Thời sự

Vàng tăng dựng đứng lên 92 triệu và những điều 'kỳ lạ', hiếm thấy

10/05/2024 17:16

Trong những ngày giá vàng lập kỷ lục cao chưa từng thấy, nhiều người dân đã đổ xô đi mua dẫn đến tình trạng hết vàng nhẫn tại nhiều điểm kinh doanh ở Hà Nội. Việc mua này nhiều khi xuất phát từ tâm lý đám đông chứ không phải do thực tế người dân cần vàng đến như vậy.

Hôm nay (ngày 10-5), trên thị trường thế giới, sau nhiều phiên bình ổn, thậm chí giảm, giá vàng tăng nóng lên mức 2.354USD/ounce, cao hơn đến 1% so với mức chốt phiên gần nhất.

Giá vàng thế giới tăng nóng, kết hợp với một số yếu tố khác kéo theo giá vàng trong nước tăng lên ngưỡng cao chưa từng thấy: Vàng SJC tăng thêm đến 3 triệu đồng/lượng chỉ trong một buổi sáng.

Người dân che ô xếp hàng 2 tiếng để mua vàng dưới trời nắng gắt - Ảnh: Ngọc Diệp

Người dân che ô xếp hàng 2 tiếng để mua vàng dưới trời nắng gắt - Ảnh: Ngọc Diệp

Phải đặt cọc, một tháng rưỡi sau mới nhận được vàng

Tại thị trường trong nước, xuất hiện những hiện tượng "kỳ lạ", hiếm thấy lâu nay. Theo đó, bất chấp giá vàng cao kỷ lục, nhiều người dân vẫn rủ nhau đi mua mạnh vàng nhẫn. Phổ biến nhất là nhiều người làm văn phòng, người dân lao động đi mua vàng với khối lượng ít khoảng vài chỉ, cá biệt mới có người mua đến 10 chỉ.

Phố Trần Nhân Tông – Hà Nội, một trong những trung tâm mua bán vàng lớn nhất thủ đô, trong ngày 10-5 khi giá vàng SJC vượt mức 92 triệu đồng/lượng đông đúc suốt từ 9h sáng. Người dân xếp hàng dài chờ đợi 1 tiếng rưỡi, 2 tiếng đồng hồ dưới trời nắng gắt để chờ đến lượt mua vàng.

Bà Hoàng Thanh Mai đến từ Cầu Giấy – Hà Nội cho biết thấy nhiều người dân đi mua vàng, bà cũng đi mua theo dù giá cao. Một số người tiêu dùng khác cũng chia sẻ như vậy, họ mua với tâm lý đám đông, người khác đi mua thì mình cũng phải đi mua, dù số lượng mua rất ít.

Thực ra số lượng người mua vàng nhẫn tăng đều từ nhiều ngày trước, tuy nhiên đến hai ngày thứ Tư (ngày 8-5) và ngày thứ Năm (ngày 9-5) đã xuất hiện việc một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý tại Hà Nội công bố hết vàng nhẫn.

Đáng chú ý là có hiện tượng người dân rút sổ tiết kiệm ra để mua vàng. Bà Nguyễn Thanh Như sống gần phố Trần Nhân Tông cho biết: “Bao nhiêu sổ tiết kiệm đến hạn mà ông xã tôi cứ ngăn không cho mua vàng, đến lần này vàng tăng cao quá nên tôi không nghe ông ấy nữa, tôi rút mấy sổ ra mua. Chậm trễ vài ngày mất ngay cả chục triệu”.

Có người dân phàn nàn về việc giá đấu thầu vàng 86 triệu đồng/lượng là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước không thể hạ - Ảnh: Ngọc Diệp

Có người dân phàn nàn về việc giá đấu thầu vàng 86 triệu đồng/lượng là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước không thể hạ - Ảnh: Ngọc Diệp

Tại một chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý nổi tiếng của Hà Nội, nhân viên cửa hàng vào tối ngày 9-5 và sáng ngày 10-5 cho biết, cửa hàng đã không còn vàng nhẫn mang thương hiệu riêng mà chỉ còn vàng miếng SJC.

Có điểm kinh doanh vàng bạc đá quý đã giới hạn khối lượng vàng mà mỗi khách hàng được mua. Khách chỉ được mua tối đa 5 cây vàng nhẫn, thanh toán tiền 100% theo giá thời điểm, nhưng chỉ được cầm ngay 1 cây mang về, còn lại hẹn từ 2 đến 3 tuần mới lấy được vàng.

Còn tại một chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý khác, khách đến hỏi mua vàng nhẫn bị yêu cầu phải cọc lại tiền và khoảng... một tháng đến tháng rưỡi sau mới nhận được vàng.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý cho biết sở dĩ họ phải hẹn khách đến một tháng rưỡi mới giao được hàng vì vàng nguyên liệu bây giờ đang khan hiếm.

Người dân chuộng vàng vì lựa chọn đầu tư hạn chế?

Theo quan điểm của chuyên gia, ngoài yếu tố nhiều người dân mua vàng vì tâm lý đám đông, có thể nói bối cảnh hiện tại không có nhiều lựa chọn đầu tư cho những người dân bình thường.

Trong nghiên cứu mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhấn mạnh đến việc xu hướng tăng giá của vàng xuất phát từ tâm lý đầu cơ tích trữ, đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp và lo ngại bất ổn định địa chính trị thế giới.

Cũng theo VCBS, sau khi tiếp nối xu hướng giảm trong quý 1, sang đến tháng 4, lãi suất huy động đã nhích tăng khoảng 20-40 điểm và chủ yếu tại các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp, và thậm chí thấp hơn mặt bằng lãi suất trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Vì vậy không ngạc nhiên khi người dân chuộng vàng.

Diễn biến lãi suất huy động các kỳ hạn tính từ năm 2020 đến nay - Nguồn: VCBS

Diễn biến lãi suất huy động các kỳ hạn tính từ năm 2020 đến nay - Nguồn: VCBS

Quan điểm này cũng được chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán KIS chia sẻ. Trả lời PLO, ông Trần Trương Mạnh Hiếu – trưởng bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán KIS nhấn mạnh: “Lãi suất huy động dù đã tăng trong tháng 4 và đầu tháng 5 nhưng nhìn chung vẫn ở ngưỡng thấp so với thời gian trước. Hơn nữa, lãi suất lại chủ yếu chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống, còn các kỳ hạn dài hơn lãi suất dù có tăng nhưng không tăng mạnh”.

Cũng theo ông Hiếu, nếu so với các kênh đầu tư khác như bất động sản cần dòng vốn lớn vốn không dành cho đại đa số người dân, hơn nữa, bất động sản cũng đã qua giai đoạn đáy. Tính toán của ông Hiếu cho thấy đáy của thị trường bất động sản đã rơi vào năm 2023 và giờ đã lập vùng giá cao, vì vậy cũng giảm sức hấp dẫn.

"Tiền điện tử trong khi đó chưa được công nhận nên cũng không hấp dẫn dòng tiền, vì vậy không khó hiểu tại sao dòng tiền vẫn tìm đến thị trường vàng. Chứng khoán cũng là một kênh tốt, nhưng cần đến nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích và tìm hiểu thị trường", ông Hiếu phân tích.

Đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng SJC và cho phép nhiều bên nhập khẩu vàng

Để giải quyết những vấn đề trên thị trường vàng như chênh lệch giá vàng quá cao so với thế giới và chênh lệch giá mua giá bán ngày một rộng, chuyên gia kinh tế tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất ra ba giải pháp cơ bản.

Theo đó, giải pháp thứ nhất, cần sửa đổi cho phép các nhà kinh doanh vàng có uy tín và khả năng tài chính nhập khẩu vàng, nhưng dưới hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp cho mỗi đơn vị được cấp phép nhập khẩu.

Thứ hai, cần bãi bỏ thương hiệu quốc gia cùa vàng SJC để các doanh nghiệp khác phát triển mạnh mẽ hơn các sản phẩm vàng mang thương hiệu riêng.Và cuối cùng, ông Hiếu đề xuất thiết lập sàn giao dịch vàng quốc gia.

Khi thành lập sàn vàng quốc gia, có thể đặt lệnh mua bán là được trao đổi ngay với vàng thế giới, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ giảm đi, chuyên gia đề xuất - Ảnh: Ngọc Diệp

Khi thành lập sàn vàng quốc gia, có thể đặt lệnh mua bán là được trao đổi ngay với vàng thế giới, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ giảm đi, chuyên gia đề xuất - Ảnh: Ngọc Diệp

Khi Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Người dân không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không. Chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị cho sản phẩm vàng mà người dân mua. Vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.

Ngoài ra, một khi Việt Nam có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn, việc liên thông sẽ dễ dàng, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới. Việc này tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước hiện đang ở ngưỡng quá cao gần 19 triệu đồng một lượng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vàng tăng dựng đứng lên 92 triệu và những điều 'kỳ lạ', hiếm thấy