Vì sao Qatar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể hòa giải xung đột Israel - Hamas?

13/10/2023, 21:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Qatar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ là các quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực và đã nỗ lực tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nhưng chưa có kết quả.

Vì sao Qatar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể hòa giải xung đột Israel - Hamas? - 1

Khói bốc lên ở Gaza sau cuộc không kích của Israel hôm 12/10.

Theo tờ SCMP, các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn Israel tấn công Dải Gaza đang gặp khó khi xung đột leo thang đến mức các bên liên quan chưa sẵn sàng đàm phán.

Hôm 11/10, 5 ngày sau khi Hamas phát động cuộc tấn công tồi tệ nhất trong lãnh thổ Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố sẽ "loại bỏ hoàn toàn Hamas khỏi Trái đất".

Hiện tại, các quốc gia Trung Đông đang bày tỏ quan ngại khi Israel có thể sắp mở cuộc tấn công vào Dải Gaza, làm trầm trọng thêm tình hình.

Quốc gia dầu mỏ Qatar - nước có mối quan hệ tốt với Hamas và thường đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Iran, gần đây xác nhận nỗ lực hòa giải, tìm cách để hạ nhiệt căng thẳng và Hamas trả tự do cho các con tin.

Tuy nhiên Qatar hôm 10/10 thừa nhận "vẫn còn quá sớm" để có thể tính tới việc các bên trao đổi tù nhân, con tin và "còn phải chờ xem tình hình ở thực địa diễn biến ra sao".

"Tôi nghĩ tình hình hiện tại chưa có chỗ cho một sự tiến bộ trong đàm phán”, William Park, chuyên gia am hiểu về nghiên cứu quốc phòng tại Đại học King ở London (Anh), nói. Israel hiện vẫn đang không ngừng ném bom Dải Gaza còn Hamas vẫn muốn sử dụng con tin để cản trở hoạt động quân sự của Israel.

Steven Wright, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Hamad Bin Khalifa ở Doha (Qatar) cho rằng, bước đột phá trong đàm phán ngoại giao rất khó xảy ra cho đến khi tất cả các bên liên quan “xem xét lại lập trường cốt lõi".

Tuy vậy, ông Wright tin rằng, vẫn có cơ hội để các quốc gia hòa giải đáng tin cậy như Qatar, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ "đạt được một thỏa thuận nhân đạo nhỏ nhưng mang tính biểu tượng quan trọng, làm cơ sở cho đàm phán hạ nhiệt căng thẳng sau này".

Hiện tại, các nỗ lực dàn xếp hòa giải cho đến nay chỉ dừng lại ở việc ngăn xung đột lan rộng sang các khu vực khác.

Giorgio Cafiero, Giám đốc điều hành Gulf State Analytics - một công ty tư vấn rủi ro địa chính trị có trụ sở tại Washington - nói: “Các quốc gia ở Trung Đông quan ngại trước khả năng bạo lực leo thang và lan rộng thành một cuộc xung đột khu vực", ví dụ như xung đột Israel - Iran.

Ước tính hơn 2 triệu người Palestine sống ở Dải Gaza. Ai Cập và Jordan đã hối thúc Israel cho phép các quốc gia này gửi hàng cứu trợ nhân đạo tới Dải Gaza. Điều này chỉ có thể đạt được nếu xung đột tạm dừng.

Mỹ và các cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng tích cực tìm cách mở một hành lang nhân đạo để dân thường Gaza sơ tán, nhưng chưa nhận được sự đồng ý từ Israel.

Ai Cập đã đóng biên giới với Dải Gaza từ ngày 10/10, sau khi Israel liên tục dội bom tuyến đường duy nhất kết nối Ai Cập với thành phố Rafah ở Dải Gaza. 

Phó giáo sư Steven Wright ở Doha nói, Ai Cập sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải nhưng lo ngại gánh nặng nếu để làn sóng người tị nạn ở Gaza tràn sang. Ai Cập khuyến khích Israel mở hành lang nhân đạo để người dân ở Gaza có thể rời đi nơi khác.

"Điều này nhấn mạnh vai trò có giới hạn của Ai Cập. Nước này có thể tìm cách tạo điều kiện cho các lệnh ngừng bắn do có lãnh thổ giáp với Dải Gaza và thúc đẩy Hamas thả con tin, nhưng cũng thận trọng về tác động đối với bán đảo Sinai”.

Ông Wright cho rằng, Ai cập có thể muốn sử dụng thông tin tình báo và các mối quan hệ khác để giúp dàn xếp một lệnh ngừng bắn “mà không khuyến khích một cuộc di cư tiềm ẩn bất ổn".

Trong khi đó, vai trò hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO cũng hết sức hạn chế. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ lâu dài với cả Israel và Hamas.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ngỏ ý sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas. Chuyên gia William Park đến từ Đại học King ở London (Anh), nói Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể duy trì lập trường trung lập nếu xung đột Israel - Hamas kéo dài, gây tổn hại cho cộng đồng người Palestine sống ở Gaza.

"Hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ và đảng cầm quyền của ông Erdogan đều có xu hướng ủng hộ người Palestine và cá nhân ông Erdogan cũng vậy", ông Park nói.

Ông Wright cũng nghi ngờ liệu Ankara có thực hiện được vai trò trung gian hòa giải để Israel và Hamas ngừng bắn hay không. “Tôi nghĩ có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày càng công khai ủng hộ người Palestine và điều này có thể dẫn đến mối quan hệ ngày càng tồi tệ với Israel”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Qatar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể hòa giải xung đột Israel - Hamas?