VN-Index được kì vọng sẽ đi lên trong nửa cuối năm trên cơ sở môi trường vĩ mô thuận lợi.
Vn-Index mở cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng khiến khi thị trường đang tiệm cận vùng đỉnh cũ 1.290 điểm, áp lực bán dần gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến VN-Index đảo chiều giảm.
Điểm sáng là nhóm cổ phiếu phân bón. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép đang có những tín hiệu tích cực. Gần trọn thời gian sáng nay thị trường rơi vào nhịp lao dốc khá mạnh. Biên độ giảm tối đa của VN-Index tới gần 10 điểm.
Phiên chiều, với sự trở lại của nhiều cổ phiếu bluechip, VN-Index đã hồi phục dần. Bên cạnh đó, nhóm midcap và penny cũng giao dịch khả quan với nhiều mã tăng trần, nổi bật như DCM, CSV, TVS, BFC, KPF, LHG, YEG, VOS, VIP và VTO. Sắc xanh lan tỏa ở dòng dầu khí với hầu hết các mã kết phiên trong sắc xanh, tiêu biểu là PVB (+7,7%), PLX (+5,8%), TDG (+5%), PSH (+4,5%),...
Ở nhóm ngành bất động sản xuất hiện sự phân hoá rất mạnh. Nhóm Vingroup tiếp tục dò đáy khi VHM giảm 1,17%, VIC giảm 2,42%, VRE giảm 2,4%. Nhiều mã có tên tuổi cũng rớt giá đáng báo động như KDH giảm 2,87%, PDR giảm 2,95% và đặc biệt là bộ đôi nhà Đất Xanh với DXG giảm 4% và DXS giảm kịch sàn.
Kết quả phiên giao dịch ngày 8/7, VN-Index tăng 0,52 điểm (0,04%) lên 1.283,56 điểm, HNX-Index tăng 0,85 điểm (0,35%) đạt 243,15 điểm, UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (0,32%) đạt 98,58 điểm.
Thị trường có sự phân hóa
Thanh khoản tăng mạnh so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch chỉ còn hơn 22,6 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HOSE có có 243 mã tăng, 214 mã giảm, 48 mã đứng giá.
Khối ngoại đẩy mạnh xả ròng gần 2.300 tỷ đồng trên HOSE phiên hôm nay, tâm điểm thuộc về HDB (501 tỷ đồng), FPT (263 tỷ đồng), STB (247 tỷ đồng),...
GVR là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 1,44 điểm. Ở chiều ngược lại, VCB lấy đi của Vn-Index 1,09 điểm.
Trong một phân tích mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng các kênh đầu tư vàng và trái phiếu đang dần mất đi sức hút.
Tại Việt Nam, sau nhiều nỗ lực bình ổn thị trường vàng của Chính phủ và NHNN, giá vàng miếng SJC hiện đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh hơn 90 triệu đồng/lượng và có xu hướng giữ đà đi ngang.
Trong khi đó, ở kênh đầu tư trái phiếu, giá trị phát hành TPDN trong quý I/2024 đã giảm khoảng 21% xuống 22.988 tỷ đồng. Nhóm phân tích cho rằng việc trái phiếu phát hành mới vẫn duy trì ở mức khá thấp do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phát hành mới và cần tất toán, tái cấu trúc nợ.
Chứng khoán được kì vọng trong nửa cuối năm nay
TPS kỳ vọng VN-Index sẽ đi lên trong nửa cuối năm trên cơ sở môi trường vĩ mô thuận lợi. TPS cũng dự báo dòng tiền vào thị trường sẽ được củng cố trên cơ sở sự mở rộng hầu bao margin từ các CTCK trong nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025; khi tỷ lệ dư nợ cho vay margin/Vốn chủ sở hữu tại các CTCK hiện vẫn rất thấp (chỉ đạt 54.5%, thấp hơn so với mức đỉnh đầu 2022 là 120% và thấp hơn mức an toàn được quy định (2 lần)).
Trong khi đó, trong giai đoạn cuối 2023 và nửa đầu 2024, hàng loạt các CTCK đều đã thông qua kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong 2024 như ACBS, HSC, SSI, SHS, VCI,… Điều đó cho thấy dư địa cho vay margin trong thời gian tới sẽ còn rất lớn và sẽ hỗ trợ cho đà tăng của TTCK.