Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều du khách trong nước và quốc tế mong muốn được xin chữ thầy đồ, ước vọng về một năm mới thuận hòa, may mắn và bình an...
Trong tiềm thức của người dân Thủ đô, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là không gian đạo học cổ xưa, mà còn là nơi linh thiêng để xin chữ ngày Xuân.
Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có tục lệ xin chữ ngày Xuân mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức.
Hình ảnh thầy đồ “bày mực tàu giấy đỏ” cũng trở nên gần gũi với nhiều người dân Việt Nam.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi tôn vinh những giá trị của tinh hoa đạo học, vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều du khách trong nước và quốc tế mong muốn được xin chữ thầy đồ, ước vọng về một năm mới thuận hòa, may mắn và bình an đến với mỗi người và mỗi gia đình.
Theo Trung tâm Hoạt động Văn hóa – Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong những ngày đầu Xuân, rất nhiều du khách đã đến để xin chữ, trong đó có nhiều khách quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025, nhiều hoạt động văn hóa đậm chất truyền thống của ngày Tết cổ truyền Việt Nam cũng được triển khai.
Đặc biệt, tại 47 gian lều của các nhà hoạt động thư pháp được chọn lựa kỹ lưỡng thông qua khảo tuyển khách quan, các du khách có thể thưởng thức những nét đẹp khác nhau của chữ nghĩa.
Xin chữ và cho chữ từ lâu đã trở thành nét văn hóa của người Việt, thể hiện sự trân trọng đối với tri thức, đồng thời cũng là gửi gắm ước nguyện trong những con chữ.