Để công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đạt hiệu quả, chương trình bồi dưỡng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Tức là bồi dưỡng cái mà giáo viên cần, chứ không phải là tập huấn những thứ đã có. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng đội ngũ cốt cán bảo đảm đủ số lượng và chất lượng. Họ sẽ là những “chân rết” để hỗ trợ đồng nghiệp trong bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.
Cùng với đó, cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm trên tinh thần lựa chọn các hình thức đánh giá theo hướng linh hoạt, phù hợp với đối tượng và hình thức tổ chức bồi dưỡng, bảo đảm tính khách quan, trung thực.
Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình bồi dưỡng. Sở GD&ĐT chủ động tham mưu, đề xuất với UBND các cấp tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị..., đầu tư kinh phí và cơ chế, chính sách cho công tác bồi dưỡng thường xuyên.
Công tác bồi dưỡng cần đa dạng về hình thức, linh hoạt về phương pháp và phong phú về nội dung. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế, địa phương, nhà trường có thể tổ chức bồi dưỡng theo nhóm tổ chuyên môn, nhóm trường hoặc cụm thi đua hoặc theo kiểu “truyền nghề” cho nhau… Quan trọng là mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực.
ĐBQH Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang): Phát triển các nhóm cộng đồng giáo viên
Một trong những giải pháp hữu hiệu trong công tác bồi dưỡng là đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn và giáo viên tự bồi dưỡng cho nhau theo hướng: Trường giúp trường, đồng nghiệp giúp đồng nghiệp để cùng tiến bộ. Đơn cử như ở Kiên Giang, một nhóm giáo viên đã lập trang “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Kiên Giang – KIEF”. Theo đó, các giáo viên tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin, tiện ích của không gian mạng xã hội để kết nối, chia sẻ mọi kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật... cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp.
Ngoài ra, mỗi nhà trường cần tạo điều kiện để các tổ chuyên môn đổi mới sinh hoạt theo hướng tích cực, chất lượng. Qua đó, giúp giáo viên tự học, bồi dưỡng, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ dạy học của mình. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Các trường cũng có thể quay video những bài giảng mẫu, tình huống sư phạm điển hình rồi gửi lên Zalo, Facebook để giáo viên cùng nghiên cứu và tự rút kinh nghiệm, ứng dụng vào thực tiễn dạy học của mình. Muốn vậy, các trường, tổ chuyên môn và giáo viên cốt cán cần xây dựng kế hoạch cụ thể; sau đó gửi cho các thành viên trong tổ tham khảo. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng cho mình.