Người hưu trí nhận lương hưu tại điểm chi trả của BHXH TP HCM
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết công thức tính, mức hưởng lương hưu về cơ bản kế thừa quy định của Luật BHXH các năm 2006, 2014. Theo đó, tại Luật BHXH năm 2006 quy định người lao động có đủ 20 đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu; tỉ lệ hưu được tính cho cả lao động nam và nữ là 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Luật BHXH năm 2014 là kết quả việc sửa Luật năm 2006, đã có sự điều chỉnh: Với lao động nữ vẫn giữ nguyên cách tính tỉ lệ hưu 45% cho 15 năm đóng BHXH, riêng với lao động nam phải đóng BHXH 20 năm mới được tính tỉ lệ hưởng 45%. Do đó, khi giảm năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhưng cách tính vẫn giữ nguyên thì tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch.
Ông Cường cũng lưu ý quy định giảm năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống 15 năm không áp dụng cho mọi nhóm đối tượng mà chủ yếu hướng đến nhóm tham gia BHXH muộn do không có điều kiện đóng dài. Đối với trường hợp nghỉ hưu sớm vẫn phải đóng BHXH đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Đồng thời, mỗi năm nghỉ sớm hơn tuổi quy định sẽ bị trừ 2% tỉ lệ hưởng lương hưu.
Trước những lo ngại về việc giảm năm đóng dẫn đến mức lương hưu thấp, ông Cường cho rằng nguyên tắc muốn có lương hưu cao thì tỉ lệ đóng phải cao, số năm đóng dài. Song, để mở rộng độ phủ của BHXH, nhà nước chủ trương ưu tiên để có thêm nhiều người từ chỗ chưa có lương hưu đến có lương hưu trước, dần dần mới tính đến chuyện cải thiện mức hưởng.