Sức khỏe

Vì sao chất độc xyanua khó phát hiện khi bị trộn với đồ ăn?

21/07/2024 15:49

Xyanua có mùi đặc trưng giống hạt hạnh nhân, vị hơi đắng, người không quen khó có thể nhận biết, xyanua cho vào đồ uống càng khó hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, xyanua là hóa chất cực độc, tồn tại ở hai dạng khí và rắn, đều hấp thu qua niêm mạc đường tiêu hoá và hô hấp rất nhanh, chỉ sau vài phút tiếp xúc, chúng theo dòng máu phân bố vào khắp các tế bào trong cơ thể.

Xyanua bị cấm bán ngoài thị trường. Hiện hóa chất này chỉ cho phép sử dụng trong công nghiệp khai thác vàng và một số ngành công nghiệp khác, nhưng nhiều người vẫn có thể "lách" mua được.

Trong măng tươi cũng có xyanua. (Ảnh minh họa: Linh Trang)
Trong măng tươi cũng có xyanua. (Ảnh minh họa: Linh Trang)

Theo bác sĩ Hoàng, chỉ cần nuốt 50mg – 100 mg hoặc hít phải 0,2% dạng khí xyanua có thể lấy đi tính mặng một người lớn trưởng thành ngay lập tức. Người ăn hàm lượng thấp sẽ có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, thở gấp và không được cấp cứu kịp thời rất dễ bị trụy mạch, tử vong. Những người sống sót sau ngộ độc xyanua có thể bị tổn thương tim, não và thần kinh.

Những dấu hiệu để nhận biết khi trúng độc xyanua đó là cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở nhanh, nhịp tim tăng cao, cảm thấy bồn chồn và kiệt sức. Nếu người trúng độc xyanua trong vòng 2 giờ không được chữa trị kịp thời, gây nguy cơ tử vong cao.

Xyanua có mùi đặc trưng giống hạt hạnh nhân, vị hơi đắng, người không quen khó có thể nhận biết. Đặc biệt, xyanua cho vào đồ uống càng khó nhận biết hơn.

Phòng tránh ngộ độc xyanua

Trúng độc xyanua có thể gây tử vong nhanh chóng, nhưng chất độc này cũng có thể dễ dàng bị phân huỷ bởi các tác nhân vật lý, hoá học. Chúng ta có thể phòng tránh một cách dễ dàng bằng cách siết chặt việc mua bán chất độc xyanua. Trong các đám cháy lưu ý cúi sát người khi thoát khỏi vùng nguy hiểm, dùng các loại khăn ướt để bịt mũi. Bạn cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có thể chứa xyanua.

Trong tự nhiên, người ta tính toán có hơn 2.000 loài thực vật chứa chất độc này như măng, sắn và trong hạt của các loại quả táo, mơ, lê, mận, anh đào, đào. Vì vậy người ăn cần loại bỏ xyanua trong thực phẩm bằng cách gọt vỏ, ngâm nước, luộc mở vung 15 – 20 phút để hóa chất này bay hơi, hạn chế nguy cơ ngộ độc xyanua.

Như Loan

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/vi-sao-chat-doc-xyanua-kho-phat-hien-khi-bi-tron-voi-do-an-ar884553.html
Copy Link
https://vtc.vn/vi-sao-chat-doc-xyanua-kho-phat-hien-khi-bi-tron-voi-do-an-ar884553.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chất độc xyanua khó phát hiện khi bị trộn với đồ ăn?