Về quá trình công tác chuyên môn, ông Hải khai làm việc tại 2 công ty và 3 trường đại học trong đó, năm 2005-2016 là trưởng dự án phần mềm của một công ty về công nghệ. Từ năm 2016 đến nay (năm 2022) là Fouder của một công ty công nghệ khác. Đối với 3 trường đại học, ông Hải khai từ năm 2012 đến 2020 là Trưởng bộ môn phần mềm tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Từ năm 2016 đến nay là giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn.
Đặc biệt, ông Hải khai đã và đang tham gia 4 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp ĐHQG TPHCM, 1 đề tài cấp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và 1 đề tài cấp cơ sở (không nêu cơ sở nào)…
Trao đổi với Tiền Phong, TS.Nguyễn Quốc Anh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho hay, sau khi tiến hành rà soát kỹ lại thông tin đội ngũ giảng viên của trường thì được biết là ông Nguyễn Trường Hải đã từng giảng dạy tại trường từ năm 2016 đến 2022 với vai trò là giảng viên thỉnh giảng, chứ không được bổ nhiệm bất cứ chức vụ nào tại khoa.
Về tính pháp lý của bằng thạc sĩ và tiến sĩ của ông Hải đều không có trong dữ liệu cấp bằng, thì những học phần, môn học mà ông này dạy cho sinh viên sẽ được xử lý ra sao? Ông Quốc Anh cho hay: “Giảng viên thì cũng dạy theo các giáo trình của nhà trường đã được chuẩn hóa kiến thức nhất định. Thầy cô chủ yếu mang tính hướng dẫn cho các em sinh viên là nhiều. Còn khi thi cử, nhà trường có ngân hàng , đề thi riêng, chứ không phải thầy cô nào dạy là chấm thi, ra đề. Khi sinh viên thực hiện các đồ án môn học thì cũng có một hội đồng đánh giá, gồm từ 2 đến 3 thành viên cả trong và ngoài trường, nên nếu sinh viên đã vượt qua các kỳ thi thì chắc chắn phải đạt một chuẩn kiến thức nhất định”.
Ông Quốc Anh cũng thông tin, qua sự việc của ông Nguyễn Trường Hải, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, rà soát lại kỹ hơn quy trình tuyển dụng nhân sự về sau này đồng thời cho biết, đến nay nhà trường cũng chưa nhận được thắc mắc hay phản hồi gì của người học lẫn doanh nghiệp tuyển dụng liên quan đến bằng cấp của ông Hải.
Ở góc độ pháp lý, trao đổi với PV, Luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn cho rằng, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định được đối tượng có hành vi buôn bán, sử dụng bằng giả nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, các đối tượng này có thể sẽ bị xử lý về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào có hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị xử phạt với mức phạt tù cao nhất lên tới 7 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, một cán bộ lãnh đạo trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cho biết, ông Hải được nhận vào làm việc theo diện thử việc tại cơ sở TPHCM từ đầu tháng 9. Đến ngày 18/9, nhà trường cho ông Hải thử việc ở vị trí trưởng khoa Công nghệ thông tin.
Lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam cho biết, theo quy trình tuyển dụng, sau khi nhận được hồ sơ, trường sẽ xác minh văn bằng của ứng viên bằng cách gửi bằng tiến sĩ mang tên Nguyễn Trường Hải sang Trường ĐH Khoa học tự nhiên để xác minh. Kết quả xác minh, thông tin trên văn bằng này không đúng với dữ liệu lưu trữ.
Trước thông tin trên, Trường CĐ Công thương Việt Nam đã gọi ông Hải lên làm việc nhưng ông này vẫn khẳng định bằng cấp của mình là do trường Đại học Khoa học tự nhiên cấp. Đến đầu tháng 11, ông Hải gửi đơn xin nghỉ việc với lý do bận việc gia đình.