Ưu tiên các công trình về Giáo dục và Đào tạo

PV | 14/11/2022, 12:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, có một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai.

Trước hết, tôi xin nhắc lại một quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển giáo dục đã được quy định trong Nghị quyết 29 như sau: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Một trong những điều kiện để GD&ĐT là quốc sách hàng đầu là phải có sự đầu tư hàng đầu với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư ở đây không phải chỉ là đầu tư về nguồn lực tài chính và nguồn lực con người mà còn là đầu tư về chính sách, trong đó chính sách đất đai đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Với quan điểm như vậy, tôi có một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như sau:

Về chính sách Nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai

Về vấn đề này, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng giao đất để mở trường, phát triển GD&ĐT, không chỉ góp phần nâng cao giá trị của đất mà còn là một kênh đầu tư quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Bài học được nhắc đến nhiều nhất là Luật cấp đất cho trường học của Mỹ, được ban hành lần đầu vào năm 1862 và được không ngừng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung từ đó đến nay.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, chính chính sách đất đai này là bệ phóng để hệ thống trường đại học được cấp đất góp phần quan trọng vào đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng để Mỹ trở thành siêu cường kinh tế. Vì thế, tôi đề nghị bổ sung vào khoản 5 Điều 10 như sau: Phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất, phát triển công trình ngầm, công trình trên đất theo quy hoạch, ưu tiên các công trình về giáo dục và đào tạo.

Ưu tiên các công trình về Giáo dục và Đào tạo ảnh 1

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa.

Về vấn đề giao đất hay cho thuê đất; sử dụng đất đối với các cơ sở giáo dục công lập

Thứ nhất, về giao đất hay cho thuê đất đối với các cơ sở công lập.

Hiện có một nghịch lý về chính sách đối với vấn đề này là: Các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm các khoản chi thì được giao đất, còn các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm các khoản chi thì phải đóng tiền thuê đất. Nghịch lý là ở chỗ các cơ sở tự bảo đảm các khoản chi, tức là các cơ sở không nhận một đồng nào từ ngân sách lại phải đóng thêm tiền vào ngân sách thông qua tiền thuê đất.

Cơ sở giáo dục công lập không phải là cơ sở kinh doanh; nguồn thu chủ yếu từ cơ sở để tự bảo đảm mọi khoản chi là từ học phí; đây là một khoản đáng kể trong bối cảnh thu nhập theo đầu người của Việt Nam còn thấp. Ngay ở những nước có thu nhập cao thì học phí cũng chỉ đóng góp một phần vào nguồn thu của nhà trường, phần còn lại là từ ngân sách nhà nước, với quan điểm giáo dục chủ yếu là một lợi ích công.

Vì thế, việc quy định nhà trường công lập, nếu đã tự bảo đảm mọi khoản chi, thì phải nộp tiền thuê đất là một quy định không chỉ hạn chế động lực tự chủ của nhà trường mà còn tạo thêm gánh nặng đóng góp của người học, tác động tiêu cực đến sự phát triển của giáo dục. Tôi đề nghị xem xét bỏ quy định này tại khoản 1k Điều 38.

Ưu tiên các công trình về Giáo dục và Đào tạo ảnh 2

Cơ sở giáo dục công lập không phải là cơ sở kinh doanh và nguồn thu chủ yếu từ cơ sở để tự bảo đảm mọi khoản chi là từ học phí. Ảnh minh họa.

Thứ hai, hiện nay để phát huy quyền tự chủ đại học, Luật Giáo dục Đại học quy định tại Điều 67 như sau: “Cơ sở giáo dục đại học công lập được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục”.

Quy định này thực ra không chỉ áp dụng đối với cơ sở GDĐH công lập mà áp dụng chung đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo các Điều 55, 56, 57 và 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, đất và tài sản gắn liền với đất nếu chưa sử dụng hết công suất thì được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đây là những quy định rất quan trọng để phát huy quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động của mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này hiện còn rất khó khăn do chưa được làm rõ trong pháp luật về đất đai. Hiện, các quy định trong Dự thảo về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước sử dụng đất mới chỉ đề cập đến quyền của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (Điều 43) và đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm (Điều 44).

Quyền của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung chưa được đề cập đến, vì vậy cần xem xét làm rõ quyền của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nếu chưa sử dụng hết công suất, thì được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Ưu tiên các công trình về Giáo dục và Đào tạo ảnh 3

Cần có quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở ngoài công lập được nhà nước giao đất. Ảnh minh họa.

Về người sử dụng đất là đơn vị sự nghiệp ngoài công lập

Ở nước ta, để khắc phục mâu thuẫn cơ bản giữa một bên là yêu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực dịch vụ công với một bên là sự hạn hẹp của ngân sách nhà nước, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dịch vụ công.

Văn bản pháp lý đầu tiên là Nghị quyết 90-CP ngày ngày 21 tháng 8 năm 1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, trong đó chính sách đất đai đã được đề cập đến trong phạm vi chính sách khuyến khích xã hội hóa. Từ đó đến nay suốt hơn 35 năm đổi mới, chính sách xã hội hóa không ngừng được điều chỉnh, bổ sung, cập nhật để hình thành hệ thống các cơ sở ngoài công lập ngày càng góp phần tích cực vào việc cung ứng các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường có chất lượng đến người dân.

Chính sách khuyến khích xã hội hóa đã được thực tiễn xác nhận và vị trí, vai trò của các cơ sở ngoài công lập đã được khẳng định. Vì vậy, trong Dự thảo cần xem xét bổ sung ba nội dung sau.

Thứ nhất là trong liệt kê danh sách các người sử dụng đất cần bổ sung các cơ sở ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận (không thể đánh đồng các cơ sở này với các tổ chức kinh tế).

Thứ hai, cần luật hóa các chính sách về đất đai đã được áp dụng cho các cơ sở này suốt thời gian qua, mà cụ thể là chính sách sau đây: Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; có chính sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa đã tự thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (Khoản 3 Điều 4, NĐ 69 ngày 30 tháng 05 năm 2008 về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường).

Thứ ba, cần có quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở ngoài công lập được nhà nước giao đất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên các công trình về Giáo dục và Đào tạo