Xác gà vẫn còn bám trên bụi cây.
Trước đó, Phòng NN&PTNT đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, cho thấy do ảnh hưởng của mưa lũ trong 2 ngày (15-16/7), khiến lượng nước từ thượng nguồn chảy về nhiều tại hồ chứa tự đắp của hộ ông Đinh Xuân Thu (trú tại thôn 10, xã Nâm N’Jang), làm nước dâng cao, gây ra sạt lở diện rộng.
Theo Phòng NN&PTNT, tính đến ngày 17/7, có 13 hộ bị ảnh hưởng (gồm gia cầm chết và một số tài sản khác), tổng thiệt hại 547 triệu đồng.
Đập nước do ông Thu tự đắp.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đắk Song cho hay, nguyên nhân ban đầu cho thấy việc gia đình ông Đinh Xuân Thu tự ý đắp hồ chứa nước để phục vụ nước tưới và nước sản xuất mà không xin ý kiến của các cấp chính quyền, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 lượng mưa lớn tập trung, đồng thời các hộ gia đình sinh sống ở vùng trũng thấp, gần khe suối.
Trao đổi với Tiền Phong , ông Đinh Xuân Thu, chủ hồ chứa nước cho biết đây là sự cố không mong muốn, do ảnh hưởng của mưa bão. Bởi, trước ngày xảy ra sự cố vỡ đập, mưa rất to, nước trên thượng nguồn tràn về dữ dội.
“Tôi đắp hồ nước với mục đích là rửa phèn, khử khuẩn đất nhằm phục vụ nông nghiệp. Trước khi đắp đập (đầu năm 2023), tôi có lập phương án cải tạo đất và đã nộp cho UBND xã Nâm Njang cũng như Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk Song. Họ nói sẽ xuống kiểm tra thực tế để phê duyệt nhưng tôi đợi mãi không thấy ai xuống. Để kịp phục vụ sản xuất nông nghiệp, tôi mới đắp đập và gia cố rất chắc chắn. Tuy nhiên, sự cố vừa qua là không ai mong muốn", ông Thu nói.
Khu đập nhà ông Thu.
Ông Thu cho biết thêm, bản thân đang khó khăn vì sản xuất nông nghiệp thất bại nhưng vẫn chấp nhận hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, ông kiến nghị chính quyền cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du bởi khu vực những hộ này đang sống rất trũng, sát khe suối…
Hiện trường vụ vỡ đập gây thiệt hại.