Vườn sầu riêng nhà Hương đã bán hết cho thương lái nhưng vẫn còn ít trái bỏ lại, cha kêu cô đem ra chợ.
Nắng oi bức, những cơn gió nhè nhẹ lướt qua làn da đã rám nắng của Hương. Vườn sầu riêng nhà Hương đã bán hết cho thương lái nhưng vẫn còn ít trái bỏ lại, cha kêu cô đem ra chợ. Hương lấy khăn tay lau vệt mồ hôi trên trán rồi cất giọng thánh thót:
“Sầu riêng đi, sầu riêng ngon ngọt béo ngậy giá cả phải chăng đây…”.
Có chàng trai trẻ dừng xe lại hỏi mua liền mấy trái, trước khi đi dò hỏi xin số điện thoại của Hương, nhưng cô, mặt không biểu cảm, lắc đầu.
Thúy bán xoài bên cạnh cất giọng hát:
“Em bán sầu riêng nhưng không bán tình duyên”.
“Chỉ là người qua đường yêu thương gì thật lòng đâu mà quan tâm coi trọng”.
Hương không biết lời này là nói với Thúy hay là nói với chính bản thân.
Thúy cười cười đưa bàn tay lên bấm bấm rồi bâng quơ:
“Mùa sầu riêng tới là đường tình duyên của Hương sẽ tới”.
Hương mỉm cười đá nhẹ chân Thúy, dĩ nhiên Hương không xem trọng lời Thúy.
* * *
Cha mẹ Hương làm nông dân quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, gắn liền với cây lúa đến gần hơn nửa đời người, cực khổ nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Nhờ mấy mảnh ruộng mà anh hai Hương được học đại học ở tận Sài Gòn, rồi trở thành bác sĩ giỏi, làm việc trên tỉnh. Hương học không giỏi nên vừa xong lớp Mười hai thì ở nhà phụ giúp cha mẹ.
Xóm Hương ở đa phần đều là nông dân, chỉ một vài nhà làm vườn bưởi, vườn cam. Ngày nọ, có anh kỹ sư nông nghiệp gợi ý với mấy chú trong xóm, bảo họ đắp mô trồng sầu riêng. Hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng cao hơn cây lúa rất nhiều.
Cha Hương cùng mấy chú bắt tay vào làm thử vài công đất. Làm sầu riêng cực công và phải bỏ vốn liếng rất nhiều. Nhà nào không có chút tiền của thì cũng chẳng thể nào biến đổi ruộng thành mảnh vườn sầu riêng. Lợi ích thu về cao hơn cây lúa thì kỹ thuật canh tác cũng khó khăn hơn.
“Mẹ ơi! Nhà mình có ba công đất mà lên vườn trồng sầu riêng hết có ổn không? Con nghe nói làm sầu riêng khó lắm”.
Mẹ vừa khâu chiếc áo đã sờn màu của cha vừa than thở:
“Ổng muốn làm là làm, mẹ có khuyên được đâu. Thằng Hùng cũng gọi điện thoại về khuyên mà ổng cũng có bỏ vào tai lời nào”.
Hương hiểu rõ tính cách cha mình, tuy ông hiền lành thật thà nhưng lại là người cố chấp. Những việc ông đã quyết thì không ai có thể làm ông xao động thay đổi.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, từ mảnh ruộng bạt ngàn bông lúa dần trở thành mảnh vườn cây xanh tán lá xum xuê. Cha Hương là người ham học hỏi nên vườn cây được ông chăm sóc vun đắp tươi tốt nhất vùng.
Ai đi qua vườn cũng phải tấm tắc khen ngợi. Cha Hương khoái chí suốt ngày lẩn quẩn ngoài vườn chăm chút như đứa bé vừa chào đời. Chỉ cần lá cây có vài dấu hiệu lạ, ông liền chạy vù đi tìm anh kỹ sư để hỏi bệnh rồi mua thuốc về xịt. Đến khi làm trái thì càng kỳ công hơn.
“Xịt thuốc gì mà xịt lắm thế ông? Công ấy mình mướn người ta làm đi, chứ hít thuốc nhiều quá bệnh chết ông ơi”.
“Mướn người ta thì người ta cũng hít chứ có khác gì. Mới làm mùa đầu tiên có vốn liếng gì đâu mà bà đòi mướn”.
Tối nào Hương cũng nghe cha mẹ lời qua tiếng lại vì chuyện xịt thuốc cho vườn cây. Hương học ít nhưng cũng không phải khờ khạo mà không hiểu tác hại của việc tiếp xúc với quá nhiều chất hoá học trong thời gian dài mà không dùng đồ bảo hộ.
Từ ngày có vườn sầu riêng, mẹ Hương lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Vì nhìn cha ngày càng phờ phạc gầy yếu hẳn. Mấy lần ông chuẩn bị đi xịt thuốc, Hương đưa áo mưa cho ông mặc vào, bảo để hạn chế thuốc thấm vào người.
Vậy mà ông nào có chịu, còn mắng Hương làm chuyện không đâu. Xịt thuốc mà mặc áo mưa, chưa biết hít thuốc chết không chứ nóng chết thì chắc chắn. Ông cằn nhằn bảo vậy làm Hương nín khe.
Cây càng lớn thì lượng thuốc hóa học sử dụng cho cây cũng càng nhiều. Đến khi chuẩn bị để cây cho trái càng cần sử dụng nhiều phân thuốc hơn nữa. Xịt thuốc cho hoa để hoa được thụ phấn đồng loạt, xịt thuốc tưới phân cho cây để cây có đủ sức khỏe nuôi hoa, nuôi trái; xịt thuốc cho lá để lá tốt xanh hấp thụ chất dinh dưỡng.
Cha Hương vừa xịt thuốc về, cả người ướt đẫm, mồ hôi trên trán tuôn như mưa. Ông hì hục đặt bình nước xuống đất, cởi bỏ lớp áo tay dài bên ngoài rồi ngồi bệt xuống thềm ba trước nhà.
“Hoa ra nhiều lắm, đợt đầu tiên mà đậu trái nhiều là mình trúng lớn đó bà”.
“Còn chưa biết giá cả thế nào thì trúng cái nỗi gì, ông vào nhà tắm đi, để thuốc thấm vào người lâu có mà trúng gió chết đây nè”.
Cha Hương bực dọc cau mày.
“Cái miệng của bà không thể nói lời hay được hả? Bà muốn tui chết sớm lắm phải không? Dọn cơm dùm đi, tui tắm ra rồi ăn”.
Hương từ nhà bếp bước ra, nhìn thấy mẹ buồn cũng chỉ biết vỗ về an ủi. Tính cha là vậy đâu phải mẹ không biết. Mẹ Hương thở dài. Tiếng thở dài Hương nghe nhiều lần đến quen thuộc.
Nắng sớm mai chan hòa ấm áp cả góc sân nhà, tiếng chim hót líu lo trên cành cây xoài trước nhà cũng không làm bầu không khí bữa cơm được vui vẻ. Mẹ buồn rầu cuối mặt, cha vừa ăn vừa kể về vườn sầu riêng của những người hàng xóm xung quanh, thỉnh thoảng ông ho khan vài tiếng làm mắt mẹ lại đỏ hoe.
* * *
Trái sầu riêng trên cây hôm nay đã to bằng cái nắm tay, cha cười hí hửng suốt ngày, mang điện thoại ra vườn chụp ảnh rồi gửi khoe những người bạn, người thân ở xa. Anh Hai Hương làm việc trên tỉnh cũng phải xốn xang vì mấy cây sầu riêng ở nhà.
Ở nhà có anh Hai là thích ăn sầu riêng nhất cho nên lúc cả nhà khuyên cha đừng trồng sầu riêng thì chỉ mỗi Hương và mẹ là nhiệt tình khuyên can, còn anh Hai thì ậm ừ nói cho có. Cũng như hôm nay, nhận được mấy tấm ảnh cha gửi, anh Hai lập tức sắp xếp công việc chạy luôn về nhà.
“Đồ ăn nấu chín hết chưa? Thằng Hùng sắp về rồi đó, nghe đâu nó đưa bạn về chơi nữa”.
Cha vừa nhấp ngụm trà vừa nói vọng xuống nhà sau. Hương đang bưng đĩa trái cây lên bàn thờ cúng ông bà nghe vậy sáng mắt.
“Anh Hai đưa bạn gái về nhà ra mắt phải không cha? Vậy sao cha không nói sớm chút để con với mẹ nấu thêm nhiều món nữa”.
Hương vừa dứt câu thì bên ngoài có tiếng xe máy chạy vào sân, con chó phèn chưa bao giờ sủa người quen nay đột nhiên sủa inh ỏi, Hương biết chắc anh Hai thật sự về với bạn.
Cô đặt vội đĩa trái cây lên bàn thờ rồi chạy ù ra sân, vội vàng đến quên luôn mang dép vào chân. Chân đất với nền xi măng giữa trưa nắng nóng làm chân Hương đau rát. Hương nhảy cẫng lên vì nóng rồi nhăn mặt nhíu mày.
Người đàn ông đi cùng Hùng cười lớn rồi bảo Hùng có em gái thật đáng yêu.
Đó là lần đầu tiên Hương gặp Luận.
Luận không phải là bác sĩ như Hùng, Luận là kỹ sư nông nghiệp. Lần đầu tiên Luận đến thăm gia đình Hương nhưng thật ra giữa Luận và cha Hương đã nói chuyện với nhau nhiều lần qua điện thoại. Hóa ra người tư vấn kỹ thuật giúp đỡ cha Hương chăm sóc vườn sầu riêng đạt hiệu quả đến hiện tại chính là Luận.
“Cậu chính là chàng kỹ sư mà ông nhà tui hay nhắc đó hả? Cậu có gia đình chưa?”
Mẹ Hương nhìn Luận như nhìn đứa con rể được ông trời ban xuống. Bà hết hỏi thăm chuyện công việc rồi đến điều tra hoàn cảnh gia đình. Hương đi ra đi vào cũng phải ngượng ngùng nhưng cô lại không thích Luận cho lắm khi biết anh là “quân sư” của cha. Lúc cả nhà đang trò chuyện với Luận, Hương xen vào trách.
“Anh tư vấn kỹ thuật cho cha tôi, vậy tại sao không kêu cha tôi mặc đồ bảo hộ khi xịt thuốc hóa học? Tại sao anh không nói rõ ràng tác hại của thuốc hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào? Anh có biết tại vì anh mà sức khỏe cha tôi ngày càng kém không?”.
Tất cả mọi người đều chưng hửng. Mẹ Hương bối rối kéo tay Hương, ra hiệu cô đừng nói thêm gì nữa. Cha Hương lại chẳng giữ được bình tĩnh, ông mắng ngay lập tức, đuổi cô về phòng. Hương ấm ức chạy đi, khóc nức nở.
* * *
Luận ở lại nhà Hương hai ngày rồi quay về Sài Gòn. Trước lúc đi, Luận nhờ Hùng nhắn nhủ với Hương, chắc chắn cha Hương sau này sẽ ngoan ngoãn mặc đồ bảo hộ mỗi khi xịt thuốc theo như ý cô.
Hương đinh ninh không tin, cha Hương là người cố chấp chắc chắn không thể nào trong một thời gian ngắn có thể làm thay đổi suy nghĩ của ông. Vậy mà cha Hương thật sự đã làm vậy, không những mặc đồ bảo hộ cho riêng mình, ông còn đi vận động các bác hàng xóm cũng kỹ lưỡng trang bị như mình để bảo vệ sức khỏe. Luận còn gửi thêm nhiều thuốc bổ về cho cha Hương, nhờ đó sức khỏe của cha Hương cũng tốt hơn trước rất nhiều, không còn gầy yếu xanh xao.
Một tháng sau khi sầu riêng nhà Hương được thương lái đến hỏi mua, Hương gặp lại Luận. Tình cảm chẳng biết nảy nở từ lúc nào, Hương e thẹn khi Luận nắm tay dắt Hương đi qua bờ mương.
Luận dạy Hương cách phân biệt sầu riêng đã già và vẫn còn non ngày. Luận cầm dao thái nhỏ, quay ngược cán dao gõ vào sầu riêng, âm thanh phát ra giúp Luận nhận biết được đâu là trái đã già. Hương đi theo bên cạnh nghe mãi cũng không phân biệt được. Luận cười trêu:
“Ai cũng dễ dàng học được thì mấy người cắt sầu riêng thất nghiệp hết còn gì”.
Luận tìm được trái sầu riêng chín cây, anh dùng mũi dao nhẹ nhàng tách ra từng múi vàng ươm, hương thơm hòa quyện vào không khí bay đến cánh mũi Hương. Hương mỉm cười hít hà, không chần chừ nhận lấy múi sầu riêng từ tay Luận.
Luận cười, trong ánh mắt tràn đầy tình cảm:
“Hết mùa sầu riêng, anh đưa cha mẹ đến nhà Hương nhé”.
Hương đột nhiên nhớ đến lời Thúy từng nói rồi cười ngượng ngùng cúi đầu. Dưới tán cây sầu riêng, có hai trái tim đang hòa chung nhịp đập.