Gánh nặng mưu sinh đè nặng xuống đôi vai chị Hạnh bởi mọi chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của cả nhà đều một tay chị phải lo liệu. Mẹ chồng đã già yếu, các con đang độ tuổi học hành, vậy mà mỗi phiên chợ, người phụ nữ làng biển ấy chỉ kiếm được vài trăm nghìn...
Quỳnh Mai và cậu em trai út 5 tuổi. |
Quỳnh Mai chia sẻ, hơn một năm qua nữ sinh yên tâm đến trường tìm “con chữ” là nhờ những tấm lòng thảo thơm, trong đó có quỹ Thiện Tâm tài trợ. “Em cũng may mắn được quỹ Thiện Tâm tài trợ với mức 700.000 đồng/tháng nhờ vào thành tích đạt học sinh giỏi nhiều năm liên tục”, Mai bộc bạch.
Nỗ lực vượt khó, không ngừng vươn lên, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Mai xuất sắc giành được 26,7 điểm. Trong đó, Toán được 8,2 điểm, Hóa: 9 và Sinh được 9,5 điểm, nếu cộng cả điểm ưu tiên, nữ sinh xứ Thanh đạt trên 27 điểm. Quỳnh Mai cũng xuất sắc giành giải Ba môn Sinh tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022 - 2023.
Với mức điểm này, Quỳnh Mai đăng ký xét tuyển vào ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Được học trường Y và trở thành bác sĩ là ước mơ cô nữ sinh này ấp ủ từ suốt cả tuổi thơ. Nhưng nghĩ về hành trình sắp tới, khuôn mặt nữ sinh xứ Thanh lộ rõ vẻ lo lắng. Bởi, ngành Y không chỉ có thời gian đào tạo dài mà học phí cũng khá đắt đỏ. Đây là vấn đề nan giải với hoàn cảnh vốn dĩ đã khó khăn như gia đình Quỳnh Mai.
“Em hy vọng sẽ tiếp tục được quỹ Thiện Tâm tài trợ để theo đuổi ước mơ của mình. Khi vào đại học, em tính sẽ đi làm thêm để trang trải chi phí học hành, giảm bớt gánh nặng cho mẹ”, nữ sinh bộc bạch. Suy nghĩ đi đôi với hành động, Quỳnh Mai đã gửi hồ sơ xin làm thời vụ cho một công ty may gần nhà để tích cóp dần khoản tiền phải trang trải cho việc học hành sắp tới. Thế nhưng, do công ty không nhận lao động thời vụ nên nữ sinh đành ở nhà phụ mẹ việc nhà và chăm sóc các em.
Ông Nguyễn Văn Dân - Trưởng thôn Chiến Thắng (xã Ngư Lộc) cho biết: Gia đình nữ sinh Quỳnh Mai thuộc diện hộ nghèo, khó khăn tại địa phương. Bố em mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ em là lao động chính trong nhà nhưng không có nguồn thu nhập ổn định, bà nội em đã già yếu, sau Mai còn ba đứa em... Chính quyền địa phương đã miễn nhiều khoản đóng góp, đồng thời cử cán bộ thường xuyên tới thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua khó khăn”.
“Khi bố em mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi tuổi còn trẻ thì ước mơ thi đỗ vào trường Y lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Với em, đây là ngành nghề giàu lương tâm và thực sự ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị cho xã hội”, Mai tâm sự.