Trồng người

Vì sao cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống không đi theo người lạ

Phạm Hoa 12/09/2024 08:25

(GDTĐ) - Việc dạy trẻ kỹ năng sống không đi theo người lạ là vô cùng quan trọng và cần thiết. Kỹ năng này giúp trẻ nâng cao ý thức an toàn cho bản thân khi ba mẹ không ở bên cạnh, tự bảo vệ bản thân khỏi những nguy hiểm như: Bắt cóc, xâm hại trẻ em là những vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay.

vnmedia2.monkeyuni.net-upload-web-img-_day-tre-khong-di-voi-nguoi-la-1.jpg

Cách rèn luyện cho trẻ kỹ năng sống không đi theo người lạ

Cha mẹ nên trang bị cho con một số kỹ năng sống không đi theo người lạ để các bé có thể tự bảo vệ bản thân, tránh các mối nguy hiểm từ người lạ, dưới đây là một số phương pháp dạy kỹ năng này cha mẹ có thể tham khảo:

Hạn chế kết bạn với người lạ trên mạng xã hội: Mạng xã hội là một công cụ hữu ích để trẻ học tập, giao tiếp và giải trí. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu trẻ không biết cách sử dụng an toàn. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả và có trách nhiệm.

Cha mẹ nên giải thích cho trẻ về những nguy hiểm trên mạng xã hội việc có nhiều kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, có khi sẽ hẹn gặp để bắt cóc hay xâm hại,... Bên cạnh đó cha mẹ nên quản lý những thông tin con đăng tải lên mạng xã hội, dặn dò trẻ không bao giờ chia sẻ những thông tin cá nhân như họ tên đầy đủ, địa chỉ nhà, số điện thoại, ảnh nhạy cảm,... lên mạng xã hội, hướng dẫn trẻ cách thiết lập mật khẩu mạnh và bảo mật tài khoản mạng xã hội an toàn.

Kỹ năng giao tiếp với người lạ: Dạy trẻ cách giao tiếp với người lạ an toàn là một trong những kỹ năng sống quan trọng mà cha mẹ cần trang bị cho con. Việc này giúp trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi những nguy hiểm tiềm ẩn. Không phải người lạ nào cũng tốt, nên dặn trẻ không nên nói chuyện, trường hợp cần phải giao tiếp cần giữ khoảng cách an toàn để không gặp phải những tình huống nguy hiểm.

Giải thích cho trẻ hiểu rằng nói chuyện với người lạ lâu quá sẽ có thể gặp một số tình huống như lừa đảo, bắt cóc thậm chí là bị xâm hại. Nếu cảm thấy nghi ngờ không an toàn, hãy la hét lớn, kêu cứu và chạy nhanh đến những chỗ đông người.

La hét khi bị lôi kéo: Việc dạy trẻ cách la hét và chống trả khi bị người lạ lôi kéo là vô cùng quan trọng để giúp trẻ tự bảo vệ bản thân. Khi gặp nguy hiểm, trẻ cần biết cách thu hút sự chú ý của người khác để được giúp đỡ. Giải thích cho trẻ về tầm quan trọng của việc la hét và chống trả, không nên im lặng khi bị lôi kéo.

Thường xuyên luyện tập với trẻ bằng các trò chơi tình huống để luyện tập cách la hét, chống trả khi bị người lạ lôi kéo, dạy trẻ cách chống trả như cào, cắn, cấu người lạ để thoát khỏi vòng kìm kẹp, khuyến khích trẻ sử dụng bất kỳ vật dụng gì có thể làm vũ khí để tự vệ. Hạn chế để cho trẻ chơi một mình ở những nơi vắng vẻ, nếu ở nhà một mình không nên mở cửa cho người lạ.

Học thuộc thông tin liên lạc của người than: Việc dạy trẻ ghi nhớ thông tin liên lạc của người thân là vô cùng quan trọng để giúp trẻ tự bảo vệ bản thân trong trường hợp gặp nguy hiểm hoặc bị lạc. Giải thích cho trẻ trong một số trường hợp nguy hiểm như đi lạc, mất tích thì việc nhớ những thông tin liên lạc của người thân như họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà là điều hữu ích.

Từ chối nhận bất kỳ đồ vật nào từ người lạ: Không nhận đồ từ người lạ như đồ chơi, thức ăn, quà,... từ người lạ sẽ giúp trẻ tránh những tình huống nguy hiểm như có thể trong đồ ăn bị tẩm thuốc mê hay chất độc, những đồ chơi nguy hiểm,... Vậy nên cần phải dạy bé từ chối một cách dứt khoát và lịch sự khi được cho đồ, cần trang bị thêm những kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi người lạ cho đồ.

Một số lưu ý khi dạy trẻ kỹ năng sống tránh xa người lạ

Dạy trẻ kỹ năng tránh xa người lạ là một việc làm vô cùng quan trọng để giúp trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi những nguy hiểm tiềm ẩn. Tuy nhiên, để việc dạy trẻ hiệu quả, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

Tạo các trường hợp giả định: Để rèn luyện cho trẻ kỹ năng phòng tránh người lạ. Do đó, cha mẹ cần xây dựng các tình huống giả định để giúp trẻ hiểu rõ hơn về vấn đề này. Ví dụ, cha mẹ có thể đóng vai người lạ và dụ dỗ trẻ đi theo, qua đó, cha mẹ có thể quan sát cách ứng phó của trẻ và dạy trẻ biện pháp xử lý phù hợp.

Luôn đồng hành cùng con: Với các bé còn nhỏ, cha mẹ nên luôn đồng hành, quan sát, theo dõi và hạn chế tối đa việc để trẻ ở một mình. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho trẻ và tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cho trẻ xem hình ảnh, video liên quan: Trên internet và TV có rất nhiều thông tin về các vụ bắt cóc, xâm hại trẻ em. Cha mẹ có thể cho trẻ xem những hình ảnh, video này để giúp trẻ nâng cao ý thức về việc bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý chọn lọc thông tin phù hợp với độ tuổi của trẻ để tránh gây ám ảnh cho trẻ.

Trang bị các thiết bị định vị thông minh cho trẻ: Hiện nay, có rất nhiều thiết bị định vị thông minh dành cho trẻ em như điện thoại, đồng hồ. Cha mẹ có thể trang bị cho trẻ những thiết bị này để có thể theo dõi vị trí của trẻ và kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách sử dụng những thiết bị này một cách an toàn và hiệu quả.

Hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ trên mạng xã hội: Nhiều kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân của trẻ để thực hiện hành vi xâm hại. Do đó, cha mẹ cần hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ trên mạng xã hội như tên đầy đủ, địa chỉ nhà, trường học,...

Ngoài những lưu ý trên, cha mẹ cũng cần thường xuyên trò chuyện với trẻ về vấn đề an toàn và hướng dẫn trẻ cách xử lý khi gặp nguy hiểm. Cha mẹ cũng cần tạo cho trẻ môi trường sống an toàn và lành mạnh để giúp trẻ phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện.

Kỹ năng sống không đi theo người lạ giúp trẻ tránh những nguy hiểm tiềm ẩn. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về kỹ năng này dành cho các bậc phụ huynh tham khảo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống không đi theo người lạ