Ông Park chỉ kiên nhẫn 45 phút với màn trình diễn nghèo nàn của các học trò. Đến phút 46, ông thay vào sân Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức. Phút 58, đến lượt Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức. Tuyển Việt Nam có hơn nửa giờ đồng hồ để chơi bằng đội hình mạnh nhất của mình, ít nhất là ở khía cạnh tấn công.
Singapore gần như chỉ tập trung phòng ngự, nên ông Park cũng khỏi bận tâm lo cho tuyến dưới của tuyển Việt Nam. Mọi điều chỉnh được dồn cho hàng công, ngay cả khi Hồ Tấn Tài thay thế Vũ Văn Thanh đã dính thẻ vàng, đấy cũng là một phương án gây sức ép ở biên ráo riết.
Nhưng đổi lại, chúng ta có gì? Một điểm sáng duy nhất là cú sút xa của Hoàng Đức, bóng dội cột dọc trong tình huống hiếm hoi 2 cầu thủ đánh chặn phía Singapore không hiểu ý nhau, cùng lùi và lộ ra khoảng trống. Còn lại, chỉ là những cơ hội không rõ rệt và nhanh chóng vụt qua.
Thứ hiển hiện rõ nhất ở Jalan Bessar tối qua là một Singapore chủ động trong việc giữ thành, còn tuyển Việt Nam tấn công tuyệt vọng vì mất nhịp.
Nhịp của trận đấu không phải là thứ mà cứ nhân lực mạnh là sẽ tạo được ra. Nó phải được xây dựng xuyên suốt từ đầu trận, dựa trên sự ăn ý, mềm mại của các vị trí trên sân. Khi đã không có cái nhịp ấy, kể cả Hoàng Đức, Quang Hải là các chuyên gia “giữ phách” nhưng vào sân giữa chừng cũng khó giúp đồng đội vận hành.
Thế nên cũng đừng quá thất vọng khi Tiến Linh chẳng thể có một cú đánh đầu trúng đích, Phan Văn Đức chỉ xách xe chạy vòng ngoài, hay cặp đôi Hải – Đức không tìm thấy nhau một lần nào như đã từng làm chết lặng Malaysia.
Người Singapore kỷ luật và nhẫn nại lấy đi của chúng ta cả sự chính xác lẫn sự thăng hoa. Chúng ta vì thế cũng nên dành sự tôn trọng cho đối thủ, bên cạnh tự vấn năng lực của mình.
Ngày 3/1/2023, trận gặp Myanmar sẽ là cơ hội cuối để thầy Park tìm thêm những phương án B hoặc xa hơn nữa cho tuyển Việt Nam trước khi AFF Cup bước vào bán kết. Chúng ta đang nắm trong tay lợi thế mười mươi để qua vòng bảng, nhưng bài toán lực lượng và các miếng đánh dự phòng chắc chắn sẽ khiến HLV Park Hang-seo không thể ngủ yên.