Văn hóa

Truyện ngắn: Cánh diều tuổi thơ

03/06/2024 09:21

Ngồi trên máy bay, ngắm nhìn bầu trời qua khung cửa sổ, tôi nhìn thấy những đốm nhỏ phía dưới những đám mây trắng. Tôi biết đó là những cánh diều…

Tôi trở lại thăm quê hương sau nhiều năm bôn ba định cư nơi xứ người. Tôi về đúng vào mùa gặt, trên những cánh đồng lúa vàng óng ánh, máy gặt đập liên hợp đang thi nhau thu hoạch lúa cho người nông dân. Cái cảnh các cô các chị khom lưng dưới những tia nắng, từng cơn gió rì rào thổi đến làm vạt áo bay bay để gặt lúa đã không còn.

Xe chạy dọc theo con đường làng đã được cán nhựa mà trước đây khi tôi rời đi chỉ là con đường đất gồ gề, đầy ổ gà, ổ voi. Lắm lúc mấy đứa con nít tinh nghịch nhảy chân sáo vấp ngã rồi bắt cha má nó phải cõng về nhà. Xe dừng lại trước hàng rào hoa dâm bụt, bên trong là ngôi nhà gỗ cổ xưa nhưng không cũ kỹ. Tôi vừa đứng thất thần thì bỗng tiếng đứa con nít làm tôi giật mình.

“Ba má ơi! Ông bà nội ơi! Bà cố ơi! Cô út về nè!”.

Lúc tôi đi con Mén vừa mới sinh được một tháng, còn bé tí như con mèo nằm co ro trong xó bếp. Suýt thì tôi đã không nhận ra con bé vì bây giờ nó đã lớn phổng phao nhưng nhờ giọng nói thánh thót như chim họa mi của nó mà tôi lập tức nhận ra ngay.

Con Mén chạy đến kéo vali cho tôi. Từ xa xa tôi nhìn thấy má và chị dâu đang đỡ bà nội đi đến. Tôi không kìm được xúc động chạy vội đến ôm lấy nội. Bà gầy gò ốm yếu, lưng còng, chân bước đi đã không còn vững. Đôi tay bà run run vỗ lên lưng tôi.

“Mồ tổ cha mày. Bây về sao không nói một tiếng”.

Má tôi không giấu được cảm xúc nghẹn ngào khóc. Chị dâu tôi cũng khóc theo.

* * *

Con Mén nó nịnh nọt tôi đủ điều. Vừa vào đến nhà, nó đã chạy đi bật quạt gió rồi rót cho tôi ly nước mát. Nó kêu tôi uống đi cho khỏe, ở bên Mỹ không có cái nước này đâu. Tôi hỏi nó nước gì mà quý hiếm dữ.

Nó bảo nước rễ chanh mía lau. Tôi bưng ly nước nhấp một ngụm, hương thơm thoang thoảng vấn vương cánh mũi, vị ngọt thanh đọng lại nơi cổ họng. Tôi sẽ không nói với con Mén ở Mỹ cũng có bán loại nước này. Chỉ là nó không bao giờ có được hương vị của quê hương.

“Cô út ơi cô út. Chiều con dắt cô út ra đồng chơi nha. Con đưa cô út đi coi cá mập biết bay. Chắc cô út không biết con cá mập biết bay đâu phải không?”.

Con Mén ngồi bên cạnh không ngừng luyên thuyên về con cá mập biết bay của nó. Sống đến từng tuổi này làm sao tôi không biết con cá mập ra làm sao. Nhưng cá mập chẳng phải chỉ sống ở biển hay sao? Con Mén nó làm tôi tò mò nhưng tôi cố gặng hỏi cá mập làm sao biết bay nhưng nó không trả lời chỉ nhìn tôi cười cười. Con bé lém lỉnh lắm, điều này tôi biết rõ qua mấy lần nói chuyện điện thoại với cả nhà.

* * *

Do công việc bận rộn không thể sắp xếp rồi dịch bệnh bùng phát cho nên phải đến hôm nay tôi mới trở lại thăm gia đình sau nhiều năm xa cách. Khi còn nhỏ tôi thường muốn mình lớn nhanh một chút, muốn được phép đi đây đi đó một mình, muốn làm gì thì làm mà không cần phải được sự cho phép của ba má.

Nhưng sau nhiều năm một mình bôn ba nơi đất khách, tôi lại thèm cảm giác được má mắng mỗi khi về trễ bữa cơm, thèm được má cằn nhằn mỗi khi đầu tóc nhuộm màu, chải chuốt, quần áo có chút hớ hênh.

“Đi ra ruộng mà mặc quần ngắn cũn vậy hả Mén. Gốc rạ nó cắt vào cái chân, tối về ngứa thì đừng có khóc, có la nghen”.

Tôi mỉm cười nhìn con Mén đang tung tăng cầm con diều chạy đến phòng tôi. Tiếng má nó la cũng văng vẳng trong nhà. Nó giống hệt như tôi ngày xưa. Mặc kệ má la tôi vẫn làm theo ý mình rồi chạy ù theo đám bạn đang chờ ngoài sân.

“Cô út nhìn thấy con diều của con đẹp hông?”.

“Cá mập biết bay là đây đó hả?”.

“Thì là con diều đó cô út. Chứ mấy con cá mập thật làm sao bay vèo vèo trên bầu trời rộng lớn được”.

Tôi mỉm cười nhìn theo bóng con Mén đã khuất dạng sau bờ rào hoa dâm bụt. Tôi bâng khuâng nhớ về tuổi thơ của mình.

* * *

Buổi chiều khi nắng vẫn còn vương tia sáng trên đồng nhưng gió đã nổi lên. Đám con nít bắt đầu xôn xao trốn ba má mang theo con diều chạy ra đồng. Tại sao lại phải trốn mà không phải ung dung đi? Bởi vì trời còn chưa hạ nắng, ba má sợ chúng nó dằm nắng gió sẽ ngã bệnh. Nhưng có đứa nào chịu nghe, cứ đến đầu tháng Hai là đứa nào cũng rạo rực.

Những ngày cuối tuần, trên những cánh đồng vừa mới gặt, đám con nít cười nói rôm rả. Chúng thi nhau xem ai thả diều cao hơn. Gió bất ngờ thổi mạnh con diều uốn lượn ngửa đầu muốn bay lên cao hơn nữa làm kéo căng sợi dây. Mấy đứa con gái nhát gan sợ đứt dây nên hét la inh ỏi.

Tụi con trai hống hách thả dây cho diều được tung cánh nương theo từng cơn gió bay lên cao hơn. Bất ngờ diều đứt dây, có đứa òa khóc, cả đám ngước nhìn theo bóng con diều bay càng lúc càng xa rồi mất hút về một hướng nào không còn nhìn thấy nữa.

“Tụi nhỏ bây giờ chắc không còn đứa nào thả diều giấy như mình ngày xưa nữa đâu anh nhỉ”.

“Ừ. Bây giờ cầm vài chục nghìn là đã có một con diều đầy đủ màu sắc kiểu dáng rồi. Mần chi nữa cho cực”.

Tôi ngửa đầu nhìn lên trời, xa xa mấy con diều đủ loại hình hài như bướm, đại bàng, diều hâu và cả con cá mập giống của con Mén. Tôi nhớ rõ, khi tôi còn nhỏ cứ gần đến mùa gặt, anh em tôi đi sang nhà hàng xóm xin cây trúc về chẻ thành cây nhỏ rồi lấy giấy báo cắt thành hình thoi sau đó lấy dây buộc các thanh trúc vào.

Diều muốn bay cao và không bị đảo lượn nhiều thì phần đuôi phải dài. Anh tôi giao cho tôi nhiệm vụ làm phần đuôi. Tôi đặt bốn ngón tay bé tí của mình vào để đo ni mà cắt. Sau đó dùng cơm nguội dán mấy đoạn giấy lại với nhau. Để có được một con diều bay cao trên bầu trời, hai anh em tôi phải hì hục cả ngày.

* * *

Tôi rời quê lên Sài Gòn công tác mấy ngày trước khi về lại Mỹ. Tôi phát hiện không chỉ ở vùng quê miền Tây, nơi có những cánh đồng rộng lớn mới thấy con diều bay lượn trên bầu trời nữa. Mà bây giờ ở Sài Gòn đi đến các bãi đất trống vào buổi chiều mát, đều có thể bắt gặp cha mẹ đưa con nhỏ đi thả diều.

Trên bầu trời thành phố với những tòa nhà cao tầng vẫn có những con diều bay lượn với đầy đủ kiểu dáng và màu sắc. Có lẽ những người lớn tuổi ngước nhìn lên bầu trời cũng cảm nhận được tuổi thơ của họ đang ùa về.

Cho dù đi đâu và xã hội có không ngừng phát triển ra sao thì cánh diều vẫn luôn là một trò chơi mà trẻ nhỏ yêu thích.

Tôi cho là vậy.

Ngày tôi chuẩn bị trở về Mỹ, bà nội tôi khóc nhiều. Má và chị dâu tôi cũng rưng rưng. Con Mén cũng nức nở, vừa khóc vừa đem đến nhét vào tay tôi con diều cá mập của nó.

“Cô út đem về bển cho em Kelvin đi”.

Má nó nhíu mày nhắc:

“Ba có mua con diều mới sao con không lấy tặng cho em mà lấy con này”.

“Con diều của con bay cao lắm. Nó thắng hết mấy con diều của mấy đứa trong xóm mà”.

Tôi lau vệt nước mắt cho con Mén. Rồi nhận lấy con diều của nó. Ở Mỹ cũng có bán diều và thậm chí còn có nhiều loại bay cao và đẹp hơn mà ở Việt Nam không có. Nhưng chắc chắn đây sẽ là con diều đặc biệt đối với tôi và cả con trai tôi.

* * *

Ngồi trên máy bay, ngắm nhìn bầu trời qua khung cửa sổ. Tôi nhìn thấy những đốm nhỏ phía dưới những đám mây trắng. Tôi biết đó là những cánh diều đang bay lượn trong tiếng nói cười vui vẻ của đám con nít. Những cánh diều cũng từng là tuổi thơ đẹp nhất của tôi.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-canh-dieu-tuoi-tho-post685481.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-canh-dieu-tuoi-tho-post685481.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn: Cánh diều tuổi thơ