Văn hóa

Truyện ngắn: Ngôi nhà tuổi thơ

15/09/2024 09:28

Tôi trở lại ngôi làng quê hương sau gần 20 năm xa cách. Mọi thứ vừa to lớn, vừa bé nhỏ một cách kỳ lạ!

Tôi trở lại ngôi làng quê hương sau gần 20 năm xa cách. Mọi thứ vừa to lớn, vừa bé nhỏ một cách kỳ lạ! Núi non, sông suối, rừng cây vẫn ở nguyên vị trí của chúng, dù rằng cây cối đã trưởng thành theo thời gian, có cây già chết, có cây non mới mọc.

Xưởng cưa xẻ gỗ vẫn hoạt động. Thực tế, đó cũng là ngành công nghiệp duy nhất còn sót lại của địa phương và là nguồn thu nhập, nguồn sinh kế duy nhất của người dân làng vùng này kể từ khi nghề hàng thịt và nghề sửa chữa đóng cửa vĩnh viễn.

Ngôi làng như bị lãng quên. Cửa hàng tổng hợp cũ đã mất đi mái vòm duyên dáng, quyến rũ vốn có. Tôi nhớ hồi còn đi học, tan học, chúng tôi thường tụ tập ở đó. Cửa hàng hơi tối tăm, bày bán đủ thứ hàng hóa, từ dây giày đến bình sữa, từ những viên kẹo đến phụ tùng máy kéo.

Ngay giữa làng là một tòa nhà đổ nát, mái hiên hành lang xung quanh nó gần như không còn trụ vững trên các cột đỡ. Đó là nơi ở của những người nghèo, thiếu thốn nhất. Gần đó, người ta đã xây hai chung cư HLM (khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp) với màu nâu xám ảm đạm.

Nhà thờ còn vững vàng kiên cố, ngọn tháp vẫn vươn cao hướng về phía bầu trời. May mắn thay, một đội ngũ tình nguyện viên đã chăm sóc và cùng dân làng đóng góp công sức để bảo tồn và tu sửa nhà thờ.

Bên cạnh nhà thờ là ngôi trường nơi tôi đã theo học hai năm tiểu học. Tôi học năm đầu tiên tại nhà, và khi tôi bắt đầu đến trường, tôi rất nhút nhát!

Dù vậy, tôi vẫn có những kỷ niệm đẹp về ngôi trường này. Sân trường giờ đây có vẻ nhỏ hơn nhiều so với trong ký ức của tôi. Bên cạnh sân trường là một khu rừng nhỏ, được ngăn cách với ngôi trường bởi một con mương mà chúng tôi không bao giờ dám vượt qua vì bị cấm tuyệt đối. Bây giờ con mương đã được thay thế bằng một hàng rào. Liệu có phải chúng tôi khi đó ngoan ngoãn hơn hay ít đi nghịch ngợm hơn bọn trẻ bây giờ?

Trường của chúng tôi dành cho cả nam lẫn nữ và tôi nhớ rằng tôi có hai người bạn yêu nhau, một trong hai người tên là René. Tôi chắc chắn bây giờ chúng tôi sẽ khó lòng nhận ra nhau!

truyen ngan ngoi nha tuoi tho (3).jpg
Minh họa/INT

Tôi tiếp tục cuộc hành trình về thăm làng trên con đường nơi mình đã sống thời thơ ấu. Tôi thừa nhận, tôi có chút lo sợ, khi gặp lại nơi đã từng là tổ ấm của gia đình và chứng kiến những tàn phá của thời gian. Tôi đã đúng khi lo lắng!

Ngôi nhà gia đình trong tình trạng hoang tàn, đổ nát. Màu sắc ban đầu của nó, trắng và đỏ, đã phai nhạt thành một màu xám đơn điệu. Ống khói bong tróc lộ ra những viên gạch. Chỉ còn lại những cây tử đinh hương và vài cây phong, nhưng những ngọn cây đã bị cắt đi để nhường chỗ cho đường dây điện đi qua.

Nhìn xem, đó là nơi từng có tổ ong vò vẽ. Tôi nhớ một lần mình đã bị ong chích. Lúc đó, tưởng chừng như có hàng trăm con ong chích vào người tôi! May mắn là mẹ tôi biết tất cả các mẹo để chữa trị vết ong chích, vết bỏng và vết cắt...

Vẫn còn nhìn thấy căn nhà gỗ màu xanh lam mà người anh trai đã qua đời của tôi xây cho đàn chim nhạn. Nó hơi xiêu vẹo, nhưng nó gợi lại cho tôi những kỷ niệm đẹp; được ngồi trên bãi cỏ, tôi nghe tiếng hót ríu rít của những chú chim non. Chúng tôi không được phép đến gần căn nhà, vì chim mẹ sẽ tức giận lao vào chúng tôi để bảo vệ những đứa con của nó.

Cái chuồng mà anh em tôi và bố đã cải tạo thành chuồng lợn giờ chỉ còn lại trong ký ức.

truyen ngan ngoi nha tuoi tho (2).jpg
Chiếc đàn đạp hơi harmonium của Ấn Độ.

Nhưng những kỷ niệm thật đáng nhớ! Khi còn nhỏ, tôi có một chiếc đàn đạp hơi harmonium của Ấn Độ. Trước khi thành chuồng nuôi lợn, ở đó, chúng tôi nuôi những chú gà con mới nở. Tôi thường xuyên đến chơi nhạc và được hòa âm cùng tiếng kêu chiêm chiếp của những chú gà con tạo thành bản nhạc đệm vui tươi.

Có những chú gà con còn đi dạo trên bàn phím đàn khi tôi chơi, có lẽ chúng cũng thích âm nhạc? Tôi vẫn còn nhớ rõ đôi mắt đen láy, tròn như những viên bi, nghe những tiếng kêu nhỏ bé và nhớ cả mùi hương dễ chịu của chúng…

Sau đó, gian chuồng này được cải tạo, biến thành chuồng nuôi lợn. Đó không phải là khoảng thời gian thú vị cho lắm, vì đàn lợn kéo theo sự xuất hiện của một đội quân ruồi nhặng. Tuy nhiên, những chú lợn con vẫn hồng hào, sạch sẽ và thơm tho. Nhưng rồi, mọi chuyện dần trở nên tồi tệ hơn khi chúng lớn lên…

Nhớ một ngày nọ, khi tôi ở nhà một mình, có lẽ lúc đó khoảng 10 tuổi, tôi nghe thấy những tiếng kêu thảm thiết phát ra từ chuồng lợn. Lấy hết can đảm, tôi chạy đi xem chuyện gì đang xảy ra.

Con lợn mẹ rất to lớn, đã cố gắng thò đầu qua những thanh chắn chuồng nhưng bị kẹt lại và đầu nó dần dần chuyển sang màu xanh tím... Thật đáng sợ! Tôi chạy vội xuống đồi để tìm hàng xóm giúp đỡ. Nhưng hình ảnh đó vẫn ám ảnh tôi suốt một thời gian dài!

Hình ảnh đó kết hợp với những hình ảnh khác trong trí tưởng tượng của tôi thời thơ ấu. Tôi đã kể về chuyện căn hầm chưa nhỉ?

Căn phòng đó luôn tối tăm, chỉ được một ô cửa sổ rất nhỏ chiếu sáng. Chúng tôi hay bị sai xuống đó để lấy cà rốt và khoai tây được bảo quản trong những mùn cưa. Tôi luôn có cảm giác mình có thể chạm vào chuột nhắt hoặc gián. Tóm lại, tôi hay hoàn thành những nhiệm vụ này với đầy nỗi sợ hãi trong bụng.

Hơn nữa, chỉ có một ngọn đèn duy nhất, nằm giữa trần nhà; khi bật lên, ánh sáng này làm nổi bật bóng của mọi thứ đồ vật xung quanh.

Suốt nhiều đêm, tôi hay mơ thấy một con hổ hoặc sư tử đang rình rập trong bóng tối, còn tôi đứng ở giữa, như trong đấu trường, dưới ánh đèn, trong khi tất cả xung quanh chìm dưới bóng tối; tôi bị tê liệt, không thể cử động hay la hét.

truyen ngan ngoi nha tuoi tho (5).jpg
Minh họa/INT

Hoặc đôi khi, tôi lại mơ thấy một con gấu chui vào qua cửa sổ căn phòng ngủ mà tôi và chị gái ở chung. Lúc đó, theo lý lẽ trẻ con, ngây thơ của mình, tôi tự nhủ: “Không sao đâu, nó sẽ ăn chị gái mình trước và mình sẽ có thời gian để chạy trốn”.

Sau đó, nỗi sợ của tôi tăng thêm vài tầng, lần này là trong căn phòng chơi trên gác xép. Ở đó có một phần của ống khói nơi chúng tôi có thể nghe thấy tiếng chim hót hoặc thậm chí tệ hơn là tiếng dơi bay lượn.

Khi nhà có nhiều người đến và ở lại qua đêm, tôi sẽ ngủ trên đó, hay đúng hơn là giả vờ ngủ, run sợ, cuộn tròn cả người dưới tấm chăn. Bạn đã bao giờ có cảm giác rằng tấm chăn là bức tường thành bảo vệ chúng ta khỏi kẻ xấu, là lá chắn tối thượng chưa? “Tôi không thấy kẻ xấu hay quái vật, vậy nên chúng cũng sẽ không thấy tôi”.

Quay lại chuyện chuồng lợn, anh trai lớn của tôi, cũng là người hài hước nhất trong gia đình, đã đặt tên cho nó là “À la truie pleine, Maternité”. (Tạm dịch: “Chuồng lợn nái, Khoa sản”).

Một kỷ niệm hài hước khác về chuồng lợn này: Một ngày nọ, những con lợn mẹ quyết tâm ra ngoài hít thở không khí trong lành. Chúng đã phá vỡ hàng rào gỗ để trốn thoát. Bố tôi đứng trước cửa để ngăn chúng chạy ra, nhưng sau đó, ông ấy bị lôi đi như đang cưỡi ngựa (nhưng ngồi ngược chiều) trên lưng một con lợn mẹ đang hăng máu... Tôi không còn nhớ chuyện đó kết thúc như thế nào.

truyen ngan ngoi nha tuoi tho (4).jpg
Minh họa/INT

Khu vườn nơi tôi từng dành hàng giờ để lười biếng, ngắm mây, tưởng tượng ra những hình thù và câu chuyện, đọc tiểu thuyết, giờ chỉ còn là những cành cây khô héo, cong queo, như cảnh tượng vừa bước ra từ một đêm Halloween.

Biết bao kỷ niệm! Con sông nơi tôi thường lội chân trần; những bông tuyết đầu mùa rơi trong khu rừng, nơi tôi thường xuyên đi lạc cùng chú chó cưng, cảm giác như mình là những sinh vật đầu tiên đặt chân lên tấm thảm trắng tinh khôi ấy…

Những trái anh đào dại chua chát đến nỗi làm chúng tôi nhăn mặt; những hạt phỉ, được lớp vỏ xanh nhọn hoắt bảo vệ; những trái dâu tây, mâm xôi, việt quất; tất cả đều nhỏ bé, đòi hỏi nhiều công sức thu hoạch, nhưng lại vô cùng thơm ngon. Thậm chí tôi còn ăn cả một số loại hoa, cho đến một ngày tôi nếm phải một con côn trùng và điều này khiến tôi sau này không dám ăn linh tinh nữa.

Tôi đã có những năm tháng đẹp tuyệt vời ở vùng quê nơi tôi sinh ra.

Nhiều người thường quay về, nhìn lại nơi chốn xưa với những nỗi hoài niệm và cả sự tiếc nuối, buồn bã vì mọi thứ đã thay đổi; như thể muốn tô điểm quá khứ bằng những màu sắc tươi sáng nhưng lại nhận ra rằng màu sắc ấy đã trở nên phai nhạt hoặc khác biệt so với ký ức bởi vì mọi thứ đều đã trôi qua. Thiên nhiên vẫn còn đó. Nhưng con người, nhà cửa, tất cả đều có điểm kết thúc.

Điều gì còn lại trong tôi? Tất cả những kỷ niệm này, những năm tháng đẹp đẽ ấy, cả thiên nhiên mà không ai có thể lấy đi được; điều quan trọng không phải là những đồ vật, những địa điểm đã biến mất, mà là những gì chúng đã góp phần tạo nên con người trong mỗi người.

“Khi trở về quê hương, ta nhận ra rằng điều ta luyến tiếc không phải là nơi chốn ấy mà là tuổi thơ của mình” - Sam Ewing.

Ngọc Anh (Dịch từ tiếng Pháp)

Bài liên quan
Truyện ngắn: Thắp bừng đốm sáng
Tìm hiểu cách tạo nên một không gian sống đầy sức sống và tươi đẹp với những bí quyết về ánh sáng, cây cảnh và trang trí

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn: Ngôi nhà tuổi thơ