Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định quan trọng liên quan đến dự án cao tốc này.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 722/QĐ-TTg ngày 6/4/2025 về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku (Dự án).
Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Xây dựng; Quốc phòng; Công an; Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Định, Gia Lai.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công nhằm kết nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Ban QLDA 2 (Bộ Xây dựng) - đơn vị xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, việc đầu tư dự án nhằm thực hiện mục tiêu đề ra của Bộ Chính trị trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Cùng với từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đường bộ cao tốc theo quy hoạch, dự án sẽ góp phần nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đặc biệt nối Tây Nguyên với cảng biển nước sâu, các vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng.
Ban QLDA 2 đã trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Dự án dự kiến khởi công trong năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2029.
Theo đó, dự án có đầu tại QL19B (khoảng lý trình Km 39+200) thuộc xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Điểm cuối giao đường Hồ Chí Minh (QL14) thuộc TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 123km (đoạn qua Bình Định dài khoảng 37,4km, qua Gia Lai dài khoảng 85,6km); quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Đoạn tuyến qua đèo An Khê (khoảng 20km) và đèo Mang Yang (khoảng 20km) có điều kiện địa hình đồi núi hiểm trở, độ dốc cao... nên dự kiến có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h.
Hướng tuyến được nghiên cứu lựa chọn bảo đảm ngắn và thẳng nhất có thể, phù hợp với các quy hoạch quốc gia và quy hoạch địa phương; bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường; phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực nghiên cứu; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB); bảo đảm kết nối thuận lợi với các trung tâm đô thị, khu chức năng quan trọng.
Về nguồn vốn, Ban QLDA 2 cho biết, trên cơ sở khối lượng tính theo thiết kế sơ bộ; hệ thống định mức, đơn giá xây dựng, các chế độ, chính sách liên quan; suất đầu tư được Bộ Xây dựng công bố tại Quyết định số 816 ngày 22/8/2024; tham khảo suất đầu tư các dự án tương tự trong khu vực, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 38.917 tỷ đồng.
Sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng hơn 4.659 tỷ đồng. Công tác GPMB sẽ được tách theo địa phận của các tỉnh Gia Lai, Bình Định và giao cho 2 tỉnh làm chủ đầu tư để tổ chức thực hiện.
Dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn Ngân sách nhà nước từ các nguồn: Nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024; nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai; nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.