Mới đây, trên một diễn đàn về BĐS, chị Minh Ngọc chia sẻ, chị có một căn shophouse xây thô ở Hoài Đức (Hà Nội) lúc mua giá 12 tỷ. Hiện, khu vực này nếu cho thuê thô để làm kho được 6 triệu đồng một tháng, nếu bỏ thêm tiền hoàn thiện 2 tỷ nữa thì cho thuê được 10 triệu.
“Tôi thấy không hợp lý đành rao bán, tuy nhiên có khách trả 9 tỷ đồng. Vì đã đầu tư được ba năm nay nên nếu tính cả gốc và khoản lãi vay ngân hàng thời gian qua, thì mức thua lỗ đang rất nặng. Căn hộ shophouse thoạt nhìn tưởng dễ “ăn” nhưng thực tế khiến nhiều người vỡ mộng” – chị Ngọc chia sẻ.
Nhiều nhà đầu tư thừa nhận "ôm trái đắng" với BĐS nhà phố - shophouse
Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư cá nhân khó khăn vì mua căn shophouse giá 15 tỷ, chỉ có vốn 5 tỷ (vốn 30%), vay ngân hàng 10 tỷ. Khi hết ân hạn lãi suất, mỗi tháng phải đóng gốc và lãi 200 triệu đồng, trong lúc kinh doanh khó khăn như hiện nay thì khó có thể gồng, nhiều người chấp nhận bán hợp đồng chịu bỏ mất 30% ban đầu, thua lỗ rất nặng nề.
“Những căn shophouse bỏ hoang tại các khu đô thị, chôn cả trăm tỷ vốn của hàng loạt nhà đầu tư, nhưng giờ giảm giá cũng không bán được, khiến nhiều người khóc dở mếu dở.
Khách sạn mua về còn khai thác được ra dòng tiền, chứ mấy shophouse, biệt thự trong các khu đô thị vùng ven, giá đã cao mà mua về không biết làm gì, ở thì xa, cho thuê khó, để không thì xuống cấp, trong khi muốn bán cũng không dễ mà giá cũng không tăng được do chủ đầu tư đã tính giá trước cả 10 năm” – chị Minh Ngọc chia sẻ thêm.
Những căn shophouse treo biển cho thuê, bỏ hoang tại các khu đô thị
Anh Hội – môi giới BĐS chuyên mảng nhà phố khu vực Hà Đông, Nam Từ Liêm, cho hay, thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhiều công ty giờ chỉ cần kho chứ không cần cửa hàng, mà kho giờ cũng là kho dịch vụ thông minh, quản lý và điều hành online vừa rẻ vừa an toàn chứ đi thuê shophouse làm kho vừa đắt vừa mất an toàn.
Tương tự, nhiều người trong giới BĐS cũng thừa nhận, loại hình nhà phố - shophouse thực sự rất có giá khi nó mới xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 2000. Ở các quận trung tâm của TP. HCM và Hà Nội, một loạt căn shophouse từng là “gà đẻ trứng vàng” hút giới đầu tư. Chính vì nó thành công nên tạo ra sự cung cấp vô tội vạ sau này, đến nỗi dư thừa và thiếu tầm nhìn. “Cho nên ai sở hữu shophouse trước năm 2010 là thắng. Còn sau thì huề vốn hoặc thua. Cái gì nhiều quá cũng trở nên mất giá trị vì sự cạnh tranh” – một ý kiến bày tỏ.
Một ý kiến khác thì cho rằng: “Xác định đầu tư phải chấp nhận thôi. Nếu biết trước sẽ không có người thất bại”.
Lý giải nguyên nhân nhiều dự án shophouse chưa mang lại lợi nhuận như kỳ vọng cho các nhà đầu tư, mới đây, chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản Trần Minh cho rằng, một dự án shophouse phải hội tụ rất nhiều yếu tố, đặc biệt phải tính đến vấn đề "nhân khẩu học", tính toán chi tiết hành vi người dùng, số lượng người qua lại để hoạt động kinh doanh, mua sắm có thể tạo ra dòng tiền hàng ngày cho dự án. Có như vậy, shophouse mới có thể mang lại hiệu quả về mặt kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ sự thay đổi lớn về phương thức mua sắm, giải trí của người dân. Hiện nay, người tiêu dùng đã sử dụng phương thức mua hàng online nhiều hơn, cùng với sự di dân về các khu đô thị vệ tinh, đã khiến các phố tập trung buôn bán không còn hiệu quả như trước, từ đó làm giảm đáng kể giá trị của nhà phố.
Mặt khác, sự xuất hiện của các trung tâm thương mại với đầy đủ dịch vụ, tiện ích và việc tắc đường thường xuyên ở những tuyến phố mua sắm, tâm lý ngại dừng xe mua hàng, cũng đang làm giảm dần hiệu quả kinh doanh của nhà mặt phố.