Theo ghi nhận của PV, những cây gỗ trắc bị chết xảy ra đã nhiều năm, nhiều thân cây bắt đầu có dấu hiệu bị hư hỏng, mối mọt. Một số cây gỗ lớn, có giá trị được ban quản lý dùng tôn bao bọc thân cây để ngăn ngừa kẻ trộm. Riêng cây gỗ trắc ba thân bị ngã đổ (có trữ lượng khoảng 2 m3, giá trị vài tỉ đồng), luôn được hai nhân viên canh giữ, túc trực bảo vệ.
Cây gỗ trắc bị chết từ năm 2015
“Việc bảo vệ những cây gỗ trắc bị chết không bị mất trộm cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho ban quản lý. Nếu quản lý không tốt, nguy cơ bị mất cắp rất cao, do cây gỗ có giá trị lớn. Ban có 18 người, đồng thời còn được chi cục và các đơn vị khác tăng cường thêm 18 người nữa mới đáp ứng nhu cầu bảo vệ rừng. Ban cũng mong muốn làm sao có giải pháp triệt để, xử lý tốt những cây gỗ đã chết để anh em yên tâm công tác” - ông Bảo nói.
Hiện Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy đang quản lý hơn 500 ha, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như gỗ trắc, giáng hương… Trong đó, riêng gỗ trắc có đường kính 20 cm trở lên có khoảng 1.000 cây.
Ban phải cắt cử hai nhân viên bảo vệ một cây gỗ bị ngã đổ
Như PLO đưa tin, trên lâm phần Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy có 161 cây trắc chết khô. Việc cắt cử cán bộ canh giữ từng cây trắc ngã đổ, cây trắc bị chết khô thường xuyên, dẫn đến không đủ người, đủ sức để thực hiện nhiệm vụ.
Chính vì vậy, ban quản lý đã có văn bản xin chủ trương cắt dọn, thu gom toàn bộ số cây trắc bị chết này đưa về kho quản lý, bảo quản, tránh tình trạng mất mát, thất thoát tài sản của nhà nước. Đồng thời, giảm bớt kinh phí cắt cử, phân công cán bộ trông coi, canh gác hàng năm.