Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc biến động giá nguyên, nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động đầu tư xây dựng nói chung và đầu tư xây dựng công trình giao thông nói riêng.
Với các dự án triển khai từ năm 2019 đến nay, rất nhiều hợp đồng xây lắp được ký kết theo hình thức hợp đồng trọn gói, khi gặp biến động về giá nguyên, nhiên liệu dẫn đến việc nhà thầu chưa thi công nhưng đã nhìn thấy khả năng thua lỗ. Theo đó, các công trình thi công cầm chừng, trông chờ vào điều chỉnh chế độ chính sách của nhà nước dẫn đến chậm tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu đã ký hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định trước tình hình trên, Bộ Xây dựng thường xuyên rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống quy định pháp luật có liên quan; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành.
Liên quan đến lĩnh vực nhà ở xã hội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có lượng công nhân và người lao động lớn có nhu cầu đặt hàng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho người lao động của mình và có nhu cầu mua lại cả tòa nhà đứng tên doanh nghiệp để làm ký túc xá cho công nhân ở.
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở 2014, doanh nghiệp không phải đối tượng để được mua nhà ở xã hội. Vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất đề xuất mua nhà ở, đất ở thuộc các dự án nhà ở xã hội để cho các công nhân, người lao động thuộc đơn vị thuê là không có cơ sở để giải quyết.
Bộ Xây dựng cho rằng, hiện dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 do Chính phủ trình Quốc hội đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị thuê lại.