Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM thông tin tại họp báo. Ảnh: THÀNH NHÂN
Cũng tại họp báo, báo chí thắc mắc rằng sau khi Thông tư 24 có hiệu lực, khi làm thủ tục thu hồi đăng ký xe tại một số địa phương, cơ quan chức năng yêu cầu chính chủ cũ phải trực tiếp làm thủ tục thu hồi. Tuy nhiên, nhiều chủ cũ không thực hiện do một số nguyên nhân như chủ cũ đã mất, đi nước ngoài, không hợp tác... khiến người đang sử dụng phương tiện gặp khó.
Trả lời, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, tuỳ từng trường hợp, Thông tư có quy định cụ thể.
Trường hợp người mua có đầy đủ chứng nhận đăng ký, biển số xe, giấy tờ mua bán có công chứng, chứng thực thì căn cứ điểm b, khoản 4 Điều 6 Thông tư số 24, người mua xe đến cơ quan quản lý hồ sơ xe để làm thủ tục thu hồi (thay cho chủ xe) và đến cơ quan đăng ký xe nơi người đó cư trú để làm thủ tục sang tên, nhưng trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với người này về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định.
Trường hợp không có giấy tờ mua bán có công chứng, chứng thực thì được giải quyết theo Điểm b, Khoản 4, Điều 31 Thông tư số 24/2023/TT-BCA quy định về đăng ký sang tên xe đối với xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan Công an sẽ thông báo cho chủ xe và cơ quan đăng ký xe, niêm yết công khai việc tiếp nhận hồ sơ, tra cứu thông tin tàng thư xe bị mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày, nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và giải quyết sang tên xe theo quy định.
Trường hợp xe là tài sản chung của vợ chồng: Xe đã đăng ký (đứng tên cả hai vợ chồng hoặc chỉ đứng tên một người) mà người đứng tên trong chứng nhận đăng ký xe đã chết, mất tích (có giấy chứng tử hoặc Tòa án tuyên bố mất tích) thì giải quyết đăng ký sang tên xe nếu người thừa kế đồng ý bằng văn bản theo quy định.