Truyện ngắn: Tình đầu

15/02/2024, 07:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày đầu tiên ra đảo, đợi cơn say sóng dịu lại, Danh nhờ anh Thành, bạn cùng phòng chở đi dạo một vòng quanh đảo làm quen.

- Có khi bây muốn lấy vợ đảo hay sao á mà.

Danh cười ghẹo lại má:

- Ngoài đảo họ không cưới đâu nhen má, lấy vợ là phải ở rể, con lấy vợ đảo theo về đảo ở luôn, má có chịu ra ở với vợ chồng con không.

Má xua tay:

- Thôi, già cả rồi, đi tàu ra tới đó sống dở chết dở à. Bây dạy thời gian rồi xin về đây đi, lấy vợ sinh con cho má ẵm bồng.

Danh cười mà lòng buồn thiu. Về gần má thì ai chẳng muốn mà thương tụi học trò nhỏ, có được mấy giáo viên xung phong ra đảo đâu, thiếu giáo viên thì các em lại phải lặn lội vào đất liền tìm con chữ. Khổ cực lắm. Danh không đành lòng. Đành hẹn với lòng từ từ đợi khi những lứa học trò của đảo học thành thầy, thành cô về quê hương gieo chữ thì Danh về bên má.

Vậy mà đợi hoài cũng chẳng mấy đứa về quê. Chúng như chim nhỏ đủ lông đủ cánh bay đi là đi luôn tới miệt khác xây tổ mới, cái miệt phồn hoa đô hội, rực rỡ đèn đêm, có cơ hội thăng tiến… chẳng muốn về lại hòn đảo nhỏ xíu chơ vơ giữa biển khơi. Thành ra lời hứa với má cứ chơi vơi ở đó miết tới nay đã qua tuổi ba lăm Danh vẫn để má lẻ bóng một mình.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Biết nói sao cho má hiểu lòng Danh giờ. Mảnh đất này đã trở thành một phần máu thịt của anh. Những con đường dốc thân quen, gành đá đẹp hơn tranh chiều nào Danh cũng ra ngồi ngắm biển. Danh quen hơi gió mặn mòi, quen tiếng sóng ào ào vỗ vào chân núi đá. Danh quen những con người da rám nắng có nụ cười tỏa sáng hơn sao hôm. Danh quen với ngọn đèn dầu bên bàn làm việc vì bảy giờ đảo đã cúp điện… Danh thương xứ nầy như da như thịt mình, dứt đi sao chịu nổi.

Cũng còn một lý do nữa khiến Danh không thể dứt áo ra đi, cái lý do đó khó giải thích với má dữ lắm. Chẳng lẽ nói với má con đã có lời hẹn ước trăm năm và phải đợi người đó trở về, bao lâu thì chẳng rõ. Chắc má khóc tu tu lên mất, hoặc cũng có thể chửi xối xả cái thằng con trai khờ dại. Nhưng tình yêu, má ơi, có ai cắt nghĩa được đâu. Tình yêu là thứ khiến người ta ngu dại chẳng thể dứt ra được. Danh đã trót yêu người con gái đó nên cứ chờ người ta hoài.

Dân đảo kể rằng giếng Tiên là nơi bà Chúa đảo hay ra tắm. Nước giếng trong xanh quanh năm, lúc nào cũng đầy, chỉ cần thả gầu xuống chừng hơn mét là múc được. Ngày xưa chưa có nước máy, nhà nhà người người đổ xô ra giếng Tiên tắm rửa giặt quần áo, múc nước thồ về nấu ăn. Bây giờ có nước máy rồi, giếng Tiên âm thầm đứng một mình, dẫu vậy vẫn xanh mát đầy ắp nước quanh năm. Người ta đồn rằng các cặp trai gái yêu nhau mà uống chung một bát nước giếng Tiên thì trăm năm sẽ yêu nhau mãi mãi.

Ngày mới ra đảo, vốn là thầy giáo lịch sử, say mê lịch sử từ nhỏ nên Danh hay lang thang tới những đền, miếu, các di tích còn lại của người xưa trên đảo để tìm hiểu, ghi chép lại. Danh nghe bảo ban đêm ra giếng sẽ nhìn thấy bà Chúa đảo đang chải tóc dưới giếng.

Anh muốn kiểm chứng xem sao nên hay lang thang ra giếng ban đêm. Tình cờ gặp nàng. Nàng không xinh. Nhà cách giếng Tiên không xa nên thường ra múc nước. Bữa đó bận bịu công chuyện mãi tối mới đi thồ nước được. Vậy là hai người chạm mặt. Danh đùa có phải nàng là bà Chúa đảo hóa thân thành, nàng cười, tui chỉ là bà chúa của đàn heo mấy chục con thôi. Câu nói đùa có duyên của nàng làm Danh ấn tượng.

Rồi chẳng biết từ khi nào Danh đã thầm thương người con gái có làn da nâu khỏe khoắn đó. Nụ cười của nàng tươi như bông dứa dại trên núi. Mắt nàng trong veo mà mỗi lần nhìn vào Danh say như say rượu dứa.

Danh bày đặt làm thơ, đọc cho nàng nghe, cái kiểu tán tỉnh quê mùa dễ sợ: “Mắt em như hơi rượu/Phả vào lòng anh say”. Ai dè nàng ngả đầu vào vai Danh thiệt. Đêm đó Danh đã uống chung chén nước giếng cùng nàng, nguyện suốt đời yêu thương nhau mãi mãi.

Ai ngờ…

Cuộc đời là những khúc cua khó lường. Một cô gái chân chất cả đời chưa rời chân khỏi đảo bao giờ một ngày nọ lại bỏ đảo mà đi biền biệt. Năm đó chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra đảo khánh thành đã tạo nên cơn lốc du lịch. Đảo thay da đổi thịt từng ngày. Dân đảo đổ xô buôn bán, kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch. Nàng theo bạn bè vào đất liền lấy hàng, rồi chẳng biết nguyên cớ do đâu, một lần đi rồi mất biệt. Ba má cũng chẳng liên lạc được. Bạn bè biểu nàng theo một anh chàng phố thị nào đó.

Danh không tin vào những lời người ta đồn thổi. Anh vẫn tin rằng nàng bị bọn xấu bắt đi chứ không phải đã thay lòng đổi dạ. Danh và nàng đã uống chung chén nước giếng Tiên, sao lòng có thể thay đổi được. Chắc hẳn ở một nơi nào đó, nàng cũng đang đau khổ nhớ Danh, đang cố tìm đường trở về với Danh. Danh chờ. Chờ hoài. Người xưa không thấy quay về. Dù vậy niềm tin của Danh vẫn vẹn nguyên. Chẳng phải xưa bà Chúa đảo vì cãi lời vua cha yêu kẻ thường dân mà bị lưu đày hay sao, nên con gái xứ đảo đã yêu ai thì chung thủy suốt đời. Danh tin là vậy.

Má không bao giờ biết được nỗi chờ mong của Danh nhưng mấy đứa học trò thì tinh ý dữ lắm. Chẳng hiểu từ đâu mà chúng biết được nguyên nhân ông thầy cứ lẻ bóng một mình, ngày nghỉ xách máy ảnh lùng khắp đảo kiếm tư liệu chỉ để khỏa lấp nỗi nhớ một người.

Một hôm, chúng âm thầm tới khu tập thể trồng trước cửa phòng Danh một cây sim tím và một gốc dứa rừng. Sập tối Danh về ngạc nhiên thấy hai cái cây đứng chờ mình trong ánh đèn hắt ra từ phòng vợ chồng anh Thành. Thấy Danh, vợ anh Thành nhanh miệng thông báo:

- Lúc chiều tụi học trò lớp thầy ghé qua, tụi nó nói trồng hai cái cây này cho thầy đỡ buồn. Khi nào thầy lấy vợ hai cái cây này lớn che mát cho con thầy chơi.

Danh phì cười:

- Nay còn bày đặt trồng cây đặng dành ngày thầy lấy vợ nữa, tụi nhỏ này thiệt là…

Anh Thành vừa tắm xong, tay còn cầm khăn lau tóc, hất hàm bảo Danh:

- Thầy coi nè, tụi nhỏ chờ hoài không thấy thầy về còn gửi cả thư nhắn nhủ thầy nữa đó.

Danh phì cười đón lá thư viết trên giấy vở học trò, nét chữ nắn nót, rõ là chữ con gái. Chúng nó dặn dò “phải chờ cô về nghen thầy, hồi xưa có hòn vọng phu, giờ thầy phải ráng thành hòn vọng thê nghen thầy. Tụi em ngưỡng mộ chuyện tình của thầy lắm nên đã cử bạn Thiên vào tận đất liền mua cây sim tím, rồi lên núi đào gốc dứa rừng về trồng để làm bạn với thầy. Sim tím tượng trưng cho tình yêu chung thủy, dứa rừng là đặc sản miệt đảo này. Thầy nhớ tưới nước chăm sóc cho cây nhen thầy, cây có mệnh hệ gì là tụi em giận thầy lắm đó”.

Từ khi có hai cái cây, tụi học trò cuối tuần nào cũng lấy cớ đến phòng thầy kiểm tra, rồi thì bày nấu nướng ca hát khiến Danh chẳng còn thời gian đâu mà buồn nữa. Chúng như những chú chim non ríu rít hoài trên tán lá. Đột nhiên Danh thấy mình trẻ lại, thời còn áo trắng sân trường, cũng ghẹo nhau đùa vang mỗi giờ ra chơi.

Có thể khi nàng trở về, Danh đã chống gậy lụ khụ xách nước mỗi sáng tưới cây. Nhưng không sao, sẽ có những học trò nhỏ tới phụ thầy chăm sóc cây, hái quả ngâm rượu. Danh sẽ rủ nàng cùng ngồi xuống bộ bàn gỗ nơi gốc cây dứa rừng, cùng uống trà, ăn mứt gừng, rồi cao hứng có thể lai rai vài ly rượu dứa với khô mực. Danh sẽ vẫn đọc thơ tán tỉnh nàng như hồi xưa, dẫu đó là lời tán tỉnh quê mùa dễ sợ: “Mắt em như hơi rượu/ Phả vào lòng anh say/ Rượu say rồi cũng tỉnh/ Say tình làm sao đây?”…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-tinh-dau-post671781.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-tinh-dau-post671781.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn: Tình đầu