Sống ở phố, lại có tiền, ăn trắng mặc trơn, trông Phước ngày càng nõn nà, trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Khối người khen Phước đẹp. Có ông đã xê xế về chiều cũng không tiếc miếng ngon, buông câu ỡm ờ:
- Đáng lẽ em phải sinh ra ở phố mới đúng. Hoa nhài cắm bát gạo tám thơm lại càng thơm.
Ông ta cười khoái trá như tự tán thưởng câu nói văn hoa bóng bẩy của mình. Nhìn vợ, đôi khi Hành cũng nghĩ thầm: Hồi này vợ mình hình như có gì đấy hấp dẫn hơn. Gái đang độ hồi xuân, cái má cứ hây hây, cái mắt thật đa tình. Thỉnh thoảng Phước lại gửi quầy gạo cho bà bán hàng khô bên cạnh trông hộ vài tiếng đồng hồ.
- Ngày mai, 9 giờ, em mang đến phòng 301, phố cũ, cho anh một yến gạo tám thơm nhé.
Tin nhắn người mua gạo nhắn cho vợ. - Hành cầm xem qua và nghĩ: Bình thường như tường gạch. Thỉnh thoảng, Hành vẫn thấy tin nhắn tương tự như thế cho vợ. Một ngày mưa tầm tã, Phước vẫn đi giao gạo cho khách. “Mình phải chiều khách để giữ mối làm ăn lâu dài chứ anh. Anh ở nhà nấu cơm, trưa em về”. Phước nói với Hành thế.
Sau mỗi lần đi giao hàng cho khách về, dường như Phước vui vẻ hơn, chiều Hành hơn. Phước mua thêm thức ăn, vào bếp chế biến những món ngon Hành thích. “Anh ăn đi” Phước nói và gắp thức ăn vào bát cho Hành. Có khi lại còn chủ động nhắc anh: “Hôm nay có làm một chén không”.
Một hôm, đọc dòng tin nhắn cho vợ, Hành thấy hơi lạ lạ: Từ ngữ rất quen, thời gian thường vào một khung giờ nhất định, có xê dịch chút ít thôi, địa chỉ thì có đôi khi thay đổi, lúc là số nhà, lúc thay bằng giá cả: “9 giờ 30, ngày kia 18/1, số nhà 301, phố cũ.
Thông tin địa chỉ là thay đổi nhiều nhất, có khi chỉ nói: Gia Lâm, Thanh Xuân, Hai Bà… có khi nói rõ tên phố nhưng tần suất “phố cũ” vẫn nhiều nhất. Suy đi tính lại, Hành giật mình đặt câu hỏi sao những nhà này ăn gạo hết nhanh thế nhỉ.
Trung bình bốn, năm ngày hết một yến gạo, có nhà chỉ hai, ba ngày. Cũng có thể nhà họ nhiều người. Nhiều người thì sao họ không mua hai, ba yến mà lần nào cũng chỉ có một yến? Thôi nghĩ làm gì cho mệt. Không có gì đâu, mình phải tin vợ chứ. Hành chìm vào giấc ngủ.
Mẹ đẻ Hành bị cảm đột ngột. Nhân dịp nghỉ Hè, anh đưa hai cậu con trai về quê thăm bà. Bố con anh dự định ở với bà năm, bảy ngày. Nhìn mẹ già thiêm thiếp nằm li bì, chỉ còn hơi thở yếu ớt, nhè nhẹ, người bà vốn nhỏ bé, nay chỉ còn như con mèo nằm lọt thỏm ở một góc giường, Hành không cầm được nước mắt. Thỉnh thoảng bà he hé mắt nhìn trộm thằng con trai yêu quý. Trong mắt bà hình như thấp thoáng niềm vui nho nhỏ: Thằng con trai duy nhất của bà đã về.
Đêm khuya thứ ba, thằng con thứ hai của Hành bỗng đau bụng dữ dội. Suốt hai tiếng đồng hồ không thuyên giảm mà cũng không rõ nguyên nhân. Hành quyết định đưa con lên viện ở Hà Nội. Thằng anh nhất định đòi đi cùng bố và em. Nó bảo con ở nhà cũng không yên tâm.
Bệnh viện kết luận con trai hành bị giun chui túi mật uống thuốc là khỏi. Ba bố con về nhà. Vừa mở cửa bước vào, Hành như người chết đứng. Mấy giây đầu anh không hiểu chuyện gì xảy ra.
Ở trên giường, một thằng đàn ông và một con đàn bà chưa tỉnh ngủ hẳn, trên người không có mảnh vải che thân. Hành hét lên, ra lệnh cho cậu con lớn vơ vội hai bộ quần áo của cặp tình nhân vứt vương vãi trên sàn nhà chạy sang phòng riêng của nó, đóng cửa lại. Sau phút ngơ ngác, mẹ nó sợ hãi, run run khóc lóc:
- Hùng ơi, mang quần áo cho mẹ nào. Sao con nỡ làm thế với mẹ, con ơi.
Hành lấy máy ảnh chụp lia lịa cái cảnh người khóc, người cười. Thằng nhân tình mặt mũi xám ngắt, méo xệch, thảm hại, ấp ủng:
- Xin anh muốn hành hạ tôi thế nào cũng được nhưng hãy tha cho cô ấy.
- Ngồi im, không đến lượt mày mở mồm.
Thằng nhân tình khe khẽ kéo cái chăn che cho Phước quỳ xuống nền nhà:
- Xin anh tha cho cô ấy.
Phước vừa ngượng ngùng vừa giàn giụa nước mắt:
- Mẹ đẻ con ra mà con nỡ nhẫn tâm đối xử với mẹ như thế à, Hùng ơi! Mang quần áo sang đây cho mẹ đi con.
Trong thâm tâm, thằng Hùng cũng thương mẹ nó lắm. Dù gì cũng là người đã từng ôm ấp nó, cưng chiều nó trong vòng tay người mẹ. Nó định mang quần áo cho mẹ thì bố nó quát:
- Để đấy, mày mang sang là tao giết.
*
* *
Và cái điều tất yếu phải xảy ra. Tòa xử cho hai người ly hôn. Phước cứ ngỡ phiên tòa diễn ra rất lâu, có nhiều tình tiết éo le phức tạp. Nhưng tất cả đều diễn biến bình thường theo trình tự. Khi ngọn lửa nóng bỏng của tình yêu đã lụi tàn, chỉ còn một đống tro nguội lạnh thì từ dưới đáy sâu của đống tro tàn ấy trào lên một niềm căm phẫn, thù hận tột độ. Phước không muốn nhìn cái bản mặt kia.
Ẩn dưới mái tóc bồng bềnh xoăn tự nhiên và khuôn mặt trơn lỳ bóng bẩy ấy là một bộ mặt thật: Vừa độc ác, vừa mưu mô. Phước muốn băm vằm ra cho hả giận. Cũng có lúc Phước tự hỏi: Vì sao lại xảy ra nông nỗi này? Bây giờ phải làm thế nào? Nhưng, đến giờ phút này, trong Phước là sự trống rỗng, vô cảm.
Phước không nghĩ gì, không nhìn thấy ai, chỉ thấy một đám đông, nét mặt người nào cũng đăm chiêu như đang để tâm đến một điều gì đó hệ trọng lắm. Cho đến khi một đứa em Phước dắt tay chị:
- Ta đi về thôi chị.
Mười năm sau, thằng Hùng treo cổ tự vẫn tại nhà. Một nỗi ân hận muộn màng, tiếng kêu của Phước tắc nghẹn trong cổ họng: Con ơi, sao con chết khổ chết sở thế này. Con tưởng con ra đi như thế thì mẹ nhẹ nhõm lắm sao.
Ừ, mẹ vẫn nhớ cái thằng Hùng yếu ớt, bé bỏng của mẹ. Con hiền khô, không hay nghịch ngợm, chỉ hay cười. Mỗi khi cười thì miệng cười, mắt cười… cứ như con gái ấy. Vẫn biết là con có lỗi với mẹ nhưng mẹ tha thứ cho con.
Con vẫn là đứa con mẹ mang nặng đẻ đau, mang cả niềm mơ ước thuở yêu đầu của mẹ. Khi sinh con ra, tràng hoa quấn cổ. Bà đỡ vô đen đét vào mông con ba cái, con mới bật ra tiếng: “oa, oa…” Bà đỡ rạng rỡ: “Chàng trai này, không phải dạng vừa đâu.”.
Những đêm mùa Đông, những lúc con trái nắng trở trời, mẹ ôm con thật chặt sưởi ấm cho con bằng trái tim người mẹ. Mẹ không biết ru, nhưng vẫn cất lên những lời ca vụng về để đưa con vào giấc ngủ.
Hôm nay, con sẽ ngủ một giấc ngủ dài, rất dài. Có gió mát ru con, có hoa cỏ đồng nội vỗ về con. Và thế là mẹ mất con thật rồi, mất con mãi mãi. Con ơi, con như gió thổi về trời. Mong con siêu thoát làm áng mây bay.
Sau khi Hùng chết, thằng Huy tìm thấy mấy bức thư anh nó để lại.
Ngày… tháng…
Cái ngày ấy con chưa đủ lớn để hiểu ra những uẩn khúc của con người. Con nghĩ: Sao người lớn lại không thể tha thứ cho nhau. Phải chăng, khi người ta để cho sự đố kỵ, hận thù chiếm chỗ của lòng nhân ái thì người ta có thể bất chấp tất cả.
Có phải cái tôi cá nhân quá lớn hay là sự ích kỷ, tham lam quá lớn. Lòng tham quá lớn thành ra mê muội. Tham tiền, tham chức có thể làm người ta giàu có nhưng tham tình làm người ta mất hết tỉnh táo, có khi còn tàn ác nữa. Sai lầm có thể làm lại, vấp ngã có thể đứng lên nhưng một khi mắc vào tội lỗi nhất là cái ác thì không thể sửa chữa được.
Ngày… tháng…
Ước gì nhà mình cứ như ngày xưa, những ngày xưa tươi đẹp. Hồi mới lên Hà Nội, nhà mình nghèo lắm, đi ở thuê, gian nhà nhỏ tuềnh toàng, thiếu thốn đủ thứ, nhưng có một thứ không thiếu, đó là tình cảm.
Tuổi thơ chúng con lớn lên không phải trong nhung lụa mà là trong tiếng cười hai đứa trẻ và màu hạnh phúc ánh lên sáng rực trong mắt bố mẹ. Con rất thèm những ngày xưa ấy… Bố mẹ có thể cho con không ?
Ngày… tháng…
Bao nhiêu năm rồi mà sao con không quên được, không đêm nào được ngủ trọn vẹn. Trong tâm trí con nặng trĩu như đeo tảng đá lớn: tảng đá mặc cảm tội lỗi. Con toàn mơ thấy những điều khủng khiếp. Con phải làm gì đây? Bố mẹ bảo cho con đi. Con phải làm gì? Con không trách bố nhưng xin mẹ hãy tha thứ cho con. Con đi đây…
Ít lâu sau bố thằng Hùng, ông Hành, trở nên lẩn thẩn, bỏ nhà đi lang thang.