Văn hóa

Truyện ngắn: Những người không trở về sau trận chiến

27/07/2024 08:39

Sasha được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị bỏng nặng. Suốt cả tuần, các bác sĩ đã chiến đấu để giành lấy sự sống cho anh.

Anh mê sảng, ớn lạnh và thường hét lên điều đó. Cô y tá trẻ tuổi, người được các bệnh nhân, nhân viên, thậm chí cả bác sĩ trưởng bệnh viện Leonid Vasilyecich rất nghiêm khắc gọi một cách rất trìu mến là Cachiusa, liên tục dùng khăn tẩm cồn lau khuôn mặt ướt và bỏng rát của người thương binh.

Cô đã cố gắng khám phá điều gì đó trong những lời nói không mạch lạc của anh. Đó là những từ riêng biệt, những cụm từ không chứa đủ ý nghĩa. Cô cảm thấy tiếc cho viên trung úy trẻ. Anh là một phi công.

Nghe nói máy bay của anh đã bị bốc cháy. Cachiusha chỉ có thể nghe được một cái tên mà người phi công vừa hét lên vừa khóc trong cơn mê. Đó là một cái tên nam giới “Nicolai”, “Kolia” và “Kolka” (là hai cách gọi thân mật của Nicolai). Cô y tá đoán đó là những tên gọi của một người.

Cuối cùng, vào ngày thứ mười sau khi nhập viện, anh thương binh đã tỉnh lại. Cachiusha là người đầu tiên nhận thấy điều này. Viên trung úy mở mắt, nhìn cô y tá vẻ dò hỏi và cất tiếng:

- Xin cô cho tôi biết, tôi đã nằm ở đây bao lâu rồi?

- Đã mười ngày rồi - cô trả lời - bây giờ thì mọi việc sẽ ổn thôi.

- Cô y tá ơi - người thương binh tiếp tục - tôi cần viết gấp một lá thư.

- Anh nói sao cơ! Anh còn rất yếu. Thậm chí anh không được nói chuyện nữa kia. Tôi sẽ gọi bác sĩ ngay đây - Cachiusha cắt ngang cuộc đối thoại và chạy đi tìm bác sĩ Leonid Vasylevich.

Bác sĩ trưởng đến và bảo Cachia ghi lại những thông tin còn thiếu về người thương binh.

Đó là vào tháng 10/1941. Nhiều thương binh liên tục được đưa đến, bệnh viện quá tải và đang chuẩn bị đi sơ tán trong thời gian tới. Tình trạng của Alexander Vasilenko, họ tên của người phi công, không còn nguy hiểm cho tính mạng của anh nữa.

- Thế nào, chàng trai, ngày mai chúng tôi sẽ gửi anh về hậu phương, tôi hy vọng là mọi chuyện với anh sẽ ổn - ông bác sĩ chẩn đoán.

- Bác sĩ - Alexander nói - Tôi cần viết gấp một lá thư, xin hãy giúp tôi làm việc này, tôi không thể tự viết được!

- Tôi hiểu, tôi hiểu - bác sĩ tiếp tục cuộc nói chuyện với vẻ thông cảm - anh viết cho mẹ hay vợ?

- Không, cho cha của một người bạn! Ông thấy đấy, bạn tôi đã hy sinh rồi! Anh ấy và tôi đã cùng học ở trường phi công! - Alexander sốt sắng nói tiếp.

- Tên anh ấy là Nicolai? - Cachiusha bước tới và góp vào câu chuyện.

- Đúng rồi! Làm sao mà cô biết được? - Sasha (tên gọi thân mật của Alexander) ngạc nhiên.

- Anh cứ gọi mãi cái tên này trong lúc mê sảng. Tôi chỉ có thể hiểu được mỗi một lời này từ những câu nói của anh - Cachia bỗng nhiên bối rối trước cái nhìn nghiêm nghị của viên trung úy.

- Tôi còn sống, nhưng Kolia thì không còn nữa! Phải tiếp tục thế nào với điều này đây, bác sĩ? - anh xúc động.

- Đó là chiến tranh. Điều như vậy vẫn thường xảy ra trong chiến tranh - Leonid Vasylevich nói một cách đau buồn - Cachiusha, cô hãy giúp đồng chí trung úy viết một lá thư - ông quay sang cô gái nói. - Xin lỗi, còn tôi cần phải tiếp tục đi điều trị cho những người bị thương – rồi ông vội vàng bước dọc theo các dãy giường bệnh.

Cachiusha lấy tờ giấy và cây bút rồi ngồi xuống mép giường. Trung úy nhận ra rằng có thể đọc cho cô viết một lá thư. Tập trung hết sức, anh bắt đầu đọc:

“Thưa cha! Có lẽ cha đã nhận được thông báo về cái chết của con trai cha - Nicolai Stephanovich Khilchenco? Nhưng con đã ở bên cạnh cậu ấy trong trận chiến đó và con muốn kể cho cha nghe điều này đã xảy ra thế nào.

Con trai của cha đã hy sinh như một người anh hùng tại mặt trận Karelian vào ngày 17/9/1941 trong một trận không chiến lớn. Chiếc máy bay mà con trai của cha là Nicolai điều khiển và chiến đấu gan dạ đã bị máy bay tiêm kích của địch bắn rơi. Mặc dù vậy, cậu ấy dũng cảm đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù và từ chiếc máy bay đang bị cháy này đã bắn hạ một con đại bàng và cậu ấy hy sinh như một anh hùng!

Đối với cha, là người đã nuôi dạy được người con như vậy, con xin được chia sẻ về sự mất mát nặng nề của Nicolai! Nhưng hàng nghìn những kẻ khốn đó sẽ phải đền tội cho mỗi người lính Hồng quân đã thiệt mạng! Xin cha hãy tha thứ cho con vì đã không thể bảo vệ được con trai Nicolai của cha và cũng là người bạn tiền chiến của con. Con sẽ chiến đấu cho cả hai người.

Trung úy Vasilenko Alexander”.

Bức thư đã được viết xong. Sự im lặng bao trùm trong phòng bệnh rộng lớn. Alexander nhắm mắt lại vì sự mệt mỏi và xúc động. Anh cảm thấy xấu hổ trước mặt cô y tá trẻ vì một giọt nước mắt lớn đã ứa ra từ đôi mắt của anh.

Ngày hôm sau, các thương binh được sơ tán. Chiến tranh đã bắt đầu rồi.

***

truyen ngan nhung nguoi khong tro ve sau tran chien (2).jpg
Binh sĩ Liên Xô tham gia chiến dịch Leningrad-Novgorod. Ảnh: Wikipedia.

Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đã tàn lụi từ lâu rồi. Nhưng Sasha đã không thể xem phim và nghe các bài hát về nó. Ngay khi có một bộ phim về chiến tranh bắt đầu được chiếu trên TV hoặc một bài hát về đề tài này được phát trong một buổi ca nhạc, Sasha liền rời khỏi phòng và đóng chặt cửa phía sau lại.

Anh biết rằng không bộ phim nào có thể truyền tải hết được nỗi khủng khiếp của những năm tháng chiến tranh mà anh đã trải qua, nhưng anh vẫn không thể xem. Đặc biệt khó khăn là vào ngày Chiến thắng, khi các bài hát về chiến tranh vang lên từ mọi phía, mọi người chúc mừng nhau và cuộc duyệt binh từ Quảng trường Đỏ được phát sóng suốt cả ngày trên TV. Vào một trong những ngày như vậy về thời kỳ nóng bỏng, từ phòng bên cạnh anh nghe thấy lời của một bài hát vang lên:

“Anh không quên, không quên những cuộc tấn công dữ dội đó.

Tại một ngôi làng xa lạ tại cao điểm Không tên…”.

***

truyen ngan nhung nguoi khong tro ve sau tran chien (3).jpg
Binh sĩ Liên Xô tấn công ngoại ô thành phố Belgrade. Ảnh: Wikipedia.

Và ký ức đã đưa anh trở lại cái ngày khủng khiếp nhất cuộc chiến.

Đó là vào tháng 9/1944. Trung đoàn pháo binh của anh đóng quân bên làng N… trên một ngọn đồi nhỏ. Chỉ huy trung đoàn, Trung tá Polikov, sau khi tập hợp các chỉ huy pháo binh để họp buổi tối ngày 30/9 đã đánh giá trận đánh lúc sáng. Pháo binh phải hỗ trợ cuộc tiến công của bộ binh.

Có hàng loạt nhiệm vụ - cần phải giải phóng ngôi làng bằng mọi giá. Sau khi đã được củng cố trên cao điểm, phải hỗ trợ bộ binh bằng hỏa lực pháo binh và ngăn chặn xe tăng địch đột kích.

Sasha đã có mặt tại tuyến trinh sát pháo binh ngay từ tháng 7/1941. Nhưng mỗi lần trước trận chiến anh đều thấy lo lắng. Mọi thứ vẫn như mọi khi. Cao điểm đã mang lại lợi thế lớn, toàn bộ chiến tuyến sắp tới được nhìn thấy rõ như trong lòng bàn tay vậy.

Vào lúc 6 giờ, Trung đoàn trưởng ra lệnh nổ súng vào các vị trí của địch, bộ binh tấn công. Tuy nhiên, cuộc tiến công của họ đã vấp phải các tay súng máy của quân Đức, chúng bắn hạ binh lính cả hai phía mé sườn.

Cuộc tấn công bị chững lại. Quân Đức tận dụng thời điểm thuận lợi bắt đầu phản công. Với sự yểm trợ của xe tăng, chúng nhanh chóng tiến lên cao điểm, là trận địa khẩu đội 1 của trung đoàn.

truyen ngan nhung nguoi khong tro ve sau tran chien (4).jpg
Binh sĩ Liên Xô tham gia chiến dịch Belorussia. Ảnh: Wikipedia.

Những “con hổ” Đức giống như các pháo đài bất khả xâm phạm, đã bò và trườn tới! Những tay súng tiểu liên dưới sự hỗ trợ của chúng đang tiến gần đến các khẩu đội pháo binh. Đội trinh sát nhận được lệnh hỗ trợ trung đội pháo binh

Dưới hỏa lực liên tục của quân địch, Sasha chạy tới chỗ có khẩu súng đầu tiên của khẩu đội. Toàn bộ tổ súng chỉ còn lại ba người, người xạ thủ đã bị thương và quân Đức chỉ còn cách khẩu súng có vài mét.

Sasha nhanh chóng quyết định thay thế người xạ thủ và tiếp tục bắn nhanh vào kẻ thù đang phản công. Ai mà nói không sợ hãi là nói dối! Thật khủng khiếp! Rất đáng sợ! Và anh muốn sống! Bốn mươi phút của trận đánh! Những chiến sĩ của chúng ta và đồng đội chiến đấu của anh đã hy sinh! Chỉ vẻn vẹn bốn mươi phút!

Kết quả của cuộc đọ súng là đã tiêu hủy được 3 khẩu súng máy, một xe tăng bị hạ, một khẩu pháo tự hành bị phá hủy, hỏa lực súng cối bị dập tắt và khoảng 35 tên lính và sĩ quan địch thiệt mạng. Đó đã coi như một chiến thắng! Tuy nhiên, các xạ thủ súng máy của địch theo từng nhóm nhỏ xâm nhập vào khu vực có vị trí hỏa lực của khẩu đội. Và quân Đức chỉ còn cách nơi đó vài bước chân. Sasha chỉ huy trung đội:

- Dùng súng cá nhân tổ chức phòng thủ xung quanh ổ vũ khí, nổ súng vào kẻ thù!

Những tay súng máy đầu tiên của địch ngã xuống, hết đợt này đến đợt khác…

- Thôi nào, lũ khốn! chúng bay không cầm cự được đâu! Chạy đi, lũ khốn! Chạy đi, lũ khốn khiếp! chúng bay phải thế!

Súng máy của chúng bắn chuệch choạc…

Trong trận đánh ngắn ngủi, Sasha bắn chết sáu tên sĩ quan và bắt hai tù binh. Vì sao anh không giết chết hai tên đó? Chúng đã nhìn thẳng vào mắt anh! Anh kịp nhận thấy chúng còn rất trẻ! Chúng bỏ súng xuống và lẩm bẩm điều gì đó theo cách riêng của mình! Chính anh cũng không biết vì sao anh đã hành động như vậy!

Khẩu đội của anh đã có trận đánh thành công, ngôi làng được giải phóng khỏi quân phát xít chiếm đóng. Nhưng cuộc đột kích của quân Đức đã cướp đi sinh mạng của nhiều chiến sĩ. Có nhiều người bạn cùng trung đoàn từng cùng anh đi trinh sát, xung phong đã hy sinh! Sasha được đề nghị cho giải thưởng của chính phủ vì nêu gương dũng cảm.

- Bài hát vừa phát có tên gì vậy? - Mở cửa phòng, Sasha hỏi cô con gái đang ngồi trước màn hình TV.

- “Ở cao điểm Không tên” - cô trả lời.

Bích Nguyễn (Dịch từ tiếng Nga)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-nhung-nguoi-khong-tro-ve-sau-tran-chien-post692398.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-nhung-nguoi-khong-tro-ve-sau-tran-chien-post692398.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn: Những người không trở về sau trận chiến