Gia đình là nơi yêu thương, bao bọc chở che. Còn gì tuyệt hơn gia đình luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ, ánh mắt trìu mến yêu thương chia ngọt sẻ bùi.
Nghĩ về hạnh phúc đời thường đó, tôi nghẹn lòng sau khi đọc truyện ngắn “Người cha” của Nguyễn Quang Thiều. Câu chuyện kể về một gia đình tan vỡ, người phụ nữ bỏ chồng theo người đàn ông khác về thành phố, để lại nỗi uất hận, đớn đau của người đàn ông và nước mắt con thơ.
“Nước mắt đàn ông chôn sâu trong lòng...”. Lẽ thường như thế, bởi xưa nay đàn ông thuộc về phái mạnh, đau mấy cũng chôn chặt đáy lòng. Người đàn ông trong truyện không thể làm được điều đó, hay chăng nỗi đau với ông ta quá lớn. Dõi theo diễn biến cốt truyện, theo lời kể của nhân vật tôi (cô con gái) một chi tiết nghệ thuật cứ lặp đi lặp lại khiến người đọc nghĩ mãi không thôi: Cha tôi khóc. Với người đàn ông, trước hết nước mắt tuôn trào là tận cùng của nỗi đau, uất hận. Vợ bỏ theo người khác, ông ta đã cố níu kéo, “đã tìm nhiều lần”. Và khi duyên cạn tình tan, người đàn ông tìm đến rượu, chìm trong men say, trong cơn say là tội ác, trút giận đập phá, đánh đập đứa con gái mười hai tuổi bé bỏng đáng thương.
“Đêm ấy, cha tôi uống rượu say và khóc. Cũng từ ngày đó, đêm đêm cha tôi uống rượu... Cha tôi đứng dậy, vơ lấy cái chổi ở gần đó và đánh tôi. Vừa đánh tôi, cha vừa khóc”. Tiếng khóc uất hận, nhói đau của người đàn ông, hận vợ mà đánh con, đánh trong vô thức.
Sau hành động là tiếng chửi cay xót, song ngẫm kĩ ta càng hiểu, càng thương cho bi kịch cuộc đời: “Mày đã hại đời tao… bây giờ… mày còn cấm tao uống à?”. Xưng hô “mày - tao” bề ngoài ngỡ như đối tượng hướng đến là mắng con song thực chất là chửi mẹ, người phụ nữ bỏ chồng con theo người đàn ông khác về thành phố. Ẩn sau tiếng chửi phải chăng là nỗi uất nghẹn của người đàn ông chẳng níu giữ được hạnh phúc đời mình? Người đọc giận đấy, mà vẫn cảm thương cho bi kịch đàn ông.
“Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho dòng nước mắt, biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”. Chiêm nghiệm của nhà phê bình Đặng Tiến đúng với giọt nước mắt người cha trong câu chuyện của Nguyễn Quang Thiều. Sau “nỗi thống khổ” uất hận của người đàn ông bị vợ bỏ, người đọc sẽ tìm thấy “tiếng hát vô biên” với tình thương con ở người cha tội nghiệp. Sau biến cố cuộc đời, dường như người cha trong truyện sống ở hai trạng thái: Say và tỉnh. Say thì đập phá đánh chửi; tỉnh lại lầm lũi nhọc nhằn với cuộc sống mưu sinh.
“Công việc làm ăn của cha tôi mỗi ngày càng khó khăn hơn. Chiếc xe bò của cha tôi không thể cạnh tranh được với một đàn xe lam và xe công nông ở cái thị trấn bé xíu này. Rồi một tai hoạ mới giáng xuống đầu gia đình tôi. Con bò kéo của cha tôi bị bệnh lăn ra chết. Cha tôi lại lâm vào những cuộc say không biết gì. Khi say, cha khóc và chửi mẹ. Nhưng sáng sáng, cha tôi vẫn dậy rất sớm. Cha tôi xin được chân bốc vác ngoài bến xe thị trấn. Cả ngày chỉ có hai đến ba chuyến xe. Vì vậy, cha tôi làm bất kỳ việc gì để có tiền duy trì sự sống của gia đình tôi”.
Chừng ấy câu văn, qua lời kể của cô con gái, người đọc hiểu thêm nỗi vất vả của người đàn ông một mình gồng gánh con thơ. Nỗi đau tinh thần chưa nguôi, khó khăn công việc ập tới, và rồi lại say, lại khóc, lại chửi. Chửi rồi lại “dạy sớm”, “bốc vác” “làm bất cứ việc gì có tiền duy trì sự sống gia đình”. Có thể nói, ở người đàn ông trong truyện, người ta thấy được bản tính thiện, chịu thương chịu khó, và đặc biệt là rất mực thương con. Tình thương đó lại đặt trong nghịch cảnh tréo ngoe nên tội nghiệp biết bao. Thương con mà đánh con, đánh trong cơn say rồi lúc tỉnh lại càng thương, càng xót.
Đọc truyện, thương cho nước mắt người cha, tôi nghĩ nhiều đến câu hỏi “tay con làm sao thế?” và cái chi tiết lắng sâu nỗi lòng: “Tôi thấy cha tôi rùng mình. Và cha tôi khóc. Tiếng khóc của cha tôi như tiếng “u… u” kéo dài trên đầu tôi bất tận”. Không còn là tiếng khóc lúc say, đây là tiếng khóc giật mình thức tỉnh, thì ra bấy lâu, men rượu vùi lấp tình thương, người đàn ông mang nỗi uất hận với vợ trút lên đầu con thơ, như thế tiếng “u...u kéo dài bất tận” kia càng khiến người đời day dứt, nước mắt đàn ông sao tội nghiệp xót xa.
Đọc truyện “Người cha” của Nguyễn Quang Thiều, thấu tỏ hơn về cuộc đời, hiểu thêm một phận người, để rồi nâng niu trân trọng hạt ngọc nơi bề sâu tâm hồn của họ, giữa tận cùng đắng cay, hạt ngọc đó vẫn sáng lên trong niềm thương vô hạn. Cái xoay người ôm đứa con tội nghiệp vào lòng cùng lời “từ nay cha không buồn nữa”, tôi tin sẽ thứ ánh sáng kéo người cha trở về với bản tính vốn có của mình, nhọc nhằn mưu sinh, cực mấy cũng vì con.
“Một trong những điều may mắn nhất có thể xảy ra trong cuộc đời bạn là có tuổi thơ hạnh phúc” - Agatha Christie. Tuyệt biết bao khi những đứa trẻ được sống với tuổi thơ ngập tràn yêu thương, đong đầy kỉ niệm. Với cô bé mười hai tuổi, nhân vật tôi trong truyện, tuổi thơ êm đềm chỉ chập chờn trong kí ức. “Đêm ấy, tôi mơ thấy những ngày hạnh phúc của gia đình tôi. Những bữa cơm tối đầm ấm. Mẹ tôi luôn gắp thức ăn cho cha con tôi”.
Hiện tại với cô bé là tiếng nấc nghẹn xót đau bởi cha mẹ chia lìa. Đọc câu văn của Nguyễn Quang Thiều, mấy ai cầm được nước mắt, sau cái ngày cha từ phố trở về đập phá và tuyên bố “cấm chị em mày nhắc tới mẹ”, “đêm ấy, tôi nằm ôm đứa em trai sáu tuổi và lặng lẽ khóc”. Chao ôi! Nước mắt trẻ thơ, thấm đẫm nỗi đau. Nỗi đau của đứa trẻ mười hai tuổi hiểu chuyện, thương em, thương mình, thương cho tháng ngày chông chênh trước mắt. Từ cái biến cố nhói đau ấy, tâm hồn thơ bé thêm tổn thương bởi tiếng chửi và cả đòn roi. Mẹ bỏ đi, cha ngập chìm trong men say rồi đánh con trong vô thức.
Thương ơi, “trẻ em như búp trên cành”, năm đó cô bé phải bỏ học, suốt ngày lo việc giặt giũ, cơm nước cho cha với đứa em, thậm chí là hứng chịu những trận đòn trút giận trong cơn say của cha. Thương ơi! Trong giấc mơ con trẻ là hình bóng người cha say rượu cầm chổi đánh con. Bao ấm ức khổ đau rốt cuộc cũng bung ra trong tiếng kêu thương làm ta cay sè khóe mắt ở phần cuối truyện: “Cha đừng đánh con nữa, đừng đánh con nữa”. Viết về nỗi đau của trẻ thơ khi bố mẹ rời nhau, những trang văn của cây bút giàu lòng trắc ẩn Nguyễn Quang Thiều chạm đến trái tim của muôn triệu trái tim.
Đọc truyện “Người cha”, người đời xót thương cô bé mười hai tuổi tội nghiệp, song tuyệt hơn, ta vẫn tìm được nơi tâm hồn thơ bé những vẻ đẹp thật đáng quý. Có ai ngờ, đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới lại rất hiểu chuyện, vì hiểu nên cô bé cam lòng chịu đựng sự đánh đập của cha, “khi cha đánh, không bao giờ tôi bỏ chạy, hai tay tôi ôm lấy đầu để cho cha đánh”, vì hiểu chuyện cô bé từ chối ở với mẹ để về bên cha sau mấy ngày theo mẹ lên thành phố. Sau những thúc ép dồn dập “chúng mày thích ở với ai?”, câu trả lời “cho chúng con về quê” làm bất ngờ người tất cả, nó chứng tỏ cô con gái không chỉ hiểu chuyện mà còn rất thương em, thương cha.
Tôi nghĩ, tiếng ho của cha, ký ức những buổi tối cha nằm co quắp trên nền nhà vì say rượu và câu nói “tay con làm sao thế kia” đã kéo người con đáng yêu trở về bên người cha tội nghiệp. Đây là sự lựa chọn của tình thương cha thăm thẳm nặng sâu. Cô bé mười hai tuổi đích thực là đứa con ngoan, đáng quý, đáng yêu.
Bởi thế, về sau hiểu chuyện, ông bố đã thì thầm trong thương mến nghẹn ngào: “Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa”. Câu chuyện buồn khép lại trong dư vị ngọt ngào của yêu thương, chưa biết cuộc đời kia ra sao nhưng cái “dụi mắt vào ngực cha” của cô con gái đáng yêu sẽ mang đến cho đời thêm nhiều ấp áp, tin cậy, cay đắng đi qua, sự sống lại mỉm cười.
Những năm gần đây, theo dõi trên mạng xã hội, có một thực trạng đầy âu lo với gia đình Việt là tỉ lệ li hôn, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ ngày càng tăng. Đành rằng, chia tay cũng là cách giải thoát cho nhau, muối chẳng mặn, gừng không cay thôi đường ai nấy bước. Song, hệ lụy của những cuộc li hôn sẽ là nỗi đau dai dẳng nỗi đau, nhất là con trẻ. Người đàn ông sau li hôn có thể tìm kiếm hạnh phúc mới của đời mình, người phụ nữ sau li hôn có thể tìm bờ vai mới để được nương tựa chở che. Chỉ thương con trẻ, phần nhiều chẳng còn được sống trong ấm áp yêu thương như dòng sông bên bồi bên lở.
Phản ánh chân thực thực trạng hôn nhân trong đời sống gia đình thời đại ngày nay, câu chuyện của Nguyễn Quang Thiều mang đến cho ta chiều sâu ý nghĩa, nhân văn và giá trị. Cuộc sống gia đình, mấy ai tránh được những va chạm, tác giả không đề cập, người đọc cũng không thể đoán biết nguồn cơn của sự tan vỡ chia li của gia đình trong truyện.
Thế nhưng, hậu quả của cha mẹ chia tay là nỗi đau con trẻ thì ai cũng hiểu, xót lắm đứa bé lên sáu tìm mẹ trong đêm với câu hỏi thơ ngây “Chị ơi! Mẹ chết rồi hở chị?”, thương lắm cô bé mười hai tuổi chịu khổ, chịu đau bởi uất hận đòn roi, tội lắm người đàn ông vùi mình trong men rượu vất vưởng, vất vơ... Chạm đến câu chuyện đời và rất đời, ngòi bút Nguyễn Quang Thiều có giá trị lay tỉnh nhân gian, “khi mỗi ngày ta biết sống vì nhau/ đời lại đẹp như vần thơ anh viết”.
Gia đình nhỏ, hạnh phúc to, muốn hạnh phúc viên mãn tròn đầy, hãy bên nhau bằng lòng thấu hiểu, tôn trong và vị tha. Có như vậy “cha sẽ là cánh chim, cho con bay thật xa, mẹ sẽ là nhành hoa, cho con cài lên ngực”, con cái sẽ được khôn lớn trưởng thành trong vị ngọt yêu thương. “Thiên hướng của nhà văn là đưa ánh sáng vào trái tim người đọc”, với truyện ngắn “Người cha”, thứ “ánh sáng” mà Nguyễn Quang Thiều “đưa vào trái tim người đọc” có giá trị không chỉ hôm qua, hôm nay mà cả những mai sau.
Nhắc đến Nguyễn Quang Thiều, người đọc ngưỡng mộ ông ở địa hạt thơ, từ “Sự mất ngủ của lửa” (1992) đến “Dước ánh trăng và một bậc cửa” (2020), người ta tìm đến một cây bút giàu sức sáng tạo, một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, mang nặng tình đời, tình người. Với văn xuôi, nhất là truyện ngắn, ông chọn cho mình một lối viết riêng, cuốn hút.
Đọc truyện ngắn “Người cha”, người ta thích thú với nghệ thuật kể chuyện sinh động, hấp dẫn của nhà văn. Tác giả rất khéo khi tạo dựng được tình huống truyện đọc đáo, éo le, người vợ bỏ chồng, bỏ con theo người đàn ông khác trên thành phố, để từ đó làm nổi bật tình cảnh bi thương của con cái khi bố mẹ chẳng thể bên nhau. Đặc biệt, với ngôi kể chuyện thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi”, là nhân vật xuất hiện và tham gia trực tiếp và cốt truyện, tính chân thực, xúc động của truyện được nâng lên ở một tầm cao mới, đó là chuyện của “tôi”, chuyện “cha tôi”, thật lắm mà xót lắm.
Giọng điệu buồn thương, da diết, ngôn ngữ đối thoại sinh động, miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật tinh tế, nhất là nỗi đau khổ uất ức, đau khổ của người cha, sự tuyệt vọng xót xa, cay đắng của người con khi hạnh phúc gia đình tan vỡ. Có thể nói, với nghệ thuật truyện ngắn tài năng, Nguyễn Quang Thiều đã giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về mặt trái của một số gia đình trong cuộc sống hiện đại. “Nghệ thuật làm nên trang văn, trái tim làm nên nghệ sĩ”, ngòi bút tài hoa, tấm lòng đẹp chở nặng ân tình vời đời với người của nhà văn đã góp phần làm nên một truyện ngắn hay, xúc động, có giá trị lay tỉnh con người trong bộn bề cuộc sống hôm nay.
Đọc những trang văn giá trị, tôi liên tưởng đến hình ảnh ngọn lửa, ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn, soi tỏ cuộc đời, hướng con người ta đến những điều Chân - thiện - Mỹ.
Với truyện ngắn “Người cha”, Nguyễn Quang Thiều đã phản ánh chân thực hoàn cảnh éo le, bi thương của cha con nhân vật “tôi” khi hôn nhân gia đình tan vỡ. Câu chuyện khép lại, bài học mở ra, mỗi người cần vun đắp, yêu thương và chung tay xây dựng mái ấm gia đình, để mái ấm luôn là những mái ấm, để yêu thương sẽ gieo mầm hạnh phúc, khi đó chẳng bao giờ ta phải lắng nghe tiếng đau cào xé tâm can “Cha ơi, con đau lắm”...