Thời sự

Vì sao chuyển tiền ngân hàng trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học?

15/06/2024 15:42

Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỉ đồng, trong đó 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính ngân hàng...

Chiều 14-6, Vụ Thanh toán và Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước cùng Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Sở Công thương TP HCM và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt". Đây là một trong những hoạt động của chương trình "Ngày không tiền mặt 2024".

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng và nhiều đại diện lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua phát triển mạnh. Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho việc thanh toán không tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, cho biết đến hết năm 2023, cả nước đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code tăng trưởng nhanh chóng…

Bên cạnh sự phát triển các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, ngành ngân hàng còn phải đối mặt rủi ro, thách thức không nhỏ về việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật. Trong ảnh: Các chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng thảo luận tại hội thảo.

Bên cạnh sự phát triển các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, ngành ngân hàng còn phải đối mặt rủi ro, thách thức không nhỏ về việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật. Trong ảnh: Các chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng thảo luận tại hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định sự phát triển không ngừng của các hình thức, phương tiện thanh toán mới, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động… đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm minh bạch các hoạt động thanh toán phục vụ nhu cầu chi trả hằng ngày của toàn xã hội.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.

"Trước đây, Kho bạc Nhà nước có kho chứa tiền, xe chở tiền, nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe thanh lý hết" - Bộ trưởng nói.

Về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Đến nay, hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo thống kê của ngành thuế, trên 99% số doanh nghiệp đã tiến hành các giao dịch nộp thuế điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với rủi ro, thách thức không nhỏ về việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, nhất là trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an (A05), cho biết tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.

Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất tiền oan...

Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất tiền oan...

Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Theo thống kê, 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính; 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo. Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt nhưng nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật.

Để phòng chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, bao gồm 4 nhóm chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; tuyên truyền, cảnh báo phòng chống tội phạm lừa đảo; phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống lừa đảo qua mạng.

Để tăng cường bảo mật, từ ngày 1-7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip thẻ căn cước công dân. Khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học...

Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật. Những giải pháp này nhằm phòng chống tội phạm lừa đảo qua mạng.

Bài liên quan
Bà mẹ chuyển tiền 15 lần mất 1,6 tỷ đồng mới biết bị lừa
Thấy Facebook đề xuất trang “Kỳ Học Quân Đội Chính Quy” chị N. đã chủ động liên hệ, đăng ký cho con của mình tham gia và bị lừa mất 1,6 tỷ đồng sau 15 lần chuyển khoản.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chuyển tiền ngân hàng trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học?