Giáo dục

Vì sao học sinh nội trú ở Thanh Hóa phải đóng nhiều khoản phí?

21/08/2024 11:32

Được xét tuyển vào trường nội trú của huyện, nhưng hàng chục học sinh chỉ nhận được trợ cấp một học kỳ...

Đó là tình trạng diễn ra tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở Như Xuân (huyện Như Xuân, Thanh Hóa).

Nhận trợ cấp một học kỳ

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở Như Xuân (huyện Như Xuân), con họ nộp hồ sơ và có giấy báo trúng tuyển vào trường năm học 2022 - 2023. Thế nhưng, chỉ được hưởng trợ cấp 1 học kỳ thì bất ngờ nhận được thông báo từ nhà trường việc ngừng trợ cấp và học sinh muốn tiếp tục theo học tại trường phải đóng tiền ăn và các loại phí khác.

“Từ học kỳ II của năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024, chúng tôi phải đóng toàn bộ tiền ăn cũng như nhiều loại tiền như học thêm, giấy thi, gửi xe, đồng phục, vận động trang thiết bị… cho con. Nhiều học sinh không có khả năng theo học phải xin chuyển về trường gần nhà”, anh Phạm Văn Quỳnh, phụ huynh cho biết.

Ông Lê Đức Thọ, cũng có con được tuyển sinh vào năm học 2022 - 2023 bức xúc: “Phòng GD&ĐT, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng gặp gỡ phụ huynh giải thích là tuyển con chúng tôi không đúng quy định nên mới dẫn đến việc cắt trợ cấp. Thế nhưng, tại sao tuyển sai mà con chúng tôi lại vẫn được hưởng chính sách của một học kỳ. Nếu tuyển sai, ai là người chịu trách nhiệm việc này”.

Phụ huynh Lê Đức Thọ cũng thắc mắc việc, huyện Như Xuân đã ra khỏi huyện 30a từ năm 2020, ngoài ra, quy định vùng theo Quyết định 861 ra đời tháng 6/2021, vậy tại sao nhiều học sinh trước đó tuyển vào năm học 2021 - 2022 cùng trên địa bàn xã Cát Vân - nơi ông Thọ đang ở (năm nay lên lớp 9) lại không bị cắt chế độ. “Nếu tuyển con tôi là sai, không đủ điều kiện thì những học sinh khác của năm học trước đó cũng tuyển sai”, ông Thọ khẳng định.

Nhiều phụ huynh cho biết, dù cách nhà hàng chục km thế nhưng với mong muốn con được học trong môi trường nội trú, bớt gánh nặng gia đình nên đã nộp hồ sơ cho con xét tuyển vào trường. Thế nhưng, đến nay họ thật sự mệt mỏi khi không có đủ điều kiện tiếp tục đóng học cũng như đưa đón con mỗi ngày.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở Như Xuân tuyển sinh tổng số 60 học sinh vào lớp 6 (hiện nay chuẩn bị lên lớp 8). Trong số đó, có 33 học sinh sau khi nhận trợ cấp 1 học kỳ thì ngoài bị cắt trợ cấp theo quy định, phải đóng tiền ăn cùng một số khoản khác cho nhà trường.

Phụ huynh cho biết, năm học 2023 - 2024 vừa qua, các con đang theo học tại trường phải đóng các khoản phí như: Quỹ Chữ thập đỏ: 15.000 đồng/HS; Quỹ Đội: 15.000 đồng/HS; giấy thi: 80.000 đồng/HS; Quỹ phụ huynh 150.000 đồng/HS; Quỹ khuyến học: 100.000 đồng/HS; Học thêm: 520.000 đồng/kỳ; Gửi xe điện: 150.000 đồng/HS; Áo đồng phục: 70.000 đồng/cái; Quỹ vận động phụ huynh: 430.000 đồng/HS…

thanh hoa vi sao hoc sinh noi tru phai dong nhieu khoan phi (2).jpg
Đơn phản ánh của phụ huynh.

Học sinh tuyển vào không đúng quy định

Ông Lê Sỹ Hiệu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở Như Xuân xác nhận trong số 60 học sinh tuyển sinh vào lớp 6, năm học 2022 - 2023 có 33 học sinh chỉ nhận được trợ cấp học kỳ I, sau đó thì bị cắt chế độ. Theo ông Hiệu, xét theo tiêu chí, điều kiện của Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT thì 33 học sinh này không đủ điều kiện.

“Sau khi cấp cho học sinh một học kỳ, xét thấy không đúng đối tượng nên nhà trường và huyện đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ để có nguồn trả lại ngân sách Nhà nước”, ông Hiệu thông tin.

Trái với phản ánh từ phụ huynh là ngoài tiền ăn, học sinh còn phải đóng nhiều khoản phí khác, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở Như Xuân khẳng định, từ học kỳ II của năm học 2022 - 2023, 33 học sinh tuyển sai phải đóng tiền ăn, tiền nước nấu ăn, ngoài ra không thu khoản nào khác.

Liên quan đến số học sinh được tuyển vào năm học 2021 - 2022, thời điểm này, nhiều xã trên địa bàn huyện Như Xuân cũng đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn nhưng không bị cắt chế độ, thầy Hiệu cho biết, do Quyết định 861/QĐ-TTg (về phê duyệt danh sách khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 - PV) ra đời vào tháng 6/2021 mà trong thời gian đó huyện cũng đang xét tuyển nên huyện chưa rà soát số học sinh đó. Được biết, năm học 2021 - 2022, có 58 học sinh được xét tuyển vào trường (hiện nay chuẩn bị vào lớp 9).

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở Như Xuân cũng cho biết, đến năm học 2024 - 2025, trong số 33 học sinh chỉ còn 20 học sinh ở lại trường, số còn lại đã xin chuyển về trường gần nhà.

Lý giải cho việc tuyển sai hàng chục học sinh vào trường nội trú, trong tờ trình gửi Sở GD&ĐT Thanh Hóa, UBND huyện Như Xuân cho rằng, do số lượng học sinh dự tuyển đúng vùng ít, số hồ sơ vùng III đã thực hiện tuyển hết nên để đảm bảo chỉ tiêu, quyền lợi cho con em người dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện mở rộng vùng tuyển cho đủ chỉ tiêu tỉnh giao nhằm đảm bảo quy mô trường lớp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các xã thị trấn trong toàn huyện.

Đáng nói, cho rằng kinh phí hỗ trợ học sinh trong học kỳ I được kêu gọi từ các tổ chức cá nhân, tuy nhiên, khi được hỏi số kinh phí đó là bao nhiêu? Tổ chức nào, cá nhân nào ủng hộ thì cả phía nhà trường cũng như Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân đều không trả lời được.

Liên quan đến số học sinh được tuyển vào năm học 2021 - 2022 (năm nay chuẩn bị vào lớp 9), tại sao không rà soát? Số học sinh này tuyển đúng quy định hay không? Phía Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân cũng không có câu trả lời.

Việc tuyển sinh sai quy định không chỉ ảnh hưởng đến tình hình học tập của học sinh, bức xúc trong phụ huynh mà nguồn kinh phí chi trả cũng sai quy định… thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào bị truy trách nhiệm.

Trả lời Báo GD&TĐ, ông Đỗ Văn Chung, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Xuân cho biết: “Sau khi rà soát, phát hiện tuyển sai quy định 33 học sinh, lãnh đạo UBND huyện cũng đã gặp gỡ, trao đổi và xin lỗi phụ huynh.

Đầu năm học 2023 - 2024, huyện cũng đã đề xuất Sở GD&ĐT cho bổ sung số học sinh này vào chỉ tiêu tuyển sinh để được hưởng chế độ theo Thông tư 04/2023- TT-BGDĐT (thay thế Thông tư 01/2016-TT-BGDĐT).

Tuy nhiên, sau khi gửi tờ trình lên UBND tỉnh và xin ý kiến một số sở, ngành, Sở GD&ĐT cho biết, không đủ cơ sở để bổ sung. Chúng tôi cũng xin ý kiến Sở về việc cho học sinh ở lại học tiếp nhưng không được hưởng trợ cấp theo quy định”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-hoc-sinh-noi-tru-o-thanh-hoa-phai-dong-nhieu-khoan-phi-post697527.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-hoc-sinh-noi-tru-o-thanh-hoa-phai-dong-nhieu-khoan-phi-post697527.html
Bài liên quan
Chấn chỉnh công tác tuyển sinh vào trường nội trú ở 11 huyện miền núi Thanh Hóa
Ngày 16/1, thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa, đơn vị vừa có công văn gửi 11 huyện miền núi của tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện chỉ đạo kiểm tra công tác tuyển sinh vào lớp 6 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú - trung học cơ sở từ năm học 2021 - 2022 đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao học sinh nội trú ở Thanh Hóa phải đóng nhiều khoản phí?