Vì sao nhiều lao động bỏ trốn khi ra nước ngoài làm việc?

PV | 18/03/2023, 14:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thống kê từ các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, 2 tháng đầu năm 2023 có hơn 28 nghìn người ra nước ngoài làm việc.

Nếu như trước đây công ty phải lập nhiều kênh để tuyển dụng thì hiện nay việc tuyển dụng đã dễ dàng hơn vì nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh. Tiêu chí tuyển dụng không khắt khe, thời gian xuất cảnh sớm hơn, chi phí xuất cảnh thấp, có chế độ hỗ trợ vay vốn cho người lao động, đồng thời thu nhập của người lao động tăng do đối tác tăng lương cũng như chế độ phúc lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ở các nước tiếp nhận cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho lao động Việt Nam.

"Đơn cử như thị trường Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp nước này hiện đang rất "khát" lao động, nên mức lương được đưa ra cũng khá cao từ 20 - 40 triệu đồng/người/tháng. Nhiều đối tác của chúng tôi đang có nhu cầu tuyển dụng lớn nên chúng tôi cũng đang đặt mục tiêu năm 2023 này có thể đưa khoảng 2 nghìn học viên sang đây", ông Trung cho biết.

Lao động bỏ trốn: mãi vẫn chưa tìm được thuốc "đặc trị"

Theo con số của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chỉ tính 2 tháng đầu năm 2023, số lao động ra nước ngoài làm việc đã đạt hơn 28 nghìn người (gấp 20 lần cùng kỳ năm trước). Trong đó thị trường Đài Loan có hơn 14,6 nghìn lao động, Nhật Bản là hơn 12,4 nghìn lao động…

Chưa hết quý I, con số tích cực là vậy nhưng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa phải đưa ra thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 năm 2023 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh, do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Cụ thể, các địa phương bị tạm dừng gồm có: Huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); TP Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Đây là các địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Đề cập đến tình trạng lao động bỏ trốn, bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho rằng cả phía Việt Nam và thị trường tiếp nhận đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xử lý triệt để vấn đề này.

"Chẳng hạn như thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp cao, quy định trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, lao động phải ký Quỹ 100 triệu đồng để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn đã được triển khai. Lao động làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc trong hợp đồng hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt tiền 80 - 100 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, lao động vi phạm còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2-5 năm. Cùng với đó, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho lao động đi nước ngoài làm việc về nước đúng hạn, để hỗ trợ họ giải quyết vấn đề việc làm sau khi về nước. Các quy định xử lý đều đã có cả nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người lao động", bà Lan cho hay.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài xuất phát từ trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu. Vì vậy, người lao động không nhận thức được sự nguy hiểm, tác hại của việc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp đối với bản thân, gia đình và xã hội. Nếu bị phát hiện, lao động sẽ bị nước bạn bắt giam, trục xuất và mất cơ hội nhập cảnh trở lại.

"Thời gian tới, chúng tôi này sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, đặc biệt đối với thị trường Hàn Quốc. Nếu doanh nghiệp nào đưa lao động đi mà xảy ra tình trạng lao động bỏ trốn có tỷ lệ cao thì doanh nghiệp đó sẽ bị dừng tuyển và không được tiếp tục đưa lao động sang thị trường này nữa. Những địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nếu không giảm thì thời gian tới sẽ tiếp tục áp dụng đề xuất dừng tuyển. Đề xuất hạn chế tuyển lao động ở các địa phương này là để tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý, giám sát và tuyên truyền cho người lao động thực hiện đúng quy định", ông Liêm cho biết.

Theo (Công an nhân dân)
https://cand.com.vn/Thi-truong/vi-sao-nhieu-lao-dong-bo-tron-khi-ra-nuoc-ngoai-lam-viec--i687006/
Copy Link
https://cand.com.vn/Thi-truong/vi-sao-nhieu-lao-dong-bo-tron-khi-ra-nuoc-ngoai-lam-viec--i687006/
Bài liên quan
[Infographics] Thu nhập người lao động ở doanh nghiệp nhà nước hiện ra sao?
Doanh thu của khu vực kinh tế nhà nước chỉ bằng một nửa so với khu vực ngoài nhà nước và bằng 1/5 so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, nhập bình quân của người lao động làm trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cao hơn từ 1,5-2 lần khu vực khác...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhiều lao động bỏ trốn khi ra nước ngoài làm việc?