Chiến dịch này là một trong những yếu tố chính khiến phương Tây xúc tiến cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine, trong đó có tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất.
Trong phần lớn thời gian còn lại của năm 2023, nhiều cuộc tấn công trên không của Nga vào Kiev đã bị đánh chặn thành công. Đến đầu năm 2024, mọi thứ lại diễn biến rất khác, theo The Kyiv Independent.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hàng loạt của Nga tuy ít thường xuyên nhưng lại có sức tàn phá lớn hơn nhiều khi mà Ukraine đã dần cạn kiệt đạn dược cần thiết để cung cấp cho các hệ thống phòng không.
Minh chứng rõ nhất cho điều này là vụ Nhà máy Nhiệt điện Trypillia ở TP Ukrainka (tỉnh Kiev) bị phá hủy hoàn toàn hồi 11-4 vừa qua.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 16-4, ông Zelensky đã nói rõ lý do tại sao 4 trong số 11 tên lửa Nga bắn vào nhà máy lại không bị đánh chặn.
"Tại sao? Bởi vì chúng tôi không còn tên lửa [phòng không] nào cả. Chúng tôi đã dùng hết tất cả tên lửa sẵn có bảo vệ nhà máy Trypillia rồi" - ông nói.
Các thành phố khác của Ukraine có ít hệ thống phòng không hơn Kiev thậm chí còn ở tình trạng tồi tệ hơn. Thị trưởng TP Kharkiv - ông Ihor Terekhov ngày 17-4 cảnh báo TP Kharkiv có nguy cơ bị san bằng nếu không được cung cấp thêm các hệ thống phòng không.
Một đường dây điện cao thế bốc cháy ở tỉnh Kharkiv (Ukraine) ngày 22-3 sau khi trúng không kích. Ảnh: REUTERS
Nga gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Kharkiv bằng tên lửa, bom lượn và UAV, nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự trong khu vực. Các cuộc tấn công hồi tháng 3 của Nga đã gây thiệt hại nặng nề cho DTEK (công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine), khiến công ty này mất 80% công suất nhà máy.
Ngày 23-4, nhà điều hành năng lượng quốc doanh Ukrenergo của Ukraine cho biết nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu điện do Nga tấn công vào hệ thống năng lượng, buộc công ty này phải tạm thời hạn chế cung cấp điện cho các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp.
Nhân lực
Không có dữ liệu công khai về số quân Ukraine thiệt mạng trên chiến trường trong lúc dự luật viện trợ của Washington đang bị kẹt lại ở quốc hội Mỹ, nhưng ông Zelensky hồi tháng 2 cho biết rằng tổng số lính thiệt mạng kể từ khi bắt đầu chiến sự là khoảng 31.000 người.
Phần mình, phía Nga mấy tháng gần đây cũng liên tục công bố số binh sĩ Ukraine bị hạ trong các trận chiến ở các tỉnh miền đông, nam. Đặc biệt là ở các TP chủ lực như Lyman, Bakhmut, Avdiivka (Donetsk), hay các mặt trận lớn ở Kharkiv, Kherson, Zaporizhia.
Theo bản cập nhật tình hình chiến sự hằng ngày mà Bộ Quốc phòng Nga công bố, mỗi ngày các lực lượng Moscow đều hạ hàng trăm binh sĩ, có ngày lên hơn 1.000 binh sĩ Ukraine.
Có thể thấy con số thương vong là vô cùng lớn.
Phía Ukraine chưa bao giờ khẳng định các con số mà phía Nga đưa ra, tuy nhiên gần đây Tổng tư lệnh quân đội Ukraine - ông Oleksandr Syrskyi cũng thừa nhận tình hình tiền tuyến đã "xấu đi đáng kể”.
Ukraine cũng đang cấp tập nỗ lực bổ sung lực lượng chiến đấu đang kiệt quệ trên chiến trường, vốn đang phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga, theo tờ The New York Times.
Ngày 23-4, Ukraine cho biết đã đình chỉ các dịch vụ lãnh sự đối với những công dân nam trong độ tuổi đi nghĩa vụ nhưng đang sinh sống ở nước ngoài không chịu trở về Ukraine để phục vụ đất nước trong cuộc chiến với Nga, theo hãng tin Reuters.
Có thể thấy rằng Ukraine hiện nay đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt binh sĩ chiến đấu, và tình trạng này đang ngày càng cấp bách hơn, buộc chính phủ phải áp các biện pháp mạnh cũng như ưu đãi để kêu gọi công dân nhập ngũ.