Do đó, cần thiết xây dựng chương trình, SGK cho trẻ em khuyết tật, trong đó có tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên đang giảng dạy thực tế. Trong bối cảnh thực hiện Chương trình và SGK mới, bên cạnh việc giúp học sinh phát triển tối đa năng lực, năng khiếu riêng, cần có giải pháp cụ thể dành cho học sinh khuyết tật, bị hạn chế khả năng học tập.
Học hòa nhập tại Trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân), em Nguyễn Thùy Linh phản ánh: Hiện học sinh khiếm thị thiếu sách giáo khoa, sách bổ trợ bằng chữ nổi, file âm thanh, chữ phóng to cho học sinh nhìn kém. Đặc biệt, sách giáo khoa lớp 10 theo Chương trình mới chưa được in bằng chữ nổi hoặc chuyển sang định dạng dễ tiếp cận.
Chị Nguyễn Thị Bích Huệ, phụ huynh học sinh khiếm thị Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), bộc bạch: “Khi con học theo Chương trình GDPT 2018, tôi mất nhiều thời gian hơn khi phải đọc cho con nghe, quay và thu lại bài giảng. Nhưng dù con nghe đến 2, 3 lần cũng không hiệu quả bằng việc con tự đọc SGK chữ nổi. Do đó, tôi mong muốn sớm có SGK dành riêng cho học sinh khiếm thị”.
Còn đối với học sinh khiếm thính, TS Trần Thị Hiền Lương, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thông tin: Học sinh khiếm thính vẫn học môn Tiếng Việt theo chương trình và SGK của học sinh đại trà. Không có SGK riêng đã gây hạn chế trong quá trình đào tạo trẻ khuyết tật hiện nay.
Để giảm bớt khó khăn trong việc học tập cho học sinh khiếm thính, trước mắt cần điều chỉnh nội dung dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cho phù hợp với cách thức học đọc, học viết của các em. Sau đó, tiến hành biên soạn chương trình và tài liệu dành riêng cho học sinh khiếm thính, giúp các em học hiệu quả hơn.
Nhìn nhận vai trò của chương trình giáo dục dành cho trẻ khuyết tật, thầy Trần Lê Duy Khiêm, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất hiện nay là, số lượng cán bộ thực hiện xây dựng chương trình, SGK cho trẻ khuyết tật còn ít, chưa đủ mạnh; nguồn kinh phí đầu tư chưa nhiều; sự khác biệt giữa ngôn ngữ vùng miền, địa phương…
Cô trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). |
Do đó, rất cần đầu tư nguồn kinh phí cho việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho trẻ khuyết tật. Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên biệt xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho từng đối tượng trẻ khuyết tật. Đặc biệt, cần hoàn chỉnh sớm bộ ký hiệu ngôn ngữ thống nhất cho trẻ khiếm thính…
Trẻ khuyết tật có nhiều dạng, mỗi dạng khuyết tật chia ra mức độ nặng nhẹ khác nhau. Vì vậy, xây dựng chương trình, SGK phù hợp, gắn với thực tiễn và đồng bộ với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vô cùng cần thiết. Song song đó phải thiết kế đồ dùng học tập, trang thiết bị dạy học đặc thù; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để thực hiện chương trình, SGK, sử dụng thiết bị dạy học đặc thù. Việc này cần nhiều thời gian, nguồn nhân lực có chuyên môn đặc thù và kinh phí để thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể cho việc xây dựng chương trình, SGK cho trẻ khuyết tật. Trong đó rất cần sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên đang giảng dạy thực tế. Đồng thời, định kỳ tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục học sinh khuyết tật. Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng dạy hòa nhập ở từng dạng khuyết tật để từng bước nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện nay.
Cơ quan chức năng cần nghiên cứu việc ban hành Thông tư quy định vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc đối với các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập để làm cơ sở cho việc bố trí biên chế, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động; thực hiện tốt hơn chức năng hỗ trợ người khuyết tật tại cơ sở giáo dục, cộng đồng và gia đình…
Chia sẻ về chương trình, SGK cho trẻ khuyết tật, cô Nguyễn Nga cho biết thêm: Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 của ngành Giáo dục. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 là xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho trẻ em khuyết tật; hỗ trợ kinh phí cho trẻ em thuộc diện chính sách, trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Đây là thông tin rất vui cho các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Giáo dục và giáo dục hòa nhập là quyền của trẻ khuyết tật được pháp luật công nhận. Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 là cơ sở quan trọng trong xây dựng chương trình, biên soạn sách cho trẻ khuyết tật. Hy vọng sự vào cuộc của ngành Giáo dục, nhà xuất bản sẽ hoàn thiện chương trình, SGK theo Chương trình mới giúp giáo viên, học sinh khuyết tật dạy học thuận lợi, hiệu quả hơn.
Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội), cũng cho rằng, với các trường dành riêng cho trẻ khuyết tật, cần có chương trình giáo dục và SGK riêng, phù hợp với mỗi loại hình khuyết tật của học sinh. Như vậy, mới tạo cơ hội để các em học tập thuận lợi, mở mang hiểu biết, phát triển năng lực và sống hòa nhập với cộng đồng.