Từng gây rối, bỏ học ở tuổi 18, nam sinh này vẫn tạo ra điều phi thường nhờ 1 yếu tố

Hiểu Đan, | 25/07/2023, 08:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khi cậu con trai viết một bài thơ bằng cả tấm lòng, bị cô giáo cho điểm F (không đạt) vì tội đạo văn, người mẹ lập tức tìm bài nháp của con và chạy đến trường yêu cầu được giải thích.

Todd Ross - Giáo sư Đại học Harvard được đánh giá là người hiền lành, trung thực, đối xử bình đẳng với bất kỳ học sinh nào. Ông luôn tin rằng, ngay cả học sinh kém cũng có thể trở thành những người giỏi nhất thế giới. Quan niệm của Todd Ross có lẽ bắt nguồn từ sự đồng cảm cảm sâu sắc của mình với những học sinh kém. Điều này là do ông từng rất tự ti, bất lực vì việc học kém khi còn nhỏ.

Từng gây rối, bỏ học ở tuổi 18, nam sinh này vẫn tạo ra điều phi thường nhờ 1 yếu tố - Ảnh 1.

Todd Ross.

Từng bị xem là "kẻ gây rối", phải bỏ học đi bán hàng

Todd Ross sinh ra ở vùng nông thôn Utah (Mỹ). Thời tiểu học, cậu bé từng bị đánh giá là "đứa trẻ rắc rối" vì bản tính hiếu động. Vào cấp hai, cậu được chẩn đoán mắc chứng "rối loạn tăng động giảm chú ý" và không làm được tất cả các bài tập về nhà. Không chỉ vậy, một số bạn cùng lớp còn thường xuyên bắt nạt Todd. Nam sinh này bị đánh ngay trước mặt tài xế xe buýt nhưng không hề được can thiệp.

Bị bủa vây bởi những hành động tiêu cực, cậu bé Todd đã học cách tự bảo vệ mình bằng sự nổi loạn, liên tục gây rối. Khi con trai bị cô giáo phàn nàn, người mẹ chỉ nói: "Tôi nghĩ điểm số không phản ánh tất cả về con mình, nhưng tôi hy vọng con học cách yêu bản thân lúc còn ngồi trên ghế nhà trường".

Khi cậu con trai viết một bài thơ bằng cả tấm lòng, bị cô giáo cho điểm F (không đạt) vì tội đạo văn, người mẹ lập tức tìm bài nháp của con và chạy đến trường yêu cầu được giải thích. Mặc dù giáo viên đã miễn cưỡng sửa điểm, nhưng người mẹ vẫn cẩn thận giữ những bài nháp của con trai mình trong nhiều năm. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cậu bé Todd khi đó càng mất niềm tin vào trường học. Khi nghe những lời nhận xét tiêu cực làm tổn thương tâm lý, cậu thường trốn vào nhà vệ sinh và khóc.

Ở tuổi 18, Todd Ross được thông báo rằng với GPA (điểm trung bình) 0.9 và hồ sơ dài dằng dặc về các lần bị đình chỉ học và vi phạm, sẽ rất khó có thể tốt nghiệp. Thêm vào đó, bạn gái của cậu lúc đó đang mang thai, không có nhiều sự lựa chọn khác, Todd bỏ học và làm việc trong một cửa hàng tạp hóa với mức lương 4,25 đô la một giờ, đồng thời sống nhờ vào tiền trợ cấp.

Todd bị mọi người xung quanh gán cho cái mác là "kẻ lười biếng" và "lãng phí tiền của", nhưng ngay cả ở thời điểm đó, cha mẹ cậu vẫn vẫn đặt hy vọng vào con trai, tin rằng cậu có thể bứt phá trong các lĩnh vực khác. Cha của Todd đã động viên con: "Bố biết con không lười biếng, con chỉ cần một thử thách lớn hơn mà thôi".

Với sự hậu thuẫn to lớn về tinh thần của cha mẹ cùng "niềm tin kỳ lạ vào sức mạnh của giáo dục trong việc thay đổi cuộc sống và hoàn cảnh sống", Todd đã lấy bằng GED (General Education Development - kỳ thi để lấy chứng chỉ tương đương với bằng trung học tại Mỹ), và đăng ký học cao đẳng cộng đồng vào ban đêm trong khi vẫn bán hàng vào ban ngày.

Mặc dù cậu có nền tảng kiến thức kém nhưng lại thích nghiên cứu về giáo dục. Và bằng sự nỗ lực, vài năm sau, Todd trúng tuyển vào Harvard.

Todd có tuổi thơ không may mắn ở trường học, nhưng anh hạnh phúc hơn nhiều người vì trong quá trình trưởng thành của mình, cha mẹ anh liên tục động viên và công nhận. Điều này giúp Todd có thể trở thành một phiên bản tốt hơn.

Todd Ross hiện là một trong những giáo sư nổi tiếng nhất của Đại học Harvard. Nhìn lại chặng đường cuộc đời của mình, ông xúc động nói: "Nếu không có sự bảo vệ của cha mẹ, tôi có thể sẽ tiếp tục gây ra rắc rối và không biết cuộc sống sẽ ra sao".

Có thể thấy rằng sự thụt lùi tạm thời trong kết quả học tập không quyết định cuộc sống của bạn. Không phải chỉ có điểm tốt mới có thể dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống. "Khi kết quả học tập là tiêu chí duy nhất để đánh giá con cái, những học sinh kém giống như bị đóng đinh vĩnh viễn vào cột của sự xấu hổ. Sự xấu hổ, lòng tự trọng và nhiều cảm xúc tiêu cực đan xen khiến chúng khó nguôi ngoai".

Và "Trẻ em xứng đáng được học trong một hệ thống giáo dục công cộng cố gắng tìm hiểu chúng và phát triển tiềm năng của chúng thay vì hạn chế và dán nhãn một cách giả tạo hay bất cứ điều gì", ông nói.

Có người so sánh trẻ em với hoa, nhưng lại quên mất rằng các loài hoa khác nhau thì có thời kỳ ra hoa khác nhau. Những đứa trẻ chậm chạp thường cần được chấp nhận và thấu hiểu hơn. Đối với cha mẹ và nhà trường, kiên nhẫn, yêu thương, gác lại sự thúc giục và chờ đợi "hoa nở" là món quà tuyệt vời nhất mà họ có thể dành cho con trẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từng gây rối, bỏ học ở tuổi 18, nam sinh này vẫn tạo ra điều phi thường nhờ 1 yếu tố