Truyền thông trong trường học đậm nhạt tùy nơi

22/10/2023, 13:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại nhiều trường học, ngoài bảng tin, trang web còn phát triển ấn phẩm nội bộ, fanpage.

Tại Trường THPT số 1 Đức Phổ, để xuất bản tin, bài trên website nhà trường, thầy Thạch Cảnh Bê, thường qua nhiều thao tác do sử dụng chung tên miền với sở GD&ĐT. Thế nhưng phần mềm đã cũ, không cập nhật nên sau khi xuất bản, không có thao tác chia sẻ trực tiếp từ website lên tài khoản mạng xã hội mà phải làm động tác thủ công là cóp đường link rồi dán sang. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến website trường học ít được cập nhật thông tin về hoạt động giáo dục dù mang tính chính thống hơn tài khoản mạng xã hội.

Trong khi đó, thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) cho rằng, website trường học nếu được đầu tư và khai thác hết tính năng sẽ là công cụ quản trị trường học. Khi thực hiện kiểm định chất lượng các trường phổ thông, website như quy định bắt buộc phải có. Nhà trường đã mua tên miền độc lập để đảm bảo dung lượng và cải thiện tốc độ truy cập vào website.

“Ở trường chúng tôi, hoạt động giáo dục lớn, kế hoạch bài dạy, bài giảng E-learning… đều được đăng tải lên website. Nếu chỉ gửi vào nhóm Zalo thì việc lưu trữ khó khăn. Ngay cả việc xây dựng đề kiểm tra của giáo viên tổ chuyên môn cũng gửi về ban giám hiệu thông qua công cụ trên website”, thầy Chín chia sẻ.

Cùng quan điểm, thầy Thạch Cảnh Bê nhìn nhận, website các trường học cũng tham gia hỗ trợ cựu học sinh sử dụng dịch vụ công như xin lại bảng điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp…

Website là kênh chính thống nên khi tìm hiểu thông tin về trường, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, hoạt động đoàn đội, câu lạc bộ đội nhóm… phụ huynh đều khai thác từ đây rồi mới đến trang mạng xã hội.

Em Phạm Quang Linh vừa trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng kể: “Giấy báo trúng tuyển nhập học thường có bản “mềm” và “cứng”. Nhưng em chỉ nhận bản mềm qua email do nhà trường gửi. Vì lo lắng, em gọi điện nhờ nhà trường tư vấn được thông báo chỉ bản mềm là được. Trước đó, nhà trường hướng dẫn trên website nhưng em không để ý”.

Truyền thông giáo dục, không chỉ là việc xây dựng hình ảnh hay xử lý “khủng hoảng” mà làm sao để phụ huynh phải “3 biết”: Tình hình học tập, đạo đức của con em mà phối hợp giáo dục; hoạt động và khó khăn nhà trường để hỗ trợ; chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo cùng thực hiện.

Chia sẻ quan điểm, cô Đỗ Thị Lê cho rằng, từ fanpage nhà trường và tài khoản mạng xã hội của giáo viên, đã góp phần truyền thông hoạt động nhà trường đến với phụ huynh. “Phụ huynh có thể hình dung cách thức giáo viên, học sinh tổ chức hoạt động dạy – học hằng ngày. Chẳng hạn, phương pháp dạy học tích cực theo chương trình GDPT 2018, học sinh chuẩn bị giấy A3 để làm việc nhóm, và một số phần việc thực hiện trước ở nhà để học các bài học theo định hướng STEM…”, cô Lê ví dụ.

Khối cơ sở giáo dục đại học có hệ thống truyền thông mạnh nhất nhưng báo cáo của Văn phòng Bộ GD&ĐT mới đây cho thấy còn 12 trường ĐH, CĐ sư phạm chưa có website. Website của nhiều trường phổ thông không công khai số điện thoại ban giám hiệu, thông tin không cập nhật thường xuyên, thậm chí chỉ có tin bài của nhiều năm học trước.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truyen-thong-trong-truong-hoc-dam-nhat-tuy-noi-post657692.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truyen-thong-trong-truong-hoc-dam-nhat-tuy-noi-post657692.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyền thông trong trường học đậm nhạt tùy nơi