Theo Nghị định 116, địa phương sẽ rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên theo từng trình độ, cấp học. Trên cơ sở đó, xác định chỉ tiêu để giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc tỉnh hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. Nghĩa là, địa phương phải có trách nhiệm về đầu ra với sinh viên được đào tạo theo đặt hàng. Tuy nhiên, việc tuyển giáo viên vẫn phải theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ nên những sinh viên này trải qua kỳ thi tuyển như ứng viên khác. Khi thi tuyển, có thể các em không trúng tuyển.
Vậy vấn đề đặt ra là, sau khi tốt nghiệp, nếu thi tuyển không đỗ, những giáo sinh này sẽ về đâu? Họ có phải trả lại chi phí cho Nhà nước hay không? Điều này còn nhiều vướng mắc và thiếu đồng bộ. Đặc biệt, thiếu nhất quán giữa việc đặt hàng với tuyển dụng. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỉnh Quảng Ngãi chưa tính đến phương án đặt hàng đào tạo giáo viên.
Tuyển dụng thì phải theo quy định chung, các địa phương không được xây dựng cơ chế đặc thù riêng. Vì thế, nếu không lấy được đúng “đơn hàng” mà mình đã đặt thì rất lãng phí. Chi bằng, khi cần tuyển dụng, địa phương đăng thông báo là tuyển được giáo viên, không cần đến cơ chế “đặt hàng”. Từ thực tế trên, tôi cho rằng, phải sửa Luật Viên chức hoặc Nghị định 115 để cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên với chính sách tuyển dụng có chung tiếng nói và bảo đảm sự nhất quán của chính sách nhân văn này.
Nghị định 116 ra đời đã giải quyết hai tồn tại lớn của ngành sư phạm. Thứ nhất, giúp cho các địa phương chủ động thực hiện việc tuyển dụng và quản lý đội ngũ giáo viên một cách hiệu quả; tránh tình trạng thừa thiếu giáo viên như nhiều năm qua. Thứ hai, sử dụng nguồn hỗ trợ cho sinh viên sư phạm hiệu quả để tuyển chọn được người giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ thể hiện tính ưu việt đối với phương thức giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, còn với phương thức đặt hàng và đấu thầu chưa được như mong muốn.
Hai năm qua, kể từ ngày Nghị định 116 có hiệu lực nhưng hầu hết địa phương đều không mặn mà với phương thức đặt hàng và đấu thầu đào tạo giáo viên. Lâu nay, khi địa phương thiếu giáo viên vẫn tuyển dụng bình thường vì khâu đào tạo tách bạch khỏi khâu tuyển dụng. Theo đó, sinh viên ra trường vẫn phải thực hiện cơ chế tuyển dụng theo Luật Viên chức và Nghị định 115. Sự không nhất quán giữa đặt hàng, đấu thầu với chính sách tuyển dụng giáo viên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên chưa phát huy hiệu quả.
Quan điểm của tôi là khó đâu, gỡ đấy. Theo đó, cần có chính sách đặc thù trong tuyển dụng những giáo viên được đào tạo theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu. Nghĩa là, sau khi học xong, họ phải được phân công, bố trí công việc. Việc này, chúng ta có thể học tập, áp dụng theo mô hình, chính sách của ngành công an, quân đội.
Cùng với đó, các địa phương phải nâng cao năng lực dự báo nhu cầu nhân lực. Theo đó, phải sớm hình thành các Hội đồng giáo dục, bao gồm đại diện sở, ban, ngành liên quan; đại diện cộng đồng… Hội đồng này làm chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực cho giáo dục đào tạo nói riêng, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, thậm chí qua từng năm.
“Nghị định 116 sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu được cộng hưởng với chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Theo đó, cần quan tâm tới lương và phụ cấp cho giáo viên. Nghĩa là, đã đầu tư trong quá trình học thì cũng cần đầu tư khi ra công tác. Hiện, mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm là 3.630.000 đồng/tháng, trong khi mức lương cơ bản của giáo viên mới ra trường, đặc biệt là giáo viên mầm non cũng tương đương con số trên” - TS Nguyễn Trung Triều nhìn nhận.