Về sản phẩm và trải nghiệm khách hàng, Vincom Retail định hướng sẽ tiếp tục phát triển mô hình Life-Design Mall trở thành điểm đến cho thế hệ trẻ.
Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí, Vinpearl đặt mục tiêu duy trì đà phục hồi mạnh từ kỳ vọng ngành du lịch khởi sắc trở lại trong năm nay, với tỷ trọng đóng góp lớn đến từ mảng khách sạn, ẩm thực và vui chơi giải trí bên cạnh dịch vụ sân golf.
Vinpearl đã xây dựng kế hoạch hành động bao gồm đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ (triển khai Vinpearl Signature), đẩy mạnh bán sản phẩm đặc trưng cho Pearl Club, phát triển điểm đến mang dấu ấn bản sắc cho từng cơ sở VinWonders và xây dựng sân chơi cho các giải đấu golf nổi tiếng thế giới.
Tại đại hội tới, HĐQT Vingroup cũng dự kiến trình cổ đông thông qua việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế (sau khi trích 5 tỷ vào quỹ dự trữ theo quy định tại điều lệ tập đoàn). Mục đích của việc giữ lại lợi nhuận là dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vingroup.
Bên cạnh đó, công ty cũng trình tờ trình về phương án niêm yết trái phiếu, dự thu tối đa 5.000 tỷ đồng. Nếu phát hành ra công chúng, khối lượng tối đa 50 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng. Nếu phát hành riêng lẻ, khối lượng tối đa 50.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng.
Đây là trái phiếu chuyển đổi, có thể thành một hoặc nhiều đợt chào bán. Lãi suất coupon 15%/năm. Trái phiếu có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tối đa không quá 60 tháng. Thời hạn phát hành dự kiến trong vòng một năm kể từ ngày có Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Theo phương án này, toàn bộ số tiền thu được sẽ được dùng để đầu tư các chương trình, dự án bất động sản và/hoặc tăng quy mô vốn hoạt động, phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh của Vingroup.
Trường hợp thực hiện các chương trình, dự án, số lượng trái phiếu bán được phải đạt tối thiểu 70% số trái phiếu dự kiến chào bán. Công ty cũng dùng các nguồn vốn vay và nguồn vốn kinh doanh khác để bù đắp phần thiếu hụt.