Đầu tư cho giáo dục giảm, nhu cầu học đại học tăng là những nguyên nhân khiến chi phí học đại học tại Mỹ ngày càng đắt đỏ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây vẫn là khoản đầu tư xứng đáng.
Theo dữ liệu của tổ chức giáo dục College Board, trong năm học 2023 - 2024, chi phí trung bình tại một trường đại học công lập hệ 4 năm là hơn 24 nghìn USD, tăng 730 USD so với năm ngoái.
Ở các trường tư thục, chi phí này thậm chí còn tăng cao hơn. Nếu tính đến học phí, lệ phí, phí sinh hoạt, chi phí trung bình tại một trường tư thục hệ 4 năm là hơn 56 nghìn USD/năm, tăng 2,2 nghìn USD so với năm trước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đầu tiên, các trường đại học Mỹ đã bị cắt giảm nguồn tài trợ từ chính quyền bang.
Cụ thể, nhiều chính quyền bang đã cắt giảm tài trợ giáo dục sau cuộc đại suy thoái năm 2008. Theo báo cáo của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ, 32 tiểu bang chi tiêu cho giáo dục đại học vào năm 2020 ít hơn so với năm 2008. Mức giảm trung bình là gần 1,5 nghìn USD mỗi sinh viên.
Sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, số lượng tuyển sinh đại học tăng vọt do triển vọng việc làm ảm đạm, thúc đẩy nhiều người lao động học lên cao hơn. Với quỹ nhà nước hạn chế còn nhu cầu giáo dục không ngừng lớn mạnh, chi phí đại học vì thế ngày càng tăng.
Dù nguồn tài trợ của các bang và địa phương đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng mức tăng này chưa đủ để bù đắp cho những khoản cắt giảm mạnh ở hầu hết các địa phương.
Lý do thứ hai là tăng cường đầu tư vào dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Các trường đại học, cao đẳng không chỉ đơn thuần là nơi cấp bằng mà cung cấp hàng loạt dịch vụ sinh viên như chăm sóc sức khoẻ trong khuôn viên trường, dịch vụ sức khoẻ tâm thần, tư vấn nghề nghiệp... Nhiều cơ sở có tiện nghi sang trọng như trung tâm thể dục, rạp chiếu phim...
Theo báo cáo từ Hội đồng Quản trị và Cựu sinh viên Mỹ, giai đoạn 2010 - 2018, chi tiêu cho các dịch vụ sinh viên đã tăng 29%, trong khi chi phí giảng dạy chỉ tăng 17%. Chi phí hành chính cũng tăng lên 19%.
Sinh viên thường phải chịu gánh nặng thanh toán các khoản phí này, nhất là ở các trường tư thục. Mỗi một USD chi thêm cho các dịch vụ sinh viên sẽ tương đương mức tăng học phí là 1,12 USD.
Nguyên nhân thứ ba nằm ở nhu cầu về bằng đại học nhất quán. Trong quy trình tuyển dụng hiện nay, các nhà tuyển dụng vẫn yêu cầu bằng đại học rất khắt khe. Do đó, đại học vẫn được coi là tấm vé duy nhất dẫn đến những công việc được trả lương cao. Khi nào tư duy này vẫn tồn tại, chi phí đại học sẽ còn tiếp tục tăng.
Cuối cùng, lạm phát gia tăng và khả năng phục hồi sau đại dịch đã đẩy chi phí học đại học tại Mỹ lên cao. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng ở Mỹ, người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho mọi thứ, từ thực phẩm đến chi phí giáo dục.
Các trường đại học cũng gặp khó khăn về tài chính khi lạm phát tăng cao và họ phải trả nhiều tiền hơn cho các chi phí như công nghệ, bảo trì cơ sở vật chất, điện... Để theo kịp chi phí sinh hoạt ngày càng cao, các trường cũng phải trả lương cao hơn cho giảng viên, nhân viên.
Dù chi phí đại học ngày càng tăng, các chuyên gia nhận định đây vẫn là khoản đầu tư xứng đáng. Cử nhân đại học có nhiều lựa chọn việc làm hơn và có khả năng tăng thu nhập suốt đời lên đáng kể. Các lợi ích khác bao gồm kết nối với mọi người, trải nghiệm mới, đào sâu kiến thức...
Tuy nhiên, việc tốt nghiệp với khoản nợ sinh viên khổng lồ là gánh nặng mà không phải ai cũng có thể đảm đương. Nhìn chung, giáo dục đại học sẽ có giá trị nếu người học có thể cân đối học phí, tìm học bổng, trợ cấp phù hợp.