Từng tuyệt vọng vì bị so sánh, nam sinh gặp "bước ngoặt" giúp thay đổi tích cực: Nhắn nhủ lời gan ruột đến các bậc phụ huynh

Hiểu Đan, | 25/01/2024, 16:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Long sẽ mãi cô đơn trong gia đình của mình nếu không gặp được cô giáo Mai Thủy, giúp em có động lực nói lên câu chuyện của mình.

Các chị và mẹ cũng nói với Long là: "Mày nhìn bố kìa, bố làm được bao nhiêu việc, còn mày lóng nga lóng ngóng chẳng được tích sự gì". Em cũng chỉ biết nghe. "Em ước gì em có sức mạnh nào đấy, siêu năng lực nào đấy để làm bố mẹ không thể nói mình nữa, để bố mẹ hiểu mình hơn, biết lắng nghe mình. Điều đấy không thành sự thật, em cũng bị so sánh", Long chia sẻ.

Một lần làm Long nhớ nhất là vào năm lớp 6, em lỡ ném bút vào mắt 1 bạn. Lúc đấy, em tưởng bạn không có vấn đề gì, nhưng sau đó bạn gục đầu xuống bàn khóc. Trong đầu em nghĩ "thôi, xong rồi". Một phần em lo cho bạn, phần nữa sợ bố mẹ biết chuyện sẽ nói mình thậm tệ, như mỗi lần em làm điều gì dại dột.

"Ví dụ bố mẹ thường nói: Mày ngu như con lợn; Mày dại lắm con ạ. Nghĩ đến điều đấy em càng không muốn để bố mẹ biết chuyện. Nhưng chuyện gì đến cũng đến. Mẹ biết chuyện, đến trường trong sự tức giận mà nói to đến nỗi tất cả phụ huynh và học sinh đều nghe thấy. Trong đầu em nghĩ là: Chắc mọi người nghĩ thằng này chẳng ngoan ngoãn gì. Em chỉ muốn đào một cái hố nhảy xuống. Nhưng mà em vẫn phải nhắm mắt, cắn răng chịu đựng ngồi ở trên xe", nam sinh nhớ lại.

Long cho biết, có những lúc em nghĩ bố mẹ mình không phải là bố mẹ ruột. Em nghĩ bố mẹ ruột em chắc sẽ trân trọng và yêu quý em hơn nhiều. Khi ở nhà chỉ 4 bức tường, em không biết chia sẻ với ai, không có ai lắng nghe. Kể cả bố mẹ, nếu có nói chuyện cũng chỉ là cuộc nói chuyện ngắn, không đọng lại gì. Em cũng không thích ở nhà nhiều. Ở nhà và ở ngoài, Long là hai con người khác nhau. Đến lớp thì hăng hái phát biểu, nghịch ngợm hơn, đến mức cô phải gọi về nhà. Nhưng mẹ Long nói: Không, cháu ở nhà ngoan lắm. Vì ở nhà em đâu được là chính mình.

Và Long sẽ mãi cô đơn trong gia đình của mình nếu không gặp được cô giáo Mai Thuỷ, giúp em có động lực nói lên câu chuyện của mình.

Cô giúp em viết những bức thư gửi cho bố mẹ, để cho em và các bạn trong lớp có thể kết nối với bố mẹ nhiều hơn. Trong thư, Long viết rõ mong bố mẹ có thể hiểu em hơn. Từ đó, mối quan hệ giữa hai bên cũng tích cực hơn.

"Điều em muốn nói với các bậc phụ huynh là đừng so sánh con mình với con nhà người ta. Lúc đấy, bọn con sẽ cảm thấy rất khó chịu, bị tổn thương. Bố mẹ hãy chọn cách lắng lại, nói chuyện với con, tâm sự với con để hiểu con hơn. Em muốn là chính mình, em muốn được bố mẹ yêu thương", Long nhắn nhủ.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, khi bố mẹ so sánh con với người khác và cho rằng con không bằng ai đó, con có thể cảm thấy bị tổn thương cũng như thất vọng vì không đáp ứng được kỳ vọng và tiêu chuẩn mà bố mẹ đặt ra.

Nếu con không hiểu rõ và không thể đạt được những tiêu chuẩn đó, con sẽ dần mất đi tự tin và tự đánh giá mình thấp hơn. Điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển tổng thể của con. Không chỉ vậy, từ những câu so sánh đó, con cũng có thể mang trong lòng sự ghen tị và đố kỵ với "con nhà người ta".

Nhiều cha mẹ khi đưa con đến gặp chuyên gia với suy nghĩ chữa một tổn thương tâm lý cũng đơn giản như chữa một vết thương trên cơ thể. Nhưng cách duy nhất có thể giúp bọn trẻ là cha mẹ phải học cách kết nối được với con, học cách hiểu và tôn trọng con, học cách giúp con phát triển được giá trị của bản thân. Khi đứa trẻ cảm thấy bất hạnh và vô giá trị trong ngôi nhà, rất có thể trẻ sẽ có hành vi tiêu cực.

Là cha mẹ, việc đặt kỳ vọng vào con cái là điều dường như khó tránh khỏi. Nhưng thực tế, khi so sánh con cái, chúng ta cũng nên suy ngẫm xem: Mình có tốt bằng cha mẹ người khác không? Liệu con cái chúng ta có so sánh chúng ta với cha mẹ các bạn cùng lớp không? Từ đó hiểu hơn cảm giác của con mình.

Nếu muốn so sánh thì bạn nên so sánh với chính con, chỉ cần lần này làm tốt hơn lần trước thì bạn có thể khen con nhiều hơn hoặc khen thưởng xứng đáng. Điều này sẽ khiến con bạn thực sự quan tâm đến thành tích của mình và làm việc chăm chỉ hơn một cách tự nguyện.

Theo Phụ nữ mới
https://phunumoi.net.vn/tung-tuyet-vong-vi-bi-so-sanh-nam-sinh-gap-buoc-ngoac-giup-thay-doi-tich-cuc-nhan-nhu-loi-gan-ruot-den-cac-bac-phu-huynh-d297878.html
Copy Link
https://phunumoi.net.vn/tung-tuyet-vong-vi-bi-so-sanh-nam-sinh-gap-buoc-ngoac-giup-thay-doi-tich-cuc-nhan-nhu-loi-gan-ruot-den-cac-bac-phu-huynh-d297878.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từng tuyệt vọng vì bị so sánh, nam sinh gặp "bước ngoặt" giúp thay đổi tích cực: Nhắn nhủ lời gan ruột đến các bậc phụ huynh