Không GPA lung linh, không học chuyên, không giải thưởng, điều kiện tài chính của gia đình cũng không quá tốt để tìm trung tâm giúp mình chuẩn bị hồ sơ. Nhưng cuối cùng, bằng những cái "không" đó, Trần Vũ Minh Tâm, một cựu học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) vẫn đến được Hàn Quốc trên một chuyến bay mà bản thân không phải chi trả, khám phá ngành học mình yêu và ngôi trường mình thích, cùng chiếc visa với phần ghi chú mang chữ "chính phủ tài trợ".
Minh Tâm đã "ẵm" trọn học bổng toàn phần danh giá Chính phủ Hàn Quốc (GKS-U) cho Hệ Đại học, được đài thọ từ A tới Z. Cô hiện là sinh viên ngành Truyền thông (Media & Communication) của Trường Đại học Nữ Ewha (Ewha Womans University) - trường đại học dành riêng cho Nữ giới lớn nhất Hàn Quốc và thế giới.
Cụ thể, Minh Tâm có tổng GPA 3 năm học cấp 3: 8.8. Trong đó môn Toán còn khá "nát", với 2 kỳ dưới 7.0, 3 kỳ dưới 8.0 và có đúng 1 kỳ được 8.0 tròn trĩnh.
Tâm cho biết, dù bản thân học trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, là ngôi trường chuyên nổi tiếng, song học bạ khi đem đi dịch thuật công chứng thì lại chỉ ghi là "Chu Van An High School", thành ra sang quốc tế không được "hưởng tiếng thơm" là chuyên, là chọn như những bạn khác. Và lớp cấp 3 của Tâm cũng chỉ là lớp ban D, chứ không phải chuyên, nên học bạ cũng được coi như giống với các bạn học những trường không chuyên khác.
Trừ một giải khuyến khích thi học sinh giỏi cấp cụm và một giải cũng khuyến khích một cuộc thi làm báo ảnh, Tâm hoàn toàn không có một giải thưởng về học thuật nào khác.
Với background như vậy, đứng trước Chương trình học bổng toàn phần Hàn Quốc hot nhất cùng tỉ lệ cạnh tranh vô cùng cao, Tâm đã gạt bỏ tự ti, trang bị cho bộ hồ sơ của bản thân những điều cần thiết để có thể trở thành người được Chính phủ nước bạn "chọn mặt gửi vàng" chỉ trong lần apply đầu tiên.
1. Một bài luận thật độc đáo
"Bài luận" cho HBCP Hàn Quốc thật ra chỉ là một bài giới thiệu bản thân với độ dài tối đa 2 trang A4 - đây sẽ là điều tạo được ấn tượng ban đầu với hội đồng tuyển chọn. Hội đồng tuyển sinh sẽ lựa chọn ứng viên mà họ cảm nhận được qua bài luận của người ấy sự khác biệt trong quyết tâm. Và động lực apply học bổng, những thành tựu đạt được trong học tập và ngoại khóa, những kỹ năng mềm có được…, tất cả những điều này, cũng sẽ cần một sự độc đáo, để một ứng viên có thể nổi bật trong hàng trăm, hàng nghìn thí sinh khác.
2. Một study plan thật kĩ càng và khoa học
Một study plan - kế hoạch học tập được xây dựng thật kĩ càng và khoa học (dựa trên những tìm hiểu của bản thân về chương trình học của trường định apply nữa thì càng tốt) sẽ giúp mình hiện lên trong mắt hội đồng tuyển chọn học bổng là một con người biết bản thân đang và sẽ làm gì, và đã tìm hiểu đủ kĩ về những gì bản thân sắp đón nhận.
3. Thư giới thiệu cũng rất quan trọng
Người giới thiệu bạn cho chương trình học bổng không nhất thiết phải là một Tiến sĩ, một Giáo sư nổi tiếng và được nhiều người biết tới, mà đó có thể là giáo viên chủ nhiệm của bạn, một giáo viên bộ môn, một người sếp, một người hướng dẫn, hoặc bất kỳ ai, miễn rằng người đó đã từng tiếp xúc với bạn đủ lâu để hiểu và nắm được thành tích học tập của bạn, những khả năng liên quan tới chuyên ngành mà bạn có được, những ưu - nhược điểm của bạn, cách bạn tương tác với những người xung quanh trong môi trường giáo dục,...
4. Hoạt động ngoại khóa (HĐNK) và kinh nghiệm làm việc
Tâm chia những HĐNK mà bản thân có được thành 3 nhóm.
Nhóm liên quan tới chuyên ngành: Tâm đã từng có 3 hay 4 lần tham gia những dự án và sự kiện với tư cách là một thành viên của ban Truyền thông/Media/PR, tự học hành mày mò cách sử dụng máy ảnh, biên tập video, chỉnh sửa ảnh, nghĩ nội dung cho các sản phẩm truyền thông. Ngoài ra, cô cũng đã có thời gian làm part-time dịch Việt - Hàn cho một công ty truyền thông; Nhóm liên quan tới Hàn Quốc: Tâm từng có một lần đi trao đổi văn hóa - giáo dục tại Hàn Quốc, được đến thăm hai trường cấp 3 và một trường đại học ở bên đấy; Nhóm liên quan đến "nhân văn".
5. Chứng chỉ ngoại ngữ
Tâm có TOPIK 6 (cấp cao nhất trong bài thi đánh giá năng lực tiếng Hàn) và IELTS 7.5.
6. Thể hiện thật tốt khi phỏng vấn
Tâm cố gắng chuẩn bị phỏng vấn từ sớm để có được một phong thái tự tin nhất, và nếu có bị hỏi những câu không trong dự tính thì cũng cố gắng không bị hoảng loạn quá lâu. Bạn vừa cần bám sát vào những gì bạn đã khắc họa lên về bản thân ở trong bài luận, nhưng cũng vừa phải chấm phá đôi nét mới mẻ để cho interviewer đỡ chán.
Tâm cho biết, trường của mình nhiều môn khó, nhiều Giáo sư cũng không dễ cho điểm hay ưu tiên sinh viên nước ngoài, và những môn mình đã học thì đầy đủ cả từ tiếng Hàn đến tiếng Anh, từ Khoa học Xã hội đến Khoa học Tự nhiên, từ môn chuyên ngành đến môn tự do. Tuy nhiên, điều đáng ngưỡng mộ là trong những năm theo học ở đây, Tâm luôn duy trì được một bảng điểm toàn A.
Tâm có những bí quyết để duy trì thành tích này:
Ghi âm lại bài giảng bằng ứng dụng có tính năng chuyển từ giọng nói sang văn bản
Một trong những trợ thủ đắc lực của Tâm khi đi học, đặc biệt là với những môn bằng tiếng Hàn, đó là ứng dụng chuyển giọng nói thành văn bản. Tâm thường hay sử dụng ClovaNote (클로바노트), bởi ứng dụng này sẽ vừa ghi âm và lưu lại được record của một tiết học dài 75 phút, lại vừa chuyển được nội dung ghi âm thành văn bản với độ chính xác cao.
Sau giờ học, nếu bản thân còn phần nào nghe một lần chưa hiểu thì Tâm sẽ bật lại ghi âm và tua tới phần đó, hoặc nếu có phần nào có nhiều từ mới thì có thể tìm lại và tra được từ ấy nhờ vào phần văn bản được chuyển ra.
Tự giải thích lại nội dung bài học theo ý hiểu của mình bằng cách viết lại và sử dụng những mũi tên, tự tìm ví dụ cho những phần kiến thức bản thân đã học: Hoạt động này sẽ giúp biến những kiến thức "có sẵn" trong tài liệu, sách vở hay giáo trình trở thành kiến thức của bản thân.
Học 7 lần
Phần kiến thức trong một buổi học sẽ được học đi học lại 7 lần, vào những thời điểm khác nhau:
Lần "học" đầu tiên sẽ là lúc đọc trước giáo trình hoặc tài liệu để chuẩn bị cho buổi học. Lần "học" thứ hai, sẽ là lúc nghe giảng trên lớp. Lần "học" thứ ba sẽ là lần đọc lại tài liệu, giáo trình, và những gì đã ghi chú lại ngay sau khi buổi học kết thúc, hoặc là vào tối ngày hôm ấy. Lần "học" thứ tư là bật lại bản ghi âm đã thu được trong buổi học.
Lần "học" thứ năm có thể được diễn ra ngay cuối tuần đó, hoặc là tầm 3 tuần tới 1 tháng trước khi thi. Tâm sẽ lấy ra một tờ giấy, cố nhớ và viết ra những từ khóa hoặc câu quan trọng của buổi học đó, kèm theo là ý chính bao trùm. Lần "học" thứ sáu sẽ là việc viết ra kiến thức thành những đoạn văn hoàn chỉnh, đặc biệt là trong trường hợp môn học thi theo dạng tự luận. Và lần "học" thứ bảy, Tâm sẽ vừa ôm quyển sách vừa đi đi lại lại, cố gắng nhớ những phần kiến thức trọng tâm.
Tâm cho biết, vì quỹ thời gian của mình tương đối nhiều hơn so với một số người, do vậy mà cô cũng có nhiều điều kiện để học chăm hơn. Những kinh nghiệm và phương pháp của cô cũng không phải mang thông điệp "học ít mà điểm vẫn cao", mà sẽ thiên về "học tập và ôn thi đỡ vất vả hơn so với cách truyền thống".