Viện cũng ký kết với nhiều địa phương trong cả nước để triển khai các nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng đặt hàng theo các yêu cầu cụ thể. Các nhà khoa học của Viện đã chủ động tham gia nhiều nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài hợp tác địa phương. Năm 2022, Viện đã thực hiện triển khai 57 nhiệm vụ hợp tác với các bộ ngành và địa phương. Các đơn vị trực thuộc đã thực hiện 1.683 hợp đồng KH&CN...
Các kết quả nghiên cứu đều có tính ứng dụng thiết thực và được chuyển giao cho địa phương, cơ sở sản xuất, thu hút được sự đầu tư kinh phí đáng kể, như dự án "Phát triển thương mại sản phẩm bóng đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng tự đối lưu phục vụ trong chiếu sáng dân dụng" đã hoàn thiện quy trình công nghệ, thực hiện sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa bóng đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng tự đối lưu có công suất từ 5-24 W có khả năng ứng dụng rộng rãi trong chiếu sáng dân dụng, trong khu sản xuất và những nơi có nhiệt độ môi trường cao.
GS.VS. Châu Văn Minh cho biết, trong năm 2023, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát quy hoạch phát triển Viện đến năm 2030, tầm nhìn 2045; thúc đẩy công bố các công trình nghiên cứu đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ KH&CN. Viện cũng tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh các hướng nghiên cứu phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tốt các dự án lớn, các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, như: Dự án Vệ tinh quan sát Trái đất, dự án Trường Đại học KH&CN Hà Nội, dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm Dữ liệu cấp quốc gia...
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong hoạt động KH&CN. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được triển khai thành công, trải rộng trên các lĩnh vực, từ khoa học cơ bản đến phát triển công nghệ và ứng dụng.
Để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị, với vai trò và vị thế là một trung tâm KH&CN và đổi mới sáng tạo hàng đầu của đất nước, Viện tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phục vụ triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đồng thời phối hợp nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; các nhiệm vụ tại các chương trình khoa học cơ bản đã được Thủ tướng phê duyệt theo thế mạnh của Viện, tôn trọng tính đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học, chấp nhận rủi ro và có độ trễ; phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ để làm chủ công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về công nghệ, chuyển giao công nghệ; xúc tiến thành lập một số doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu...
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng mong muốn Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức triển khai kịp thời các nhiệm vụ đột xuất, đánh giá sự cố môi trường và các hiện tượng lạ, bất thường, dị thường trong tự nhiên để phục vụ cho công tác điều hành quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan và đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.