Đầu tháng Tư này tôi đã ba mươi mốt tuổi. Chàng nghệ sĩ mùa Đông vẫn chưa hoàn thành việc cắt tấm thảm bầu trời thành những mảnh ghép màu sắc.
Những mảng mây trắng mỏng manh tiếp tục rơi xuống tô điểm cho vẻ đẹp của một vùng đất còn đang say ngủ.
Tôi bước vội trên con đường băng qua cánh đồng lúa mì. Cách xa mọi khu dân cư, con đường nối ngôi nhà nơi tôi sống với một ngôi làng cách đó ba km. Hôm đó là Chủ nhật, tôi háo hức đến thăm nhà người bạn thân, tôi nóng lòng muốn gặp cậu ấy.
Người bạn này như gia đình thứ hai của tôi. Tôi là con một, chúng tôi thân thiết với nhau từ khi còn đi học ở thị trấn gần nhà. Bố mất khi tôi mười một tuổi và mẹ cũng qua đời khi mười lăm. Những bất hạnh liên tiếp đã gắn kết hai chúng tôi.
Nó tạo ra niềm vui, sự hài hước trước những khó khăn của cuộc sống và khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nó tạo ra tiếng cười. Tôi thích thú giẫm chân vào lớp tuyết mới. Tâm trí chìm đắm vào thứ bột băng giá này. Đi được nửa đường, tôi gặp ông lão đang khoác chiếc túi trên vai. Ông ấy mỉm cười nói với tôi:
- Anh bạn trẻ, sao cậu lại đi vội thế? Những điều nên xảy ra với cậu, nó sẽ xảy ra. Cuộc đời cậu còn rất nhiều thời gian. Nếu có ai phải vội vã, thì đó là tôi; tôi đã sống đủ lâu rồi. Đôi chân của tôi cũng không còn chịu nổi nữa.
- Tôi chỉ bước vội theo thói quen thôi - tôi trả lời - Và sau đó - tôi nói thêm - ông biết gì không, ngày mai tôi có thể ra đi và cũng có khi mười năm nữa ông vẫn có thể mỉm cười với tôi.
Tôi định làm ông ấy vui lên nhưng dường như lời nói của tôi lại gây hiệu ứng ngược lại. Đôi mắt nhỏ màu xanh lá cây buồn tẻ, đầy dấu vết thời gian của ông gửi cho tôi những tín hiệu đau khổ. Người đàn ông gầy gò nhỏ bé, lưng còng, cằm và má đã xệ xuống.
Những dấu hiệu của tuổi già, đôi khi làm môi dưới của ông run lên một cách đáng thương. Tôi không thể ích kỷ tiếp tục con đường của mình mà bỏ mặc ông ấy. Dĩ nhiên, tôi tự nhủ, người bạn đang chờ đợi và tôi cũng muốn gặp gỡ anh ấy, nhưng tôi sẽ hối tiếc nếu không giúp đỡ ông già đau khổ. Thế nên, tôi quyết định ngồi lại.
- Ông sống ở đâu? - Tôi tiếp tục hỏi.
- Tôi ở cách đây ba cây số, trong xóm nhỏ ven đường quốc lộ. Mỗi buổi sáng, tôi vào làng để đi bộ và mua sắm những đồ dùng cần thiết.
- Nhà tôi ở đằng kia, có lẽ là cách nhà ông khoảng hai cây số, nhà tôi giáp khu vườn rộng lớn trồng cải dầu. Nhưng sao trước giờ tôi chưa từng gặp ông nhỉ? Ông phải thường xuyên đi qua đây mà hay là ông lái xe đi? Nếu như đi bộ thì tôi chỉ biết mỗi con đường này. Nó băng qua xóm của ông, đi qua hầm dưới đường, đến nhà tôi và vào sâu trong làng.
- Không, có một con đường khác mà nhiều người không biết. Nó chạy dọc theo bờ sông. Đi được một đoạn, con sông hẹp lại và một số người đi bộ đặt những tấm ván lên để qua bên bờ. Sau đó, có một con đường dẫn qua cánh đồng đi về phía làng. Con đường đó dài hơn nhưng tôi thích đi hơn vì tôi dễ dàng ngắm nhìn cảnh đẹp hơn.
- Ông có gia đình không?
- Có, nhưng không phải ở đây. Người thân bên ngoại của tôi còn sống, họ sống ở nước ngoài. Còn tôi, tôi chưa kết hôn lần nào.
- Ông chỉ có một mình sao? Tôi hiểu vì sao ông buồn rồi - tôi nói với ông - ông có thể tâm sự với tôi.
- Tôi đang phải vật lộn với tuổi già buồn tẻ. Cuối cùng cậu cũng thừa nhận tôi già rồi.
- Nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh mà! - Tôi kêu lên.
- Sức khỏe thể chất là một chuyện, sức khỏe tâm thần là chuyện khác - Ông ấy trả lời với giọng ai oán.
Tôi cảm nhận được sự bối rối sâu sắc trong lời nói của ông lão. Tôi dẫn ông ngồi trên một trong những chiếc ghế đá được đặt dọc theo con đường đi bộ. Vừa ngồi xuống tôi liền nói với ông:
- Tôi còn quá trẻ để cảm nhận được nỗi đau khổ của tuổi già, vậy nên hãy nói cho tôi biết chính xác điều gì đang khiến ông lo lắng vậy.
- Thật buồn khi tôi luôn nghĩ rằng: “Có lẽ, ngày mai mình sẽ không còn trên cõi đời này nữa”. Vậy mà khi còn trẻ, tôi lại tự nhủ: “Ngày mai mình sẽ làm việc này, mình sẽ làm được việc kia”.
- Ôi trời, sao ông phải nghĩ đến ngày mai, hãy sống vui vẻ cho những giây phút hiện tại!
- Nhưng làm sao tôi có thể sống được khi các khớp xương nhắc nhở rằng cái chết đã gần kề? Làm sao tôi có thể không nghĩ đến đoạn kết của cuộc đời sắp xảy ra khi trái tim có xu hướng trở nên yếu đuối trước nó? Làm cách nào để lập kế hoạch khi tôi không chắc chắn liệu tôi có thể nhớ đến chúng hay không?
- Ông vẫn ăn, ngủ và tắm rửa phải không?
- Dĩ nhiên, thì sao chứ? - Ông nhún vai, đáp lại.
- Ông vẫn chăm sóc cơ thể của mình mặc dù chán nản, bởi vì bản năng mách bảo ông phải làm như vậy mà không cần tự vấn bất kỳ câu hỏi nào. Thế nên, hãy xóa đi những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí bằng bản năng tự bảo vệ ấy.
- Vâng, nhưng những suy nghĩ tiêu cực, nỗi thất vọng của tôi, được truyền đạt bởi cảm xúc cũng là một bản năng muốn sống lại thời tuổi trẻ. Tại sao tự nhiên lại tàn nhẫn với con người chúng ta đến vậy? Nó vẫn không dập tắt được ước muốn, khát khao trở lại vẻ đẹp và sức sống mà ta từng sở hữu.
Minh họa/INT |
Tôi từng là một Apollo, tôi có cơ bắp, tôi có trí nhớ của một con voi(1). Ai cũng ngưỡng mộ trí thông minh của tôi. Nhưng giờ thì nhìn tôi này! Tôi đã trở thành một ông già Sapajou(2), gần như không thể đứng vững trên đôi chân của mình và đôi khi còn nói lắp bắp.
Tôi cũng nhìn thấy điều đó. Ông ấy lại nói thêm:
- Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta giữ được tuổi thanh xuân cho đến khi rời xa cõi đời và khuất núi khi đã mất đi hương vị cuộc sống.
Tôi cảm thấy bế tắc. Phải trả lời thế nào với ông ấy bây giờ? Tuyết đã ngừng rơi. Con chim sẻ đang hót líu lo như ăn mừng sự kiện này. Những con vật nhỏ thật hạnh phúc, tôi tự nhủ, chúng không biết cái chết đang chờ đợi chúng.
Nhiều loài chim chết hàng ngày vì thiếu thức ăn trong mùa Đông lạnh giá không bao giờ kết thúc này. Đến một thời điểm nào đó, chúng trốn tránh cái chết, như thể xấu hổ vì không nhìn thấy cái chết đến, khiến chúng cảm thấy không thoải mái trong thiên nhiên vô tư này.
Tôi im lặng một lúc lâu. Còn trẻ và khỏe mạnh, tôi cảm thấy tội lỗi trước ông già yếu đuối này. Tôi nắm lấy bàn tay gân guốc của ông ấy. Những đường gân nổi lên từ đầu bàn tay làm ngón tay tôi hóa đá, không dám bóp nghẹt sự sống bấp bênh đang chảy trong mình.
Nỗi buồn tuổi già thấm sâu vào tâm trí, khiến tôi nghe thấy tiếng sóng dồn dập của một cuộc đời đang giằng co bên bờ vực tử thần. Tôi nhìn thấy người đàn ông này đang cười trong ánh sáng lung linh của tuổi trẻ trước kết cục không thể tránh khỏi. Những cơn sóng hiện đang áp đảo ông ấy. Tôi tưởng tượng một người đàn ông, vốn được tạo ra như một bản sao, đang giễu cợt ông già.
Hắn như đang trả thù. Tôi tưởng tượng ra thần thái của một vị thần với vẻ ngoài có thể nuốt chửng lý lẽ của người khác. Bây giờ, sự già nua đã nuốt chửng lời nói của ông, tôi nghĩ lại. Đột nhiên tôi cảm thấy lo lắng tột độ. Trái tim tôi đang đập.
Tôi nhìn thấy chính mình năm mươi năm sau, vừa điếc vừa mù, ngồi trên xe lăn, bên cạnh, một y tá đang cho tôi ăn và lau nước dãi. Ông lão là tấm gương phản chiếu tương lai của tôi. Lòng nhiệt tình của tôi đối với ông ấy đột nhiên biến thành sự kiềm chế. Tôi gỡ tay mình khỏi tay ông ấy. Để đánh lạc hướng hành động này của mình, tôi hỏi câu hỏi triết học:
- Nếu chúng ta có thể chụp ảnh một khuôn mặt trẻ ở độ tuổi già, thì khi nhìn vào hình ảnh tương lai của mình, người đó sẽ trở nên hiền lành hay tà ác?
Minh họa/INT |
Ông già mở miệng nói với tôi:
- Tôi trả lời bằng một câu hỏi khác nhé: Nếu có thể ghép chân dung của một khuôn mặt trẻ vào khuôn mặt của già nua, nhăn nheo thì người đó nhìn vào gương sẽ vui hay buồn?
Một nhóm thiếu niên hướng đạo mặc đồng phục áo sơ mi, quần kaki đi ngang qua chúng tôi, một trong số họ có máy ảnh. Tôi gọi họ lại, nhờ:
– Giúp chúng tôi chụp một bức ảnh nhé. Nhưng chỉ cần chụp hai khuôn mặt của chúng tôi thôi.
Tôi sát lại người ông lão, áp mặt mình vào ông ấy. Làn da thô ráp của ông như phản kháng lại sự tiếp xúc ấy. Cậu thiếu niên vui lòng chụp ảnh chúng tôi. Máy ảnh của cậu bé cho ra ảnh ngay lập tức. Cậu bé đưa nó cho chúng tôi trước khi chạy đến tham gia cùng bạn bè của mình. Tôi nói với ông già:
- Người bạn của tôi, hãy giữ lấy bức ảnh. Vậy bây giờ ông đang cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh?
Một giọt nước mắt rơi trên má, ông ấy trả lời tôi:
- Cảm ơn cậu. Tôi vừa thấy rằng, khi tuổi già và tuổi trẻ ở cạnh nhau, những tiếc nuối của quá khứ là sự tô điểm cho tương lai và sự xấu xí của tương lai là tàn tích của một thời đã qua. Lòng tôi ngập tràn nỗi buồn nhưng say sưa trong hạnh phúc.
Ông lão đứng dậy và rời đi không từ biệt tôi như thể im lặng là một trong những lời chào tốt nhất khi cảm xúc chiếm lấy chúng ta. Sự thông minh trong câu trả lời cuối cùng của ông ấy - ông ấy đã nói điều đó mà không vấp một từ nào - khiến tôi choáng váng. Tôi vẫn ngồi một lúc, không muốn làm gián đoạn những giây phút bình lặng này.
Tôi không bao giờ gặp lại ông già đó nữa. Tại sao tôi không hỏi tên ông ấy? Tôi không thể trả lời. Nhưng suy cho cùng, ký ức về những người vô danh chẳng phải là đẹp nhất hay sao?
Ngọc Anh (Dịch từ tiếng Pháp)
--------
(1) Voi có khả năng ghi nhớ chính xác các tuyến đường cần đi đến một địa điểm cụ thể và đúng thời điểm.
(2) Sapajou: Một loài khỉ nhỏ đến từ Trung và Nam Mỹ. Ý nói: Gầy gò, nhỏ bé như khỉ.