Hai ngày cuối tuần, 4 đợt thi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là kỳ tuyển sinh đầu vào của những trường THPT chuyên và trường THCS&THPT được coi là có tiếng ở thủ đô. Để tìm được tấm vé vào trường, mỗi thí sinh sẽ phải vượt qua nhiều bạn cùng trang lứa.
Sau khi chở con bằng xe máy vượt qua quãng đường 20km, chị Nguyễn Thị Phương ở Thanh Trì, Hà Nội thảng thốt khi nhìn lượng phụ huynh, học sinh chen chân tại khu nhà Khoa Toán tin, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, một trong 4 điểm thi tuyển sinh lớp 6 của Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy (đây là trường trực thuộc và nằm trong khuôn viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Con trai chị Phương nhìn dòng người cũng vội vã nắm chặt tay mẹ vì sợ lạc. “Tôi đăng kí cho con xét tuyển vào lớp 6 Trường THCS Chu Văn An, trường chất lượng cao của huyện Thanh trì và thi vào Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Nguyện vọng của gia đình là con được học ở Trường THCS Chu Văn An, còn Trường Nguyễn Tất Thành là cho con thử sức”, chị Phương nói và chia sẻ thêm dù tâm đắc với phương pháp đào tạo, môi trường giáo dục ở Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành nhưng nếu con đủ điểm đỗ, gia đình cũng không có điều kiện đưa đón.
Theo TS Phạm Sỹ Cường, Hiệu Trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, năm nay có 5.555 thí sinh đăng kí dự thi, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 là 270, tỷ lệ chọi là 1/20,5. Tỷ lệ này thấp hơn năm 2023 (1/24). Dư luận cho rằng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam năm nay không được tuyển sinh lớp 6 nên nhiều phụ huynh chọn rẽ sang Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. Chính điều này tạo áp lực cho nhà trường và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, ông Cường khẳng định bằng kỳ thi đánh giá năng lực, nhà trường đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai để tuyển được những học sinh phù hợp.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT chuyên như Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên), Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ) đều trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội được tổ chức trong 2 ngày cuối tuần qua cũng ghi nhận có hàng nghìn thí sinh dự thi. Trong đó, tỷ lệ chọi ở Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ dao động từ 1/6 - 1/7, trong đó, có lớp chuyên Pháp, tỷ lệ chọi là 1/10. Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển sinh 140 chỉ tiêu nhưng có 1.509 thí sinh dự thi. Lớp chuyên Văn có tỷ lệ chọi là 1/13; lớp chuyên Sử tỷ lệ chọi là 1/9; lớp chuyên Địa lí tỷ lệ chọi là 1/7. Ở Trường THPT Chuyên Tự nhiên, tỷ lệ chọi lớp Chuyên Toán: 1/7; chuyên Tin: 1/6,3; chuyên Lý: 1/5,8; chuyên Hoá: 1/6,6; chuyên Sinh: 1/3,5.
Bốn trường tổ chức thi vừa qua có khu vực tuyển sinh toàn quốc nên học sinh ngoại tỉnh đến dự thi cũng chiếm tỷ lệ đáng kể. Thí sinh ở các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cũng tham gia ứng thí.
“Nguyện vọng của người dân là chính đáng nhưng rõ ràng quan niệm về giáo dục đang sai. Phụ huynh chưa quan tâm đến việc phát triển năng lực, tâm lí, khả năng của con mà chỉ quan tâm cho con vào trường tốt”. TS Nguyễn Tùng Lâm
Sai ở đâu?
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi: Cùng trên địa bàn Hà Nội, tuyển sinh vào lớp 6 tại sao có một số trường lại tổ chức thi mà không có sự chỉ đạo, quản lí thống nhất? Từ hiện tượng tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng, ông Lâm cho rằng có thể thấy tâm lí của phụ huynh vẫn nặng về việc tìm môi trường tốt để cho con học tập. Thực tế, không thiếu trường mà là cần trường tốt. “Điều này đang bộc lộ vấn đề bất cập của giáo dục hiện nay là không phát hiện năng lực của học sinh, chỉ tập trung vào điểm số, vào cơ hội trúng tuyển ở bậc học cao hơn”, ông Lâm nhấn mạnh và cho rằng thực tế chất lượng đào tạo giữa các trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội không quá cách xa về chất lượng. Nhưng tâm lí của phụ huynh là trường tốt, con sẽ tốt đã dẫn đến tình trạng đổ xô vào một số trường điểm, trường top. “Nguyện vọng của người dân là chính đáng nhưng rõ ràng quan niệm về giáo dục đang sai. Phụ huynh chưa quan tâm đến việc phát triển năng lực, tâm lí, khả năng của con mà chỉ quan tâm cho con vào trường tốt”, ông Lâm nói.
Ghi nhận cho thấy bản thân phụ huynh cũng không biết một cách chắc chắn trường nào có chất lượng tốt. Họ chỉ nghe thông tin từ bạn bè, từ những phụ huynh khác..., thấy trường nào đông học sinh đăng kí thì mình cũng cố đăng kí cho con dự thi. Điều này đã dẫn đến tình trạng trong khi một số trường không phải thi, đúng tuyến vẫn không đủ chỉ tiêu, thì một số trường khác cách xa cả chục, cả trăm cây số, chen chúc đi thi và hồ sơ đăng kí vẫn chất cao như núi.
Khi được chia sẻ những trường “top” trong mắt phụ huynh nếu không tổ chức thi thì cũng chưa tìm ra giải pháp xét tuyển như thế nào vì cả nghìn học bạ giống nhau, TS Nguyễn Tùng Lâm thừa nhận đây là bài toán khó cho các trường. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quan điểm, cơ quan quản lí nhà nước từ Sở GD&ĐT cho tới Bộ GD&ĐT cần phải tìm giải pháp để hạ nhiệt những kì thi tuyển sinh đầu cấp ở phổ thông hiện nay.