Học sinh ở bán trú trong trường đến lớp tự học vào buổi tối. Ảnh: Hồ Lài. |
Đây là tiền đề quan trọng để đưa học sinh nhà xa vào ở trong trường. Một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập tốt hơn, mặt khác giúp nhà trường quản lý học sinh, tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện, hiệu quả.
Tuy vậy, sau hơn một học kỳ, việc tổ chức bán trú cho các em vẫn gặp nhiều khó khăn vì vướng kinh phí hoạt động, chưa có cơ chế để tổ chức bán trú và thiếu nhân lực hỗ trợ. Bắt đầu từ giữa tháng 2, Trường THPT thí điểm đưa 300 HS diện bán trú vào trường ở với mô hình như nội trú. Cụ thể các em sẽ ăn ở, sinh hoạt, học tập trong trường từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Trước mắt, nhà trường ưu tiên học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhà xa trường. Giáo viên và nhân viên toàn trường tự nguyện thay nhau hỗ trợ chăm sóc, quản lý học sinh.
Hiện Trường THPT Kỳ Sơn mới ưu tiên đưa 300 học sinh diện bán trú, nhà xa, con em hộ nghèo vào ở bán trú. Các em đóng tiền điện nước, còn các chi phí khác nhà trường đang hỗ trợ và kêu gọi xã hội hóa. Ảnh: Hồ Lài. |
Suốt 3 tuần nay, kể từ khi vào ở trong trường, tối nào Lữ Thị Thùy Linh (lớp 11C1) cũng mang theo sách vở, cùng với các bạn tự học tại lớp. Để tạo điều kiện về chỗ ngồi, ánh sáng cho học sinh, nhà trường mở cửa phòng học từ 19h – 21h30 phút để các em đến học bài.
Thùy Linh chia sẻ: “Em đang ôn tập chuẩn bị thi học sinh giỏi trường môn Lịch sử. Vào ở bán trú trong trường, em thấy thuận tiện hơn rất nhiều trong học tập. Phòng ở cũng sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi. Trước đây, khi còn là học sinh THCS, em đã ở bán trú nên quen với cuộc sống tập thể. Năm ngoái học lớp 10, phải tự thuê trọ bên ngoài vất vả hơn. Năm nay, khi trường cho đăng ký vào ở bán trú, bố mẹ em rất mừng và mong muốn em được vào ký túc xá”.
Lãnh đạo nhà trường thường xuyên đến thăm học sinh ở bán trú, nhắc nhở các em giữ vệ sinh chung và tuân thủ nội quy ký túc xá để đảm bảo an toàn, sử dụng lâu dài cơ sở vật chất. Ảnh: Hồ Lài. |
Trước mắt, nhà trường chưa thu bất cứ khoản đóng góp nào của học sinh mà sử dụng từ nguồn hỗ trợ theo Nghị định 116. Riêng tiền điện, nước chung và tiền thuê nấu ăn, nhà trường đã họp phụ huynh và thống nhất tạm thu mỗi tháng 20 ngàn đồng/em. Bên cạnh đó, mỗi phòng ký túc có đồng hồ riêng và các em sử dụng bao nhiêu điện thì chia đầu người để trả.
Trước đó, theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Nghệ An, dự kiến xây dựng mô hình trường DTBT THPT kiểu mới đối với Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong) và THPT Kỳ Sơn. Nhưng Trường THPT Kỳ Sơn thực hiện sẽ thuận lợi hơn vì đã được trang bị khu ký túc xá khang trang, hiện đại, đầy đủ đồ dùng cơ bản như giường tầng, chăn màn, đệm…
Trường THPT Kỳ Sơn tạo điều kiện mở cửa lớp để đến ôn bài vào buổi đêm vì đủ điều kiện bàn ghế, ánh sáng hơn phòng trọ hay ký túc xá. Ảnh: Hồ Lài. |
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng chia sẻ nhiều khó khăn, bất cập khi triển khai mô hình. Theo đó, nói là trường DTBT THPT “kiểu mới” vì nếu đúng bản chất bán trú, học sinh chỉ ở lại ăn uống, nghỉ trưa. Còn học sinh bán trú của trường thì lại ăn ở, sinh hoạt như nội trú từ thứ 2 đến thứ 6.
Vì thế, nếu chỉ nhìn vào chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ, học sinh là người dân tộc thiểu số mỗi tháng được hỗ trợ hơn 500 ngàn đồng tiền ăn và 15 kg gạo thì không đủ để tổ chức nấu ăn cả 3 bữa sáng, trưa, tối cho học sinh mỗi ngày. Chưa kể tiền điện, nước, hợp đồng nhân viên nấu ăn và tiền trực quản lý học sinh bán trú. Trong khi 55% học sinh của trường là con em hộ nghèo, việc vận động xã hội hóa để tổ chức bán trú là khó khả thi nếu chưa có cơ chế tài chính của UBND tỉnh.
Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo Trường THPT Kỳ Sơn xây dựng đề án về mô hình trường bán trú kiểu mới để trình các ban, ngành liên quan. Trong thời gian này, nhà trường tùy vào điều kiện thực tế mà đưa từng phần học sinh vào ở trong trường, thay vì tổ chức đồng loạt cho hơn 1.000 em.
Thầy Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn sớm có cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện mô hình Trường Phổ thông DTBT THPT kiểu mới với quy mô đầy đủ, đồng bộ. Qua đó giảm bớt khó khăn cho học sinh, phụ huynh và giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục hiệu quả. Quản lý học sinh tốt hơn và hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng”.