Do các trường chủ động trong công tác định hướng nghề nghiệp từ sớm nên việc lựa chọn tổ hợp thi tốt nghiệp và nguyện vọng vào trường cao đẳng, đại học của đa số học sinh cơ bản ổn định.
Công tác định hướng nghề nghiệp không chỉ giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về ngành nghề, trường cao đẳng, đại học mà còn giúp các em có thể lựa chọn con đường phù hợp với khả năng, sở thích, tính cách, từ đó có động lực phấn đấu và nỗ lực ôn tập trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Các trường học tại mỗi địa phương thường sử dụng nhiều phương pháp để thực hiện tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh giai đoạn nước rút. Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng (TP Cần Thơ) cho biết:
Ngoài tự tổ chức công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề… theo chương trình năm học, nhà trường còn phối hợp các đơn vị tổ chức chương trình tuyển sinh, hội thảo giới thiệu về trường cao đẳng, đại học giúp học sinh có sự lựa chọn chính xác, phù hợp nhất.
“Năm học này nhà trường có 116 học sinh khối 12, qua công tác tư vấn định hướng, 101 em đăng ký thi tổ hợp xã hội. Nhằm giúp các em lựa chọn phù hợp, ban tư vấn tuyển sinh nhà trường thông tin công khai số điện thoại để có thể kịp thời hỗ trợ, giải đáp thông tin liên quan đến lựa chọn trường, nghề”, thầy Dũng thông tin thêm.
Ngoài ra, nhiều trường cũng hướng dẫn học sinh tìm hiểu về ngành nghề và trường học trên Internet… để có thêm thông tin, kinh nghiệm từ những người thành công, từng học tập, làm việc trong các ngành nghề khác nhau.
Theo thầy Trần Hót Lái, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS & THPT Kiên Hải (Kiên Giang), dù ở huyện đảo nhưng hằng năm, trường chủ động kết nối và phối hợp với một số trường cao đẳng, đại học trong khu vực để tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp. Qua đó, giúp học sinh hiểu yêu cầu và xu thế phát triển nguồn nhân lực trong tương lai để chọn đúng ngành nghề, phù hợp với năng lực và nhu cầu lao động của xã hội.
“Hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 thời điểm nước rút, nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp những ngành nghề thế mạnh tại địa phương, hỗ trợ tư vấn thắc mắc cho các em. Nhà trường cũng lưu ý học trò cần tìm hiểu những ngành nghề sẽ chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và gia đình.
Khi lựa chọn, có thể liên hệ trực tiếp với cán bộ quản lý tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng hoặc giáo viên hướng nghiệp nhà trường để nắm thông tin cần thiết; cập nhật đầy đủ thông tin tuyển sinh mới nhất từ quy chế và phương án xét tuyển của các trường”, thầy Lái chia sẻ thêm.
Học sinh Cần Thơ trong giờ thi khảo sát. Ảnh minh họa: ITN |
“Kinh nghiệm của trường là hướng nghiệp học sinh từ sớm, tư vấn định hướng cho cả học sinh và phụ huynh. Từ đầu năm học chuyển cấp, trường tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh, học sinh, giúp người học và gia đình có sự lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở thích bản thân. Song song đó vào đầu và cuối năm học, trường tổ chức tư vấn, định hướng thông qua các cuộc họp phụ huynh. Nếu học sinh còn do dự sẽ chuyển lớp để giáo viên có thể hỗ trợ ôn tập, củng cố kiến thức”, thầy Tự cho biết thêm.
Thầy Lê Văn Tự, Hiệu trưởng Trường THPT Lấp Vò 2 (Đồng Tháp) cho biết: Học sinh đang bước vào giai đoạn ôn và đăng ký dự thi. Năm học này, trường có 481 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Công tác lựa chọn tổ hợp môn thi đã ổn định.
Cùng đó, Trường THPT Lấp Vò 2 (Đồng Tháp) còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lồng ghép hoạt động hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 vào các tiết sinh hoạt lớp. Dựa trên kết quả học tập của học sinh, trường phân luồng và xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với năng lực, hướng các em học những nhóm ngành, nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội.
Theo thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trường Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng (TP Cần Thơ), với lợi thế trường có hai cấp học, nhà trường tổ chức định hướng nghề nghiệp cho học trò ngay khi chuyển cấp, đồng thời tư vấn cho cha mẹ học sinh. Vào đầu và cuối năm học, trường tư vấn, nhắc lại trong các cuộc họp phụ huynh để từ đó có căn cứ sắp xếp lớp theo định hướng nghề và xây dựng kế hoạch tăng tiết, bồi dưỡng ôn tập song hành chương trình lớp 12.
“Một số phụ huynh còn tư tưởng con phải vào đại học bằng được, trong khi đó năng lực của các em cũng như lựa chọn ngành nghề không phù hợp dẫn đến việc thất nghiệp. Nhiều trò sau khi học phải cất bằng đại học để làm công nhân tại một số khu công nghiệp trên địa bàn.
Do đó, trong công tác hướng nghiệp nhà trường cũng đặc biệt lưu ý giáo viên tư vấn lựa chọn phù hợp năng lực học sinh; với học sinh học lực trung bình khá, điều kiện gia đình khó nên tư vấn định hướng nghề giúp các em có nghề tự mưu sinh, sau đó tiếp tục học nâng cao trình độ…”, thầy Lê Văn Dũng trao đổi.
Các trường THPT trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang bước vào ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023, đồng thời tổ chức tư vấn định hướng, hướng nghiệp cho học sinh lựa chọn môn thi phù hợp. Tuy nhiên, không tránh khỏi vài học sinh còn băn khoăn, lưỡng lự... dẫn đến thay đổi lựa chọn ở thời điểm nước rút. Sở cũng lưu ý lãnh đạo nhà trường cần chỉ đạo giáo viên phối hợp hướng dẫn học sinh tự đánh giá năng lực bản thân, ngành nghề yêu thích và điều kiện tham gia học tập...
Theo đó, mỗi học sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm, trong đó nhóm ưu tiên cao nhất dành cho nguyện vọng yêu thích nhất, thậm chí điểm chuẩn đầu vào những năm trước cao hơn so với sức mình; các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên, từ trên xuống dưới (nếu trượt những nguyện vọng này thì vẫn còn cơ hội đỗ các nguyện vọng dưới).
Nhóm thứ hai vừa sức hơn, các nguyện vọng của nhóm này cũng nên xếp theo thứ tự từ trên xuống. Nhóm cuối cùng là những nguyện vọng dưới năng lực học sinh một chút, nhằm phòng bị trường hợp sai lệch không lường trước. Số lượng nguyện vọng nên đăng ký khoảng 10, không nên quá nhiều hoặc ít.
“Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục. Thực hiện giáo dục hướng nghiệp, Sở đã chỉ đạo các trường THPT tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, trong đó tập trung đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt ở giai đoạn nước rút, lớp 12”. - ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ