Chính sách giáo dục

Truy thu phụ cấp vượt quy định ở Đắk Lắk: Giáo viên mong được 'trả góp'

13/05/2025 14:43

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk vừa có kết luận về việc chi phụ cấp ưu đãi vượt quy định tại 13 đơn vị, liên quan đến hàng nghìn giáo viên trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tổng số tiền phải truy thu lên đến hơn 125 tỷ đồng, trong khi phần lớn giáo viên không biết mình nhận sai quy định và phải hoàn trả số tiền lớn trong thời gian ngắn.

Chi vượt hàng trăm tỷ đồng

Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thái đã ký văn bản chỉ đạo Thanh tra tỉnh, giám đốc các sở và chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp xử lý theo Kết luận thanh tra 46/KL-TTr ngày 9/4/2025. Nội dung kết luận nêu rõ: Từ năm 2021 - 2024, nhiều địa phương trong tỉnh chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên vượt định mức theo quy định hiện hành, với tổng số tiền lên tới 125,4 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là các địa phương chưa cập nhật Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về phân loại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo giai đoạn mới. Sau quyết định này, số xã thuộc vùng khó khăn ở Đắk Lắk giảm mạnh, từ 184 còn 130. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo mức cũ, dẫn đến việc chi trả vượt quy định.

Theo Quyết định 244/2005/QĐ-TTg, mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên giảng dạy trực tiếp được phân theo vùng: Giáo viên mầm non, tiểu học ở miền núi hưởng 50%, đồng bằng 35%; giáo viên THCS và THPT lần lượt là 35% và 30%. Việc không cập nhật vùng áp dụng chính sách dẫn tới hàng nghìn giáo viên được hưởng mức phụ cấp ưu đãi cao hơn so với thực tế.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra cho thấy, không chỉ các đơn vị trường học mà sở, ngành liên quan như sở GD&ĐT, sở Tài chính cũng thiếu kiểm tra, hướng dẫn kịp thời sau khi Chính phủ ban hành quyết định mới. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai ở cấp tỉnh khiến nhiều huyện, thị vẫn áp dụng chế độ theo danh mục cũ trong gần 3 năm.

Trong số 16 đơn vị được thanh tra, có 13 đơn vị (tương ứng 181 trường công lập) xác định chi vượt phụ cấp ưu đãi với số tiền cụ thể như: Krông Pắc hơn 21,8 tỷ đồng; Krông Năng hơn 16,1 tỷ đồng; Krông Bông hơn 14,4 tỷ đồng; Ea Kar hơn 10,1 tỷ đồng; Cư M’gar hơn 9,7 tỷ đồng… Ngoài ra, Sở GD&ĐT Đắk Lắk bị truy thu hơn 12,3 tỷ đồng.

Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị có liên quan. Sở Tài chính được giao kiểm điểm cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, quyết toán kinh phí sai quy định. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các địa phương hoàn tất truy thu trước ngày 31/12/2025.

Để tháo gỡ vướng mắc, UBND tỉnh chỉ đạo 13 địa phương (trong đó có TP Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Ea Súp, Cư Kuin…) rà soát, báo cáo cụ thể. Thanh tra tỉnh được giao làm đầu mối xin ý kiến Trung ương và các bộ, ngành liên quan để có hướng xử lý thống nhất trên toàn tỉnh.

truy-thu-phu-cap-vuot-quy-dinh-o-dak-lak-2.jpg
Giáo viên ở Đắk Lắk tích cực ứng dụng kỹ thuật, phương pháp dạy học tiên tiến trong từng tiết học. Ảnh: Thành Tâm

Mong được… “trả góp”

Trước yêu cầu hoàn trả khoản tiền lớn trong thời gian ngắn, giáo viên nhiều trường học bày tỏ mong muốn được “trả góp” theo hình thức giãn nộp tương ứng với thời gian nhận vượt quy định.

Tại huyện Krông Pắc - địa phương có số trường bị truy thu nhiều nhất tỉnh, với 28 trường thì giáo viên đang chịu áp lực lớn. Cô Tr.T.L.Th. - giáo viên tiểu học tại thị trấn Phước An, cho biết: “Tôi nhận thông báo phải nộp lại hơn 55 triệu đồng và hoàn tất trong năm nay. Trong khi đó, thu nhập của tôi chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, còn phải nuôi mẹ già, 2 con nhỏ. Mong tỉnh xem xét cho trả dần từng tháng, như thế sẽ nhẹ gánh hơn”.

Tương tự, một nữ giáo viên mầm non tại xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) bị yêu cầu hoàn trả hơn 48 triệu đồng trong vòng 8 tháng, tức là hơn 6 triệu đồng/tháng. “Biết xoay xở đâu ra trong khi lương mỗi tháng chỉ hơn 7 triệu đồng và còn đủ thứ chi phí khác phải lo. Chúng tôi mong các cấp xem xét nguyện vọng được trả góp dần theo lương hằng tháng”, nữ nhà giáo bày tỏ.

Tại huyện Krông Năng, 19 trường học công lập cũng bị yêu cầu truy thu hơn 16 tỷ đồng. Một giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân bộc bạch: “Vợ chồng tôi làm giáo viên, thu nhập mỗi tháng khoảng vài chục triệu đồng, đang nuôi 3 con ăn học. Giờ mỗi tháng phải dành gần 13 triệu đồng để hoàn trả thì thực sự quá áp lực”.

Không phản đối việc truy thu vì hiểu rõ quy định pháp luật, hiệu trưởng mầm non tại huyện Ea Kar mong tỉnh có phương án linh hoạt hơn: Truy thu theo đúng số tháng đã nhận sai, thay vì dồn lại phải nộp trong vài tháng cuối năm.

Theo khảo sát sơ bộ, nhiều giáo viên bị truy thu từ 40 - 60 triệu đồng, tương đương với mức nhận phụ cấp vượt quy định trong 30 - 37 tháng. Việc yêu cầu hoàn trả ngay một lần hoặc trong vài tháng khiến nhiều người không đủ khả năng chi trả, ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý giảng dạy.

Hiện nay, các trường học tích cực tuyên truyền, vận động giáo viên hợp tác với chính quyền địa phương, đồng thời tổng hợp ý kiến kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Theo nhiều lãnh đạo phòng GD&ĐT, các địa phương không cố tình làm sai mà do sự chậm trễ trong việc cập nhật và hướng dẫn chính sách mới. Vì vậy, họ mong tỉnh, ngành chức năng Trung ương xem xét hoàn cảnh khách quan, có lộ trình hợp lý và nhân văn để giáo viên không bị tổn thương sau sự việc.

“Đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp giáo dục. Trong trường hợp này, lỗi chủ yếu do thiếu hướng dẫn từ cấp trên, giáo viên hoàn toàn bị động trong việc nhận phụ cấp. Vì vậy, nếu bắt buộc truy thu, nên có phương án hỗ trợ, giãn tiến độ nộp để tránh gây hoang mang, mất ổn định trong ngành”, một trưởng phòng GD&ĐT kiến nghị.

Cùng quan điểm, lãnh đạo các trường THPT bị truy thu do chi vượt quy định cũng cho rằng, trong khi chờ hướng dẫn từ các bộ ngành, địa phương cần chủ động rà soát khả năng tài chính của giáo viên, lên phương án linh hoạt như thu theo tháng hoặc trừ dần vào lương.

Ngoài 13 đơn vị (với 181 trường học công lập) được xác định chi vượt quy định phụ cấp ưu đãi giáo viên với tổng số tiền hơn 125 tỷ đồng, kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ ra: UBND TP Buôn Ma Thuột chi thiếu phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên tại 36 trường, thuộc 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truy-thu-phu-cap-vuot-quy-dinh-o-dak-lak-giao-vien-mong-duoc-tra-gop-post730898.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truy-thu-phu-cap-vuot-quy-dinh-o-dak-lak-giao-vien-mong-duoc-tra-gop-post730898.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truy thu phụ cấp vượt quy định ở Đắk Lắk: Giáo viên mong được 'trả góp'