Theo Bộ trưởng, Quy chế phối hợp chính là định hướng để “hai bàn tay” - một bên là giám sát, hỗ trợ; một bên là thực thi, hiện thực hóa - sẽ “vỗ” nhịp nhàng nhưng vẫn phân định rõ bên phải - bên trái.
“Vẫn phân vai rõ ràng nhưng vẫn cùng nhau phối hợp. Quan trọng nhất là sự thấu hiểu, chia sẻ và cùng nhau vì tầm nhìn công việc”. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tin tưởng, công tác phối hợp giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ tốt trong tương lai, tạo ra động lực để giải quyết những vấn đề lớn của đất nước.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ ký kết. |
Theo Quy chế phối hợp làm việc được ký kết giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ GD&ĐT, phạm vi phối hợp giữa hai cơ quan sẽ bao gồm: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; trao đổi, cung cấp thông tin; phối hợp trong lĩnh vực hợp tác quốc tế của hai cơ quan.
Nguyên tắc phối hợp là căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, hai bên chủ động phối hợp thực hiện các quy định tại Quy chế. Đồng thời, bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi bên; đề cao sự phối hợp công tác, trao đổi, cung cấp thông tin trong giải quyết công việc trên nguyên tắc dân chủ, minh bạch và hiệu quả.
Nội dung phối hợp bao gồm: Phối hợp xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội; các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Phối hợp trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tham gia hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan.