RBC Ukraine dẫn một nguồn tin cho biết, không dễ để các tàu USV “cảm tử” có thể đến được chân cầu Crimea nhưng chúng đã hoàn thành nhiệm vụ.
Các quan chức Ukraine dù lên tiếng “ăn mừng” việc cầu Crimea bị phá hoại nhưng không đưa ra bất cứ xác nhận sự tham gia trực tiếp nào về vụ tấn công đêm 16/7.
Ông Andrey Yusov, phát ngôn viên của Cơ quan tình báo Ukraine trong một tuyên bố mới nhất cho rằng, cầu Crimean là một “công trình dư thừa” nhưng từ chối giải thích chi tiết.
Trước đó, vào sáng 17/7, với Thống đốc Crimean Serge Aksyonov thông báo giao thông qua cầu Crimea sẽ bị tạm ngưng do “sự cố khẩn cấp” nhưng không nói rõ nguyên nhân.
Trong khi đó Thống đốc vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết một cặp vợ chống đến từ Belgorod đã thiệt mạng vào thời điểm xảy ra sự cố trên cầu Crimea, con gái của họ cũng bị thương nặng.
Bộ giao thông Vận tải Nga cho biết, một dầm cầu đã bị hư hại sau sự cố, phần trụ cầu vẫn còn nguyên vẹn.
Theo Bộ giao thông Vận tải Nga phần trụ cầu vẫn còn nguyên vẹn sau vụ tấn công.
Tháng 10/2022, từng xảy ra một vụ nổ lớn xảy ra trên cầu Crimea khiến hai nhịp cầu bị sập xuống biển. Lửa từ vụ nổ lan sang đoàn tàu chạy ở làn đường sắt bên cạnh gây ra đám cháy lớn. Ít nhất ba người thiệt mạng trong vụ nổ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ việc là tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự của Nga. Một tuần sau vụ tấn công, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố Tổng cục Tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau vụ nổ.
Mới đây, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết Kiev đã thực hiện cuộc tấn công cầu Crimea vào năm ngoái.
Cầu Crimea, hay còn gọi là cầu Kerch, dài 19 km, nằm trên eo biển giữa biển Đen và biển Azov, được Nga xây dựng sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Đây được coi là tuyến đường trọng yếu kết nối bán đảo với đất liền Nga.