Vào đại học: Dễ hay khó? - Kỳ 2: Cuộc chiến điểm SAT

25/06/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cũng là đi thi, nhưng điểm lạ nhất là thí sinh bước vào phòng thi với chiếc laptop trên tay. Có những thí sinh được phụ huynh đưa đến muộn, vội vã vào cửa rồi lại vội vã chạy ra vì quên máy tính, một công cụ không thể thiếu cho kỳ thi SAT.

Chị Hiền Anh thử vào đăng ký trực tuyến ngay nhưng điểm thi tại Hà Nội đã kín chỗ. Chỉ còn Đà Nẵng và TP.HCM. Vị chuyên gia tư vấn cho chị cũng nói thời điểm này nhiều thí sinh khu vực Hà Nội đăng ký nên dễ hết chỗ.

Nhu cầu ở Hà Nội lớn hơn phía Nam do số trường sử dụng SAT để tuyển sinh của các trường khu vực Hà Nội nhiều hơn.

Những ai đã thi SAT đều biết trong quá trình đăng ký dự thi phải trả lời đầy đủ mấy chục câu hỏi bằng tiếng Anh và điền nhiều thông tin khác.

Các câu hỏi xoay quanh khả năng cá nhân, những kỹ năng đã được học thời phổ thông, mong muốn phát triển trong những lĩnh vực gì, thích học ở những trường kiểu như thế nào (trường công - trường tư, trường ở thành phố lớn, thành phố nhỏ hay nông thôn, trường có quy mô lớn, quy mô vừa hay nhỏ.

Mọi thứ thực hiện trực tuyến, gồm cả nộp lệ phí. Hoàn tất việc đăng ký cũng coi như thí sinh đã có một bảng giới thiệu khá kỹ về bản thân mình.

Lần đầu bỡ ngỡ nhiều cái không rõ, chị Hiền Anh bốc máy điện thoại cho nhân viên IIG. Đầu dây kia cô nhân viên cho biết: "Chúng em chỉ tổ chức thi, ngoài ra không biết thêm gì. Kể cả lịch thi cụ thể như thế nào cũng do bên kia thông tin cho trước 1-2 ngày thôi ạ".

Cuối cùng thì vẫn đăng ký thi xong chưa chờ phản hồi chị Hiền Anh đã vội lên mạng book vé máy bay vì sợ cũng... kín chỗ.

Điểm top 10 vẫn nguy cơ trượt đại học Việt Nam

Ở Đà Nẵng, tình cờ mẹ con chị Hiền Anh ở khách sạn cùng một gia đình khác cũng từ Hà Nội bay vào. Người mẹ là Phương, có con gái bằng tuổi con Hiền Anh. Con chị Phương đã "bén duyên" với thi SAT từ một năm trước đó, còn đi luyện thi hẳn hoi.

Lần đầu thi tại Hà Nội được 1.100 điểm, lần hai mẹ con chị Phương bay vào TP.HCM thi được 1.200 điểm. Lần ba lại thi ở Đà Nẵng, với mong muốn nhích lên được thêm 100-200 điểm để yên tâm xét tuyển đại học bằng điểm SAT.

Trao đổi trong nhóm phụ huynh, chị Hiền Anh cũng mới biết nhiều học sinh đã dự thi lần 2 hoặc 3 để săn cơ hội vào các trường lớn.

Huy Hoàng đạt 1.390 điểm. Theo College Board, trong số 5.852 thí sinh thi ở Việt Nam thì mức điểm 1.390 cao hơn 59% số thí sinh còn lại.

Có nghĩa con chị Hiền Anh nằm trong top 41% ở Việt Nam. Nhưng so với con số 5,5 triệu thí sinh thi SAT trên thế giới thì mức điểm của con chị Hiền Anh nằm trong top 8%, cao hơn 92% còn lại.

Những phụ huynh quen nhau trong chuyến đi thi xa ở Đà Nẵng cũng liên hệ với nhau. Trong nhóm có một thí sinh đạt 1.450 điểm, con chị Hiền Anh có số điểm cao thứ hai. 3-4 thí sinh khác đều chỉ đạt mức 1.100-1.200 điểm.

Đánh giá năng lực thí sinh chỉ dựa trên số liệu này thì chưa chuẩn xác. Nhưng có thể thấy thí sinh Việt Nam có kết quả thi SAT khá cao. Chỉ cần đạt 1.200 thí sinh đủ điều kiện du học. Nhưng với mức 1.390 của con chị Hiền Anh, chưa chắc đã đỗ vào các trường đại học hàng top của Việt Nam.

Theo cô Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, thì điểm SAT khoảng 1.400-1.420 trở lên mới là mức điểm an toàn để xét tuyển vào trường này, với điều kiện IELTS của thí sinh để kết hợp xét tuyển cũng phải đạt 7.5 trở lên.

Còn ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ dành 5% chỉ tiêu cho phương thức sử dụng các chứng chỉ quốc tế, trong đó điểm SAT để tuyển vào ngành khoa học máy tính của trường này là 1.500 điểm.

Như vậy "cửa" có ít thí sinh cạnh tranh nhưng cũng không dễ gì.

SAT là viết tắt của Scholastic Assessment Test hay Scholastic Aptitude Test (bài kiểm tra năng lực học tập), là bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh chuẩn bị vào đại học được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục của Mỹ (chủ yếu là kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng tính toán).

SAT được giới thiệu lần đầu năm 1926, trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, cách thức, cấu trúc bài thi.

--------------

Không phải năm đầu tiên các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy tại Việt Nam nở rộ nhưng nó vẫn xa lạ với thí sinh. Câu chuyện ôn và thi của thí sinh thể hiện những bối rối, lo âu khi chưa hình dung được đường nét của "sàn đấu" mới.

Kỳ 3: "Cửa" đánh giá năng lực vẫn còn lạ lẫm

Theo tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/vao-dai-hoc-de-hay-kho-ky-2-cuoc-chien-diem-sat-20230624220612167.htm
Copy Link
https://tuoitre.vn/vao-dai-hoc-de-hay-kho-ky-2-cuoc-chien-diem-sat-20230624220612167.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào đại học: Dễ hay khó? - Kỳ 2: Cuộc chiến điểm SAT