Giáo dục

Vận dụng nghệ thuật trừu tượng của họa sĩ Jackson Pollock - Cách sáng tạo trong dạy học tạo hình cho trẻ mầm non

PV 09/01/2025 09:45

Vận dụng phong cách nghệ thuật trừu tượng của họa sĩ Jackson Pollock vào dạy học tạo hình cho trẻ mầm non là một cách tiếp cận mới mẻ và đầy tiềm năng đối với các nhà giáo dục.


Kết quả đạt được là sự sáng tạo, sự hình thành và phát triển toàn diện cho trẻ em theo như mục tiêu của Chương trình Giáo dục mầm non đã đề ra.

Trong Chương trình Giáo dục mầm non được kèm theo Thông tư Số 01/VBHN-BGDĐT ban hành ngày 13/04/2021 đã đưa ra mục tiêu của Giáo dục mầm non như sau: "Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời." [1, tr1].

Áp dụng kỹ thuật "nhỏ giọt" trong những "bức tranh hành động" của họa sĩ Jackson Pollock vào dạy học tạo hình cho trẻ mầm non 2-4 tuổi

Trong một tuyên bố được công bố trên tạp chí tiên phong Possibilities số mùa đông năm 1947-1948, Pollock cho biết: "Tranh của tôi không đến từ giá vẽ. Tôi hiếm khi căng vải trước khi vẽ. Tôi thích dán vải chưa căng vào tường cứng hoặc sàn nhà. Tôi cần sức bền của bề mặt cứng. Trên sàn nhà tôi thoải mái hơn. Tôi cảm thấy gần gũi hơn, là một phần của bức tranh hơn, vì theo cách này, tôi có thể đi vòng quanh nó, làm việc từ bốn phía và thực sự ở trong bức tranh." [ 2, tr.1].

Những "bức tranh hành động" của Jackson Pollock đặc trưng bởi việc tạo ra dấu ấn bằng cử chỉ, nó khiến người xem hình dung ra một nghệ sĩ đang truyền trực tiếp vô thức của họ thông qua nhịp điệu di chuyển và sử dụng kỹ thuật "nhỏ giọt" màu lên canvas. Ông đặt tấm bạt lớn của mình trên sàn để có thể di chuyển khắp bốn phía quanh tác phẩm của mình sau đó sử dụng loại sơn rất lỏng, dễ dàng rơi-chảy theo kỹ thuật "nhỏ giọt" của mình. Pollock chuyển động cánh tay cùng với cơ thể liên tục trong quá trình sáng tác, trông giống như một điệu nhảy của họa sĩ.

Áp dụng kỹ thuật "nhỏ giọt" của Jackson Pollock trong dạy tạo hình cho trẻ mầm non không chỉ khuyến khích sự sáng tạo và còn giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy không gian, tăng cường khả năng vận động tay-mắt và tự tin chuyển động cơ thể. Các em bé được cầm-nắm vịt màu để bóp hút và bóp nhỏ giọt màu. Hoạt động này giúp phát triển vận động tinh cho ngón tay và bàn tay, thậm chí là cả cánh tay.

Trải nghiệm này không đòi hỏi trẻ phải tạo nên một tác phẩm hoàn thiện mà chú trọng tới việc các bé tự tin tiếp xúc với dụng cụ, với chất liệu khi bóp vịt đựng các màu cơ bản nhỏ giọt và chảy ra. Trẻ cũng cảm thụ được các màu sắc được hòa trộn khi nhỏ vào nhau và cảm nhận được chất liệu dạng lỏng khi tiếp xúc trong quá trình thực hiện. Điều này cũng phần nào giúp cho một số trẻ dần vượt qua cảm giác e sợ với chất lỏng, chất nhầy của đặc thù lứa tuổi.

image007.jpg
Trẻ thể hiện sự tự tin trong sáng tạo hình ảnh qua các bài học được thực hiện với các dụng cụ như cọ vẽ, bàn chải, vịt màu hay cả những ngón tay để tạo ra các giọt, các vệt màu trên tranh, gợi lên những cảm nhận về lớp, về không gian-chiều sâu hay những hình ảnh sống động.(Trẻ 0-2 tuổi trường Mầm non Little Opera Academy, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Ngọc Hà)
image009.jpg
Trẻ 3-4 tuổi trường Mầm non Little Opera Academy Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hà

Quá trình sáng tác các mẫu hình và hình ảnh bằng cách kiểm soát việc tạo ra các giọt màu giúp trẻ bắt đầu hiểu về mối liên kết giữa không gian 2D và 3D. Trẻ sẽ dần hình thành và phát triển tư duy không gian, hiểu được cách mà các chấm điểm, đường nét và hình dạng có thể tạo ra hình ảnh vô cùng đa dạng.

Những bài học sáng tạo bằng kỹ thuật "nhỏ giọt" là một cách tiếp cận đầy sáng tạo và kích thích sự phát triển toàn diện cho trẻ, từ tư duy không gian cho tới khả năng vận động cơ thể và sự tự tin trong bản thân trẻ nhỏ.

Vận dụng yếu tố màu sắc và nhịp điệu trong tranh trừu tượng của họa sĩ Jackson Pollock vào dạy học tạo hình cho trẻ mầm non 4-6 tuổi

Thứ nhất, màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc biểu hiện cảm xúc và ý nghĩa của các tác phẩm. Màu sắc trong tranh của Pollock không chỉ là yếu tố thẩm mỹ đơn thuần mà là ngôn ngữ truyền tải ý tưởng và cảm xúc của họa sĩ một cách sâu sắc.

Jackson Pollock tạo ra các tác phẩm với sự tương tác mạnh mẽ giữa các màu sắc khác nhau. Sự phối hợp của màu sắc tạo ra chiều sâu với các hình thức không định hình nhằm "mở cửa" cho sự tưởng tượng của người xem. Jackson Pollock thường sử dụng màu sắc một cách độc đáo và sáng tạo, không bị giới hạn bởi bất kỳ quy tắc nào.

Ông sử dụng một cách tự nhiên và tự do để tạo ra các tác phẩm đầy sức sống và vô cùng năng động. Pollock thường pha trộn các màu sắc với nhau, chồng chéo nhiều tầng- lớp màu sắc, trải dài các dải màu khiến cho bức tranh trở nên chuyển động và năng động.

Thao tác nhỏ giọt màu không đơn giản chỉ là hút màu từ khay và nhỏ màu trên giấy. Từ việc lựa chọn thứ tự màu tới việc nhỏ giọt vào vị trí nào, ở khoảng trống hay chồng lên lớp màu đã tạo ra ở trước, đây là cả một quá trình có suy tính và lựa chọn của mỗi đứa trẻ. Nhận định này có xác thực không? Câu hỏi này hoàn toàn có lí. Bởi một em bé 2 đến 3 tuổi có thể là còn rất non nớt trong việc suy nghĩ và nhận biết xem mình muốn gì, mình làm thế nào.

image011.jpg
Ban đầu ta thấy em bé nhỏ giọt màu đỏ trên giấy, điều này chưa nói được gì nhiều về sự lựa chọn. Sau đó em bé đã chuyển sang màu vàng.
image021.jpg
Bé lặp lại thao tác đổi màu, điều này chứng minh việc lựa chọn và thấy "đủ"

Đây chính là điểm tương đồng mà người giáo viên có thể khai thác để xây dựng bài học kích thích được khả năng sáng tạo và sự tự tin phát huy cái "Tôi" nghệ sĩ trong mỗi đứa trẻ. Giống như Jackson Pollock, sự sáng tạo của ông là tự do, là không bị giới hạn bởi bất kỳ quy tắc nào nhưng lại tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc sáng tạo của bản thân thì những đứa trẻ khi trải qua hệ thống bài học được giáo viên khích lệ và tôn trọng sẽ dần hình thành và có được nguyên tắc sáng tạo của chính mình, của riêng mình.

Thứ hai, nhịp điệu là một yếu tố quan trọng trong tranh của Pollock. Jackson Pollock đã tạo ra cái gọi là "bức tranh hành động". Ông di chuyển, vận động tay, chân kết hợp với nhịp của toàn bộ cơ thể quanh bức tranh như thể "một điệu nhảy của họa sĩ".

Như Pollock từng nói, ông muốn tạo ra tác phẩm nghệ thuật thể hiện trực quan chuyển động và năng lượng của "thế giới bên trong" của mình. Nhịp điệu được tạo ra thông qua các dòng chảy, các đường cong và các dải màu sắc mạnh mẽ. Sự liên tục và tự nhiên của nhịp điệu này tạo ra cảm giác liên tục, không ngừng nghỉ khiến người xem bị cuốn hút và như đang hòa vào trong tác phẩm.

Nhịp điệu của ông cũng rất đa dạng và phong phú, từ các đường cong mềm mại tới các đường nét mạnh mẽ. Đây là điểm đặc sắc trong tranh của Pollock bởi nó khiến người xem có trải nghiệm thị giác đa chiều vô cùng ấn tượng.

image023.jpg
Number 5, 1948 (122x244 cm), Jackson Pollock. Ảnh: History, Analysis & Facts

Người giáo viên giới thiệu các bài học nghệ thuật theo phong cách họa sĩ nổi tiếng sẽ giúp trẻ hào hứng và tự tin hơn trong sáng tạo. Thay vì chỉ hướng dẫn trẻ theo một khuôn khổ cố định, khi giáo viên giới thiệu với trẻ phong cách sáng tác của họa sĩ Jackson Pollock sẽ khuyến khích trẻ tự do tạo ra các đường cong, nét vẩy, tạo hình đa dạng theo nhịp điệu của bản thân đồng thời tạo nên nhịp điệu của tác phẩm.

image025.jpg
Bạn nhỏ hầu như không dừng lại mà liên tục di chuyển quanh bức tranh, đôi chân kết hợp đôi tay và toàn bộ cơ thể chuyển động nhịp nhàng theo từng động tác chấm, vẩy, nhỏ giọt

image031.jpg
Mặc dù thao tác có vẻ tương tự họa sĩ Jackson Pollock nhưng điểm đặc sắc của phong cách này chính là nhịp điệu. Bởi nhịp điệu trong mỗi con người và độ cảm nhịp của mỗi con người là khác nhau, đồng thời, cách thể hiện và thao tác vận động cũng khác nhau.

Vì vậy, cùng một bài học, cùng chung sự hướng dẫn của giáo viên, cùng với mọi điều kiện và họa cụ giống nhau, nhưng mỗi bạn nhỏ sẽ tạo nên tác phẩm khác nhau. Và cũng giống như họa sĩ Jackson Pollock, các bạn nhỏ đã tạo nên nhịp điệu khiến cho bức tranh của mình mang đậm dấu ấn cá nhân.

Mỗi bức tranh có không gian, thời gian và địa điểm duy nhất, là kết quả của một chuỗi "vũ đạo" trực quan độc đáo, không thể sao chép hoặc lặp lại, mỗi tác phẩm trở thành "độc bản". Các bạn nhỏ sẽ trở nên tự tin và tự hào hơn với thành quả của mình. Đây chính là kết quả mà người giáo viên mong đợi khi người giáo viên xây dựng chương trình học theo chủ trương của Bộ Giáo dục đưa ra.

Việc vận dụng nghệ thuật trừu tượng của họa sĩ Jackson Pollock vào dạy học tạo hình cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sự sáng tạo và phát triển toàn diện cho trẻ. Bằng cách tạo ra một môi trường học tập đa dạng và phong phú, trẻ được khuyến khích thể hiện sự tự do và sáng tạo trong việc diễn đạt ý tưởng của mình.

Đồng thời, việc này cũng giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động và tương tác xã hội thông qua việc tham gia vào các hoạt động tập thể. Bằng cách này, người giáo viên không chỉ tạo ra những trải nghiệm tích cực và ý nghĩa mà còn khuyến khích sự phát triển cá nhân một cách toàn diện nhất đúng với mục tiêu của Chương trình Giáo dục mầm non đã đề ra.
------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Thông tư Số 01/VBHN-BGDĐT về Ban hành Chương trình Giáo dục mầm non, Hà Nội.
2. https://www.moma.org/interactives/exhibitions/1998/pollock/website100/txt_possibilities.html

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vận dụng nghệ thuật trừu tượng của họa sĩ Jackson Pollock - Cách sáng tạo trong dạy học tạo hình cho trẻ mầm non