Kinh giới là loại rau gia vị rất tốt cho sức khoẻ, vậy uống nước lá kinh giới có tốt không?
Kinh giới là cây gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, kinh giới (tên khoa học là Elsholtzia cristata), nguồn gốc ở châu Á, hay mọc ở khu vực nhiều nắng, thân dạng hình vuông, mọc thẳng, chiều cao khoảng 30 - 50cm. Hoa của loài cây này mọc thành cụm ở đầu cành, kích thước nhỏ, màu tím nhạt. Toàn thân kinh giới đều có mùi thơm, vị hơi cay vì nhiều tinh dầu.
Uống nước lá kinh giới có tốt cho sức khoẻ?
Uống nước lá kinh giới đúng cách cơ thể bạn sẽ nhận được những lợi ích dưới đây:
Phòng ngừa lão hóa
Rosmarinic là chất trong rau kinh giới tác dụng chống oxy hóa tương đối mạnh mẽ, nhờ đó mà nó đẩy lùi và phòng ngừa các dấu hiệu lão hóa, mang lại sức sống cho làn da.
Làm sạch đường hô hấp
Flavonoid, carvacrol và tecpen ở cây kinh giới, tác dụng tan đờm, trị ho, tống đờm ra khỏi phổi và phòng ngừa ung thư phổi. Không những thế, các chất này còn giảm nguy cơ nhiễm trùng xoang nên rất tốt đối với đường hô hấp.
Kháng khuẩn
Tinh dầu trong kinh giới tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Escherichia coli và Pseudomonas aeruginosa - tác nhân gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, lá kinh giới còn có thể chống lại 23 loại vi khuẩn khác nhau. Do đó, ăn rau kinh giới vừa giúp cơ thể tăng đề kháng vừa ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn.
Giảm viêm
Khi cơ thể bị tổn thương hay mắc bệnh lý nào đó có thể xuất hiện phản ứng miễn dịch bình thường là tình trạng viêm nhiễm. Điều đáng nói là viêm mãn tính dễ tác động tới sự tiến triển của một số bệnh như: tim, bệnh tự miễn, tiểu đường. Kinh giới giàu chất chống oxy hóa nên sẽ giảm được tình trạng viêm và trung hòa gốc tự do.
Tốt cho tim mạch
Kali trong kinh giới tác dụng kiểm soát nhịp tim và huyết áp. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa từ kinh giới còn phòng ngừa yếu tố gây ra bệnh tim là stress oxy hóa.
Hỗ trợ tiêu diệt ký sinh trùng gây hại cho đường ruột
Carvacrol và Thymol trong cây kinh giới có thể tiêu diệt các loại ký sinh trùng gây hại cho đường ruột như sán, giun,... để bảo vệ hệ tiêu hóa, giúp làm dịu triệu chứng khó tiêu và đau do rối loạn dạ dày. Đối với phụ nữ, loại rau gia vị này còn giúp xoa dịu cơn đau bụng trong kỳ kinh.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây kinh giới
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời DS. Đỗ Bảo chỉ ra một số bài thuốc chữa bệnh của cây kinh giới như sau:
1. Chữa cảm, sốt, cúm, nhức đầu: Toàn kinh giới 10g, lá tía tô 6g, cam thảo đất 6g, kim ngân 8g, sài hồ nam hoặc cúc tần 6g, mạn kinh tử 4g, gừng 3 lát. Sắc uống.
2. Chữa đau thắt lưng, tê thấp: Kinh giới, huyết đằng, trinh nữ, mỗi vị 16g; nam tục đoạn, thổ phục linh mỗi vị 20g; ngải diệp 12g; thỏ ty tử, cẩu tích, ngũ gia bì, quế chi, thiên niên kiện mỗi vị 10g. Sắc uống.
3. Chữa cảm phong hàn, đau mình: Kinh giới 12g, đậu đen (sao thơm) 16g, nam tục đoạn 16g, trinh nữ 16g, ngũ gia bì 16g, ngải diệp 12g, quế chi 8g, kiện 10g, thổ phục linh 16g. Sắc uống.
4. Chữa trẻ nhỏ lên sởi, ho và sốt kéo dài: Kinh giới 8g, lá xương sông 8g, mã đề 8g, mộc thông 8g, địa cốt bì 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
5. Chống viêm, chống xuất tiết, chống phù nề, trị viêm mũi dị ứng: Kinh giới 16g, cây cứt lợn 12g, nam hoàng bá 16g; phòng phong, bán hạ, xuyên khung, bạch chỉ, trần bì mỗi vị 10g; cát cánh, cam thảo mỗi vị 12g. Sắc uống.
6. Chữa mụn nhọt sưng đau: Toàn kinh giới 12g, thương nhĩ tử 12g, vòi voi 12g, liên kiều 12g, cỏ mần trầu 10g, kim ngân hoa 10g, hạ khô thảo 10g, bồ công anh 8g. Sắc uống.
7. Chữa dị ứng, mẩn ngứa ngoài da do huyết nhiệt: Kinh giới, ngân hoa, lá đinh lăng, nam hoàng bá mỗi vị 12g, cam thảo đất 16g, hạ khô thảo 16g, nam bạch chỉ 16g, chi tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
8. Chữa viêm họng: Kinh giới tuệ 12g, nhân hạt gai dầu 12g, tán nhỏ, trộn với mật hoàn viên, ngậm hàng ngày, mỗi ngày 2 - 4 viên.
9. Viêm thanh quản, ho, khàn tiếng, mất tiếng: Kinh giới, đậu đen (sao thơm), xương bồ, cát cánh, cát căn, mỗi vị 16g; huyền sâm, ngũ vị, bạch thược mỗi vị 12g; trần bì 10g; đại táo 5 quả. Sắc uống.
10. Chữa đại tiện ra máu: Kinh giới tuệ phối hợp với hoa hòe lượng bằng nhau sao đen, tán nhỏ, uống mỗi lần 12g với nước sắc lá bạc hà, ngày 2 - 3 lần.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng cây kinh giới
Về cơ bản, cây kinh giới có nhiều tác dụng với sức khỏe, nhưng không phải mọi trường hợp dùng thảo dược tự nhiên này đều đạt được công dụng như nhau. Có người dùng kinh giới và thấy tác dụng nhanh chóng nhưng lại có người thấy hiệu quả khá chậm.
Một số người dùng kinh giới để làm trắng da hoặc trị mụn có thể gặp phản ứng như: ngứa, sưng, đỏ da hoặc bị mụn trầm trọng hơn. Nếu gặp tình trạng này cần dừng ngay việc dùng thảo dược kinh giới. Ngoài ra, các trường hợp sau cũng được khuyến cáo không nên dùng loại rau này:
- Ra mồ hôi không thể cầm được (Đông y gọi là biểu chứng dương hư).
- Đau nhức đỉnh đầu xuất phát từ yếu tố âm hư hỏa vượng chứ không phải do ngoại cảm.
Mặc dù kinh giới nhiều công dụng trong việc bảo vệ sức khỏe con người nhưng không đồng nghĩa với việc lạm dụng nó mà chỉ nên dùng với lượng vừa đủ. Để tránh gặp phải tác dụng phụ, không nên dùng chung kinh giới với cá lóc, thịt lừa và cua biển.