnh rằng, với anh cũng như tất cả cán bộ, chiến sĩ công tác ở mọi vị trí trên tàu HQ 571, nhiệm vụ mà các anh thực hiện cơ bản đều thuận lợi; cán bộ, chiến sĩ luôn an tâm công tác và mỗi hải trình đều đem lại những niềm vui chứ không bao giờ có nỗi buồn.

Nghe nhắc đến một số nhiệm vụ không kém phần nguy hiểm như tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện thời tiết sóng to gió lớn, hướng ánh mắt bình tĩnh, tự tin, anh chia sẻ đó là các anh thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn.

Kỷ niệm mà anh nhớ nhất là năm 2020, tàu đi cứu kéo ghe của ngư dân trong điều kiện sóng gió cấp 7, cấp 8. Nhận lệnh của sở chỉ huy mà tàu khi đó chỉ nắm được khu vực ghe đang bị hỏng máy thả trôi chứ không biết chính xác tọa độ.

Anh vẫn chỉ huy tàu cơ động đến tìm kiếm, cuối cùng phát hiện và tiếp cận được mục tiêu để cứu kéo về vị trí an toàn. Lúc đó, tàu chao đảo trên những con sóng cao từ 4,5 đến 5 mét khiến cán bộ, chiến sĩ mệt, có người say sóng.

“Nhưng tất cả là chức trách nhiệm vụ nên tinh thần sẵn sàng chiến đấu đã át đi những trở ngại, khó khăn đó”, anh Định nói.

Quả vậy, khi bước xuống những chiếc xuồng nối nhịp giữa tàu chở đoàn công tác với các điểm đảo do cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 571 cầm lái phục vụ ai cũng thấy an tâm vì có điểm tựa vững chãi.

Tôi không thể quên được phút giây từ Đá Tây B trở về đất liền, xuồng vừa rời đảo thì tiếng máy nổ yếu dần, khựng dần. Dù không ai nói với ai nhưng trong ánh mắt mỗi người ánh lên sự phấp phỏng, lo ngại. Bình tĩnh kết nối bộ đàm báo cáo với chỉ huy, Đại úy Lê Văn Sao quay ra nói mọi người cứ yên tâm và chờ thêm một lát.

Đổi gác trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Bình Thanh.
Đổi gác trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Bình Thanh.

Dứt lời, anh lặn xuống bãi cạn kiểm tra động cơ. Chưa đầy một phút, xuồng nổ máy giòn giã, tất cả thở phào trong ngạc nhiên. Anh Sao trở lại xuồng, tiếp tục cầm lái đón đầu sóng, vui chuyện và mặc gió hong khô đầu tóc, quân phục. Vài phút sau, xuồng cập tàu an toàn.

“Đôi khi chúng tôi vẫn gặp tình huống như thế và phải nhanh chóng phán đoán tình hình, báo cáo chỉ huy rồi trực tiếp xử lý, tránh để đại biểu lo lắng. Việc đảm bảo an toàn cho mọi người là trách nhiệm của tất cả chúng tôi”, anh Sao chia sẻ từ trách nhiệm của một thuyền viên có tới 22 năm kinh nghiệm “cưỡi sóng”. Giọng nói Quảng Bình của anh thật ấm áp mà dứt khoát, mạnh mẽ…

Còn buổi trưa xuống xuồng ra đảo Đá Đông A, Đại úy Lê Tiến Thông khéo léo vòng lái tránh sóng cứ như thể một nghệ sĩ đang múa tay trên những phím đàn. Anh Thông đã có hơn 20 năm là thủy thủ, gắn bó với những con tàu - từ các tàu Trường Sa đến tàu hộ vệ tên lửa và giờ là HQ 571 nên hiểu rất rõ “tính cách” của những con sóng bất thường nơi trùng dương. Thế nhưng, với anh, kinh nghiệm lúc nào cũng cần để có thể hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ, xử trí trong mọi tình huống.

Có lẽ, nếu chỉ nhìn anh Thông năng nổ, nhiệt tình trong công việc và luôn cởi mở, thân tình đón chào mọi người bước vào hải trình của HQ 571 thì chẳng mấy ai biết rằng anh đã âm thầm vượt qua khó khăn trong cuộc sống như thế nào. Chẳng là, mấy năm qua, người vợ tào khang của anh chẳng may bị mắc bệnh hiểm nghèo, phải nghỉ việc (giáo viên) để điều trị.

Thương vợ đau yếu mà chồng suốt ngày đi xa, anh phải gửi đứa con đầu lòng vào TP Hồ Chí Minh cho người thân chăm sóc, dạy dỗ. Mỗi lần nghỉ phép, anh chi chút từng khoảnh khắc để được ở bên vợ hiền. Còn đã lên đường công tác, anh lại hăm hở trong mọi việc: Lái tàu, lái xuồng, vận chuyển hàng hóa....

Đến ca trực (cách đều 3 tiếng), anh ngồi ghế lái HQ 571, cùng đồng đội đảm bảo tiến độ của hải trình. Đêm văn nghệ trên boong tàu, anh ngẫu hứng hòa tiếng hát ngợi ca quê hương, đất nước giàu đẹp. Trong sương sớm, anh vội vã cùng đồng chí chuẩn bị xuồng để đưa đại biểu sang đảo.

Giữa trưa nắng chang chang, anh bâng khuâng thả neo tàu cập cảng Cam Ranh, vì như thế có nghĩa là được trở về nhà mà lại sắp chia xa những người bạn mới. Nhưng đã có ốc nhỏ, đá xinh gửi tặng cùng tấm lòng chân thật, mọi người sẽ luôn nhớ về anh!

Tôi cũng nhớ mãi câu chuyện Đại úy Trần Ngọc Sáng – phó thuyền trưởng tàu HQ 571 luôn tận tình, chu đáo với công việc và có kỷ niệm khá đặc biệt: Vừa cưới vợ mới được 3 ngày thì lên đường nhận nhiệm vụ đồng hành với Đoàn công tác số 6.

Tình huống này như nhắc nhớ về những năm tháng cả nước ra trận đánh giặc ngoại xâm, có biết bao mối duyên cầm sắt vừa được xe thì vội chia xa để người chồng lên đường ra mặt trận. Và thú vị hơn nữa vì mối duyên của anh Sáng được se từ năm trước, khi anh cùng đồng chí, đồng đội lái con tàu HQ 571 đưa cán bộ, nhân dân ra quần đảo Trường Sa.

Anh đã gặp chị dịp đó để đến năm nay họ về chung một nhà. “Với bộ đội, đã là nhiệm vụ được giao thì phải tuyệt đối chấp hành, phục tùng dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Cũng may vì vợ tôi đã có chuyến thực tế đến với quần đảo Trường Sa nên rất thông cảm”, anh Sáng bày tỏ.

Còn đi về phía cuối con tàu, tôi gặp những “anh nuôi” là các cán bộ, chiến sĩ hải quân ở nhiều đơn vị được tăng cường đến. Họ luôn nhớ chăm lo những bữa cơm ngon ngọt phục vụ hàng trăm người mà không nhớ mình đã kịp chợp mắt hay chưa.

Đại úy Bùi Văn Thạch có 15 năm công tác, là bếp trưởng cho biết, ban đầu việc đảm bảo quân nhu cũng “căng” nhưng giờ thì quen với sự quay chong chóng đón hết đoàn này lại sang đoàn khác của HQ 571 rồi. Trong gian bếp nhỏ hẹp, nóng hầm hập, lau vội dòng mồ hôi trên má, Thạch cười rất tươi, nói: “Chị chụp em kiểu ảnh nhé!”.

Với mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân, được tham gia bảo vệ biển đảo quê hương là dấu ấn tuổi xuân đẹp nhất. (trong ảnh: Một phần đảo Len Đao hôm nay). Ảnh: Bình Thanh.
Với mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân, được tham gia bảo vệ biển đảo quê hương là dấu ấn tuổi xuân đẹp nhất. (trong ảnh: Một phần đảo Len Đao hôm nay). Ảnh: Bình Thanh.

Thanh xuân tự hào

“Con trai, biển đảo quê hương mình vô cùng rộng dài, bao la. Con ở nhà chăm ngoan, vâng lời mẹ nhé. Ba hứa, mai mốt con lớn lên, ba sẽ cùng con ra khơi…” - Đại úy Lê Xuân Đạt, đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn.

Mỗi điểm đảo, chúng tôi chỉ có vài giờ dừng chân, nhưng cũng đủ để thấy và cảm về những người con đất Việt là các cán bộ, chiến sĩ hải quân đêm ngày chắc tay súng gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Dẫu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy vẫn trùng trùng, điệp điệp, nhưng các anh luôn vững vàng ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan, không gì khuất phục được. Thật hãnh diện khi các anh đã có một thanh xuân vô cùng tự hào!

Đó là Đặng Duy Quân ở đảo Đá Tây B; Thạch Tuấn Kiệt, Huỳnh Ngọc Thọ đang làm nhiệm vụ trên đảo Len Đao; Đào Uy Tín ở Song Tử Tây, Huỳnh Tấn Tài ở Sinh Tồn Đông, Nguyễn Xuân Giáp ở Trường Sa Lớn…

Những người chiến sĩ vai đeo quân hàm binh nhì, binh nhất này đều mới tuổi mười chín, đôi mươi nhưng từ nước da, dáng vẻ đến ánh mắt, cử chỉ, giọng nói đều sôi nổi, rắn rỏi và cương nghị.

Mỗi người mang trong mình biết bao khát vọng, ước mơ nhưng khi Tổ quốc cần thì cùng tạm gác lại và sẵn sàng lên đường ra tuyến đầu nơi đầu sóng ngọn gió như quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

Giữa trưa đầy nắng gió, tôi gặp khẩu đội trưởng Lê Ngọc Thanh quê ở Ninh Thuận, đang làm nhiệm vụ trên đảo Len Đao. Đến tháng Mười tới, Thanh mới tròn tuổi đôi mươi.

“Dù ra đảo được khoảng nửa năm nhưng với tôi đây là dấu ấn tuổi xuân đẹp nhất. Tôi luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với niềm tin yêu đồng chí, đồng đội, người thân và Nhân dân cả nước. Tôi mong muốn sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ học nghề để góp sức xây dựng quê hương”, chiến sĩ Lê Ngọc Thanh tự hào chia sẻ về sứ mệnh thiêng liêng và định hướng tương lai rất đỗi bình dị.

Còn với các cán bộ thường xuyên đi tăng ở quần đảo Trường Sa lại là niềm hạnh phúc chẳng thể đếm đo trong cuộc đời binh nghiệp. Mỗi đợt nhận nhiệm vụ công tác lại mang đến cho các anh những cảm xúc đặc biệt, có khi là sự hồi hộp với điểm đảo mới, có khi là những háo hức khi được trở lại nơi đã từng gắn bó gần thì năm trước, xa thì cũng gần 10 năm, không biết giờ đây có những đổi thay thế nào.

Thượng úy Nguyễn Văn Hợi cũng đã đến An Bang năm 2017, Đá Thị năm 2020. Riêng đảo Sinh Tồn Đông đây là lần 2 anh trở lại sau gần 20 năm. Thượng úy Đỗ Văn Vũ thì có đến 6 lần đi tăng, làm nhiệm vụ ở các đảo Đá Đông, Đá Tây, Đá Thị, Cô Lin và 2 lần đến Đá Lớn… Trung tá Nguyễn Đình Lơi đã đi tăng đến Sơn Ca và hai lần đến Sinh Tồn Đông làm nhiệm vụ trong vòng 4 - 5 năm nên được đồng đội gọi vui là “chúa đảo”.

“Quãng thời gian tôi ở đây chưa khi nào gặp bão mà chỉ có áp thấp yếu. Đây là lần thứ 2 trở lại, sau gần một năm, tôi thấy cây cối xanh hơn và có nhiều công trình vững chãi hơn. Để có sự đổi thay này trên đảo, không chỉ Sinh Tồn Đông mà tất cả các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc là biết bao công sức của cán bộ, chiến sĩ hải quân”, anh Lơi nhấn mạnh.

Cũng ở đảo Sinh Tồn Đông, tôi được nghe câu chuyện của Đại úy Lê Xuân Đạt. Sau những tháng năm công tác ở các đảo phía Bắc như Cô Tô, Thanh Lân, Ngọc Vừng, đây là lần thứ hai anh trở lại Trường Sa và tiếp tục dừng chân tại Sinh Tồn Đông (lần đầu vào năm 2021).

Mới năm trước, năm sau thôi nhưng bước chân anh vẫn rộn nhịp - tưởng như bước chân của đứa con xa nhà nay được trở về vì với anh và tất cả các đồng chí, đồng đội thì “Đảo là nhà – Biển cả là quê hương”. Rồi từng dáng phong ba, bão táp; từng dải cát, vỉa kè; từng đợt gió lộng vi vút… vừa mang dáng thân quen vừa có phần lạ lẫm bởi sức vươn…

Đồng chí, đồng đội năm trước có thể đã được thay tăng nhưng cái cách ăn sóng nói gió cùng những nụ cười hào sảng và làn da sạm đen, mái tóc cứng khô thì vẫn giữ trên những gương mặt dù hôm nay là mới nhưng chỉ ngày mai đã là quen!

Cứ biền biệt xa gia đình như thế nhưng anh Đạt không bao giờ thấy đơn lẻ vì bên anh có đồng chí, đồng đội bền gan vững chí, lạc quan yêu đời; có tổ ấm gia đình ăm ắp những nhớ thương.

Ấm áp xiết bao khi gọi điện cho con, anh lại được nghe tiếng trẻ thơ lảnh lót: “Ba ơi, ba ăn cơm chưa? - Ba có nhớ con không? - Ba ơi, ngoài đảo rộng lớn thế nào?”. “Mỗi tiếng trẻ thơ đem đến cho tôi hơi ấm của đất liền, hối thúc thêm trách nhiệm với công việc của mình”, anh Đạt chia sẻ.

Đợt trước công tác ở đảo Đá Thị, dịp này, Thượng úy Nguyễn Văn Hợi tiếp tục đi tăng Đá Tây B từ tháng 1/2023 đến nay. Anh kể, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu thì cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn có những giây phút thư giãn tập thể dục thể thao ở nhà văn hóa đa năng.

Vườn rau ở đảo Đá Tây B. Ảnh: Bình Thanh.
Vườn rau ở đảo Đá Tây B. Ảnh: Bình Thanh.
Giây phút nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Bình Thanh.
Giây phút nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Bình Thanh.
Phía dưới là hộp rau và phía trên là giàn mướp trên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Bình Thanh.
Phía dưới là hộp rau và phía trên là giàn mướp trên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Bình Thanh.

Không riêng gì Đá Tây B mà các đảo đều có nhà đa năng với nhiều máy tập nâng cao sức khỏe - món quà từ đất liền gửi ra cho hải đảo. Cùng với đó là hoạt động tăng gia luôn được đẩy mạnh, bất chấp khí hậu khắc nghiệt. Những vườn rau xanh mướt sắp vào vụ thu hoạch luôn được cán bộ, chiến sĩ chăm chút, nâng niu.

Dù được “giấu” gió trong nhà tôn quây kín nhưng vẫn có những đợt gió mạnh như rắc muối lên đảo nên rau bị táp. Nhưng bộ đội chẳng quản ngại, liền nhanh chóng ủ những nồi giá đỗ thế vào rất bổ dưỡng, mát lành. Ngoài ra, có điểm đảo còn nuôi được chó, gà và lợn… để cán bộ, chiến sĩ có thể cải thiện bữa ăn.

Anh Hợi đã có tổ ấm nhỏ lúc nào cũng vang tiếng cười của hai bạn nhỏ đang học lớp 3 và lớp 6. Mỗi khi nghe tin bố sắp đi công tác về là hai bạn khấp khởi muốn được đi đón. Còn lúc bố lên đường nhận nhiệm vụ mới, có bạn níu vạt áo òa khóc.

“Đấy là tình cảm tự nhiên của con trẻ và là giọt nước mắt hạnh phúc của những người được làm cha, làm mẹ. Vì có khi nhận nhiệm vụ đột xuất chúng tôi lên đường ngay lập tức mà không kịp tạm biệt gia đình (như lần tôi đi tăng đảo Đá Thị). Bởi vậy, đó cũng là điểm tựa tinh thần để bước chân người lính thêm vững chãi, kiên cường trước mọi bão giông”, anh Hợi nói cùng ánh nhìn đong đầy hạnh phúc.

Nhận tin đoàn công tác số 6 cập đảo Đá Tây B, Trung tá Lê Ngọc Nam, chính trị viên đảo Đá Tây đi xuồng từ Đá Tây A sang đón đại biểu. Đợt trước anh cũng đi tăng 4 năm ở đảo Song Tử Tây và được coi là “thủ lĩnh” tinh thần cho quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió.

Với gia đình nhỏ, mỗi lần được về thăm nhà, anh lại dành thời gian gần gũi động viên, quan tâm chia sẻ, bù đắp tình cảm cho các con và vợ hiền.

“Là vợ của lính chắc chắn ai cũng phải xác định quyết tâm vừa là mẹ vừa là cha thay chồng đi xa để chăm lo, dạy dỗ con cái học hành. Hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới yên tâm công tác”, anh Nam nói.

“Vậy bố Nam mang quà gì từ biển (như ốc, nhành san hô…) về tặng cho các con?”. “Chắc chắn rồi, nhưng sẽ là những đợt sau. Bởi đến giờ, lần nào cũng đột xuất nên tôi mới chỉ mang được tấm lòng nhớ thương trở về”, anh Nam mộc mạc bày tỏ trong ánh mắt bâng khuâng.

Và, thật quý khi ở thời 4.0, các anh Nam, Hợi, Đạt… vẫn giữ được “mô hình” kết đôi chuẩn: Bộ đội – giáo viên. “So với các ngành nghề khác, các cô giáo sẽ có thời gian chăm sóc cho con cái, gia đình khi chồng công tác xa nhà. Ở nơi xa chúng tôi cũng cảm thấy an tâm”, anh Nam lý giải.

Thực ra, các anh chưa hẳn đúng khi giờ đây không hẳn các cô giáo có nhiều thời gian vì ai cũng bộn bề việc trường lớp và dạy dỗ học trò. Nhưng các anh phần nào “chuẩn” vì, nghề giáo sẽ tôi rèn những phẩm chất như: Kiên trì, mẫu mực, chịu thương, chịu khó để những người vợ bộ đội có thể đủ sức gánh gồng sứ mệnh đặc biệt với gia đình, với Tổ quốc thân yêu.


Bài 3: Các thầy ngôi sao!

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truong-sa-tieng-long-thieng-lieng-bai-2-hoi-thuc-khat-vong-post683640.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truong-sa-tieng-long-thieng-lieng-bai-2-hoi-thuc-khat-vong-post683640.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường Sa - Tiếng lòng thiêng liêng. Bài 2: Hối thúc khát vọng